LTS: Hành động man rợ của Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa đã khiến dư luận xã hội, các chuyên gia tâm lý, xã hội học, các nhà tội phạm học, các lãnh đạo ngành công an….tìm mọi cách cắt nghĩa, lý giải.
Liệu những vụ việc chấn động này với những khung hình phạt nghiêm khắc của pháp luật sẽ khiến cho tội phạm giảm đi hay càng khởi nguồn để gia tăng hàng loạt hành động giết người man rợ khác? Theo đó, xã hội phải làm gì để bớt đi những vụ việc đau lòng ấy? Những người thân của các “sát thủ” phải ứng xử ra sao?
Sau hai loạt bài viết về những số phận đau đớn sau thảm án, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời từ những chuyên gia tâm lý học, xã hội học về những vấn đề này.
LOẠT BÀI NHỮNG SỐ PHẬN SAU THẢM ÁN:
Bài 1: Sự tang thương nơi ngôi nhà của sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa
Bài 2: Lá thư đau đớn tận cùng, lay động tâm can của bố Nguyễn Đức Nghĩa
Bài 3: Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa khiến luật sư bào chữa phải bất ngờ
Bài 4: Mối tình đẫm nước mắt của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Bài 5: Những cái rùng mình nơi Nguyễn Đức Nghĩa gây án
Bài 6: Bố của nạn nhân vụ Nguyễn Đức Nghĩa: "Thù hận thì nào được gì..."
Mặc dù vụ thảm sát do Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa gây ra đã dần lùi vào quá khứ, nhưng mỗi lần nhắc lại, bà Lê Thị Túy - chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam vẫn không khỏi rùng mình trước tội ác được gây ra từ bàn tay của những người từng được cho là ngoan ngoãn, hiếu thảo ấy. “Bản thân tôi còn sốc huống chi những người dân hiền lành”, bà Túy nói.
Bà Túy còn điểm qua hàng loạt những vụ án có hành vi dã man liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như vụ chàng trai giết người yêu man rợ, vụ em trai cắt chân chị trong bệnh viện, vụ giết hai vợ chồng già ở Trương Định, vụ con giết mẹ ở Quỳnh Lưu – Nghệ An…
Vị chuyên gia tâm lý này cho rằng: "Ngày nay, con người đang dần lạnh lùng trước nỗi đau người khác. Đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà xã hội học, tội phạm học. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì những sự việc man rợ như thế sẽ tăng lên. Chúng ta chưa cắt nghĩa được điều ấy, người thân của hung thủ cũng không lý giải được vì sao con họ, niềm kì vọng của cả gia đình lại ra tay tàn độc như thế. Họ cùng xã hội đều bàng hoàng. Đây là báo hiệu không hay về tính chất tàn bạo của một bộ phận thế hệ trẻ trong xã hội ngày nay”.
Sát thủ Lê Văn Luyện (Ảnh: Internet)
Những ông bố, bà mẹ có con giết người bằng hành vi tàn độc ấy, họ vừa thương con nhưng cũng ngỡ ngàng trước hành động man rợ của con. Đau đớn hơn là cả một gia đình êm ấm khi xưa nay không còn hi vọng cứu vãn, hạnh phúc bỗng tuột khỏi tay. Nỗi đau chồng nỗi đau. Để rồi, họ sống mặc cảm với chính mình mà xa lánh những người xung quanh. Họ sợ những ánh mắt nhìn trực diện vào mình, sợ những câu hỏi thăm, sợ chính những lời qua tiếng lại… Và, họ không muốn ở lại nơi có rất nhiều kỉ niệm với mình. Một phần trong đó là sự ăn năn, hối lỗi.
“Hậu quả mà Lê Văn Luyện gây ra không phải là hành vi của kẻ ăn trộm hay vô tình làm chết người trong một ngôi làng nhỏ mà hành vi man rợ ấy đã tạo ra tiếng vang và sức ảnh hưởng lớn trong cả xã hội”, bà Túy chia sẻ.
Thêm vào đó, bà Túy cũng nói thêm về nguyên nhân có thể dẫn tới việc bà Trương Thị Thơm (mẹ Lê Văn Luyện) bỏ đi ở nơi khác để lại ngôi nhà “hoang phế” nằm lạnh lẽ đối diện Ủy ban nhân dân xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang): “Phảng phất trong câu chuyện này là tính chất mê tín. Con mình gây tội ác và người mẹ sợ sự báo oán của oan hồn”. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo bà Túy là những thắc mắc, những bình luận của dư luận…
Theo bà Túy, bản thân những người mẹ, người bố ấy không nên mặc cảm với mình, không nên lẩn trốn mà phải đối diện với thực tại. Đối diện bằng cách nào? Bằng cách chấp nhận mức án đề ra với con, sống tốt với xã hội để chuộc lại những lỗi lầm con cái đã gây ra. Thêm vào đó là phải động viên, thăm hỏi gia đình bị hại để hai bên tìm được tiếng nói chung… Đồng thời cũng phải thường xuyên theo dõi tình trạng thần kinh của con mình và biết nhìn nhận vào những sai lầm trong việc giáo dục con cái.
Bà Túy nhấn mạnh: “Trước đây phải chục năm và trong cả vùng rộng lớn mới có một vụ việc gây chấn động với hành vi dã man như thế. Mà chỉ những người thần kinh hay hung hãn tột độ, không có tính người mới hành xử như vậy. Nhưng 5 – 7 năm trở lại đây, những sự việc như thế lại xuất hiện ngày càng nhiều, báo hiệu một hiện tượng xã hội, mầm ác trong mỗi con người đang lớn lên. Thêm vào đó là sự thờ ơ, lãnh cảm của nhiều người trước những sự tàn bạo ấy. Phải giáo dục con người làm sao có lòng yêu thương đồng loại. Vấn đề ấy không chỉ đặt trong phạm vi gia đình, người thân kẻ giết người mà là phải đặt trong phạm vi xã hội”.
Ngôi nhà bỏ hoang của sát thủ Lê Văn Luyện.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Tôi cũng đang tham gia vào đề tài 30 năm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của xã hội ta hiện nay. Tôi cho rằng, đây là đề tài lớn nhưng cũng không phải đợi 30 năm mà 20 năm chúng ta đã có thể tổng kết. Nhưng chúng ta cứ loay hoay không tìm ra lời giải. Chúng ta có thể nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật nhưng đã nhìn thẳng, đánh giá, tôn trọng sự thật chưa thì tôi cho là chưa".
Từ câu chuyện của Lê Văn Luyện, của Nguyễn Đức Nghĩa và hàng loạt “sát thủ máu lạnh” xảy ra thời gian qua, PGS Đức cho rằng: "Phải làm sao để những ông bố, bà mẹ khác cũng thấy đau trước nỗi đau của những ông bố, bà mẹ có con gây ra tội ác, để họ nếm được những chua chát của cuộc đời thì họ mới ý thức được sự ghê tởm, sự rùng rợn của tội ác ấy gây ra mà tránh xa và giáo dục con cái.
Bởi lẽ, hiện nay có một bộ phận những ông bố, bà mẹ không quan tâm tới con cái. Trình độ dân trí họ thấp, trình độ nhân tính cũng thấp. Chúng ta phê phán họ cũng được, chia sẻ với họ cũng được vì nhiều khi chỉ là hoàn cảnh".
Vụ án Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa qua đi, nhưng để lại phía sau đó là rất nhiều điều phải suy ngẫm. Bởi lẽ, theo bà Lê Thị Túy, đó là mầm mống báo hiệu xã hội sẽ có những hiện tượng nghiêm trọng hơn rất nhiều, một dấu hiệu rất đáng báo động. Tần suất những vụ án mang tính chất rùng rợn tăng lên.
Lâu nay, xã hội đã buông lỏng nên mới sinh ra một lớp tội phạm “máu lạnh” như Nghĩa và Luyện, thậm chí có những “sát thủ” còn tự xưng là đàn em của Luyện. Đưa ra 5 nguyên nhân để phân tích về sự “phát sinh” ngày càng nhiều những sự việc giết người không ghê tay của một bộ phận, đặc biệt là lớp trẻ, bà Túy cũng đưa ra những giải pháp để hạn chế những người khác tự ghi tên mình vào danh sách các “sát thủ máu lạnh”: Đó là sự quản lý về mặt luật pháp, là sự giáo dục đạo đức trong trường học, gia đình. Và ngành truyền thông cũng phải “ghé vai” nhận trách nhiệm.
Theo bà Túy, mỗi thầy cô giáo phải thận trọng khi lồng ghép những cái tên như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa vào bài giảng của mình vì tâm hồn của học sinh rất nhạy cảm. Hơn nữa, những người đó không xứng đáng để chúng ta đưa vào chương trình giảng dạy. Nhưng để “tiêm phòng” cho sự vô cảm của con người hiện nay trước những cái ác, thì mỗi người giáo viên cần tìm ra phương pháp đưa những ví dụ ấy vào bài giảng và cả trong các chương trình ngoại khóa một cách khéo léo để học sinh thấy được sự tàn bạo mà tránh xa chứ không phải tàn bạo để học theo.
“Chúng ta phải “loại” những người “máu lạnh”, những người vi phạm pháp luật ra khỏi xã hội văn minh này”, bà Túy nói.
(Còn nữa)
Loạt bài cùng chủ đề: NHỮNG SỐ PHẬN CAY ĐẮNG PHÍA SAU THẢM ÁN:
Bài 1: Tận mắt "ngôi nhà hoang phế" của sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 2: Hình ảnh mới nhất trong "ngôi nhà hoang" của Lê Văn Luyện
Bài 3: Tìm đến nơi "ở ẩn" đặc biệt của người mẹ sát thủ Lê Văn Luyện
Bài 4: Cậu ruột Lê Văn Luyện: Gia đình chị tôi tan nát hết rồi
Bài 5: Bà ngoại 78 tuổi của sát thủ Lê Văn Luyện: Tôi chỉ có một ước mơ
Bài 6: " Niềm hy vọng hồi sinh" của gia đình Lê Văn Luyện
Bài 7: Nhiều trai tráng không xin được việc chỉ vì cùng quê Lê Văn Luyện
Bài 8: Nạn nhân duy nhất sống sót trong thảm án Lê Văn Luyện giờ ra sao?