Tận mắt "ngôi nhà hoang phế" của sát thủ Lê Văn Luyện

Nguyễn Huệ - Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Cánh cửa kính bụi đã bám mờ, ngăn tầm nhìn của mọi người vào bên trong nhà Lê Văn Luyện. Phía sau ngôi nhà một thời khang trang ấy là khu công trình phụ đã… đổ nát.

LTS: Vụ thảm sát kinh hoàng tiệm vàng Ngọc Bích chấn động dư luận của sát thủ Lê Văn Luyện đã trôi qua được hơn hai năm. Cái tên của Luyện đã dần dần lùi xa mặt báo, nhưng với những người thân của hung thủ và nạn nhân thì nỗi ám ảnh, sự đau đớn tột cùng mà họ phải gánh chịu, chưa bao giờ nguôi ngoai.

Họ đã sống vật vã, ám ảnh ra sao trong suốt hai năm qua? Mời Quý độc giả lần lượt đón đọc tuyến bài công phu của nhóm phóng viên báo điện tử Trí thức trẻ: NHỮNG SỐ PHẬN ĐAU ĐỚN SAU THẢM ÁN.

Nằm đối diện Ủy ban nhân dân xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang), một thời ngôi nhà ấy luôn tràn ngập tiếng cười và cảnh người ra người vào. Nhưng từ hơn hai năm nay, từ sau vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) xảy ra, số phận mỗi con người đã đổi khác và bản thân số phận ngôi nhà ấy cũng có “ngã rẽ”. Nằm lọt giữa những tiếng ồn ào của khu trung tâm xã, ngôi nhà ấy giờ không có người lui ra lui vào. “Nhà hoang”, đó là hai từ mà nhiều người vô tình ném vào đó.

Bản thân ông Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm cũng xác nhận ngôi nhà ấy từ lâu không có người ở.

Ngôi nhà mà tôi muốn nhắc tới, đó là nhà của sát thủ Lê Văn Luyện, người đã gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích vào ngày 24/8/2011. Vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái 18 tháng tuổi đã thiệt mạng, một con gái 8 tuổi thì bị chém đứt tay.

Ngày ấy và cả những dư âm sau này, đi tới đâu, câu chuyện của Luyện cũng trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Và, cái tên Lê Văn Luyện được người đời nhắc tới nhiều hơn. Bởi hành vi tàn độc khi đó xuất phát từ một cậu bé chưa đến 18 tuổi, trước đó lại không để lại bất kì “vết đen” nào tại địa phương cũng như những nơi Luyện đã đi qua.

Ngôi nhà của Lê Văn Luyện từng một thời ngập tràn tiếng cười hạnh phúc nhưng giờ bao trùm là không gian im ắng.

Dừng lại rất lâu trước ngôi nhà ấy, chúng tôi chỉ nhận về ánh mắt dò xét của những  người hàng xóm rồi họ lại vội vã đi vào trong.

Hỏi một em nhỏ đang chơi gần đó có biết anh Luyện không, bé gật đầu và lí nhí: “Em có biết, nhà anh ấy đây ạ”, rồi bé chỉ tay về phía ngôi nhà màu vàng mà cánh cổng luôn khép kín, những lớp mạng nhện đã phủ lên cánh cổng, rêu cũng bắt đầu để lại dấu vết trên tường, mọi thứ trước cửa ngổn ngang…

Chực như muốn chạy đi, cô bé chỉ nói thêm được vài ba câu khi tôi hỏi thăm về chủ nhân ngôi nhà là chị Trương Thị Thơm (mẹ của Lê Văn Luyện): “Không có ai ở đây đâu ạ. À, có một lần lâu rồi, cháu thấy cô Thơm có về để dắt con chó đi. Với lại thỉnh thoảng có các cô chú tới đây cầm máy ảnh để chụp nữa ạ”. Nói xong bé gái ấy chạy nhanh về phía bạn bè mình cũng đang đứng dành cho chúng tôi những ánh mắt ngây thơ đầy vẻ ngạc nhiên.

Thấy một người phụ nữ bước ra từ ngôi nhà nằm ngay cạnh nhà của Luyện, chúng tôi ngỏ ý muốn được trèo tường vào bên trong để thăm nhà Luyện. Bởi lẽ bức tường chỉ cao chừng 1m. Họ ngập ngừng rồi chỉ cho chúng tôi một ngách nhỏ thông giữa hai nhà đủ để một người lách vào và đang được che chắn bởi một bó củi. “Xong nhớ đi ra ngay và để lại bó củi như cũ không họ ra họ mắng đấy”. Dường như đoán được chúng tôi sẽ thắc mắc “họ” ấy là ai nên người hàng xóm ấy lại vội đi vào trong.

Cánh cửa để bước vào tận trong ngôi nhà của Luyện được khóa chặt, cửa kính phủ bụi khá dày, ngăn tầm nhìn của mọi người vào bên trong. Phía sau ngôi nhà một thời khang trang ấy là khu công trình phụ đã trở nên đổ nát nhưng không có người dọn dẹp, sửa chữa hay nâng cấp.

Những dấu vết của thời gian đã in hằn trên từng đồ đạc, vách tường, mái ngói. Những cơn mưa đi qua, những trận bão đổ về rồi cả nắng gió đã phủ lên đó cảnh hoang tàn. Thậm chí những bồn hoa cũng héo úa bởi thiếu bàn tay người chăm sóc. Phía sau là cánh đồng, phía trước là khu đường trung tâm xã nhưng ở đây lại là cả một không gian im ắng.

Cảnh đổ nát, hoang tàn phía sau ngôi nhà khang trang của Lê Văn Luyện.

“Nuối tiếc” và “hoài niệm”, đó là cảm giác của tôi khi đứng trước những gì còn lại. Cha con Luyện đi tù, mẹ Luyện cũng một thời gian bị phát bệnh thần kinh không thể lao động nặng nên phải cùng đứa con út “mai danh ẩn tích”.

Nhiều người, thậm chí là những người hàng xóm cũng không biết mẹ con chị Thơm hiện tại đang sinh sống ở đâu.

Trước đó, chị Thơm là một người phữ rất khỏe mạnh, tháo vát, hàng ngày cùng chồng là anh Lê Văn Miên làm nghề giết mổ. Cuộc sống của họ êm đềm trôi qua cùng tháng ngày nuôi ba người con khôn lớn. Nhưng cái tin “sét đánh ngang tai” là con trai cả giết người, gây tội ác “tày đình” khiến chị Thơm phải suy nghĩ và lo lắng quá nhiều, thậm chí có lúc tưởng mình quỵ ngã nên sinh ra ức chế thần kinh. Em trai của Luyện đi làm ăn xa để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em nhỏ. Ông bà nội của Luyện tuổi đã cao, họ đang trải qua những tháng ngày vất vả, lo ăn từng bữa trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp ở ngay đầu thôn Sơn Đình 2 (xã Thanh Lâm, Lục Nam).

Phía sau ngôi nhà hai tầng nằm im lìm ở khu trung tâm xã suốt hơn hai năm qua là những câu chuyện buồn, những tâm sự trĩu lòng của cả người trong cuộc và những người chỉ nghe và biết sơ qua về vụ thảm sát ấy.

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại