Nuôi loài rắn chỉ nhỏ bằng ngón chân kiếm trăm triệu/năm

B. Bình |

Những năm gần đây, rắn mối đã trở thành món ăn yêu thích của không ít khách nhậu. Nhận thấy nhu cầu này, một số người dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi rắn một cách bài bản.

Đặc sản rắn mối

Theo miêu tả trên tờ Dân việt, ở miền quê Tây Nam bộ có một loài bò sát bốn chân gần giống tắc kè, đó là rắn mối. Rắn mối có lớp vảy đen óng ánh trên mình, con lớn nhất bằng ngón chân cái, dài khoảng một gang tay.

Bình thường, rắn mối rất dạn bò dọc theo vách lá trong nhà hay nền đất ngoài vườn tạp.

Da rắn mối không đổi màu như tắc kè. Chúng chạy rất nhanh khi gặp nguy hiểm. Đặc biệt loài vật này cũng sẵn sàng tự “cắt” bỏ đuôi để thoát thân.

Rắn mối cũng là loài nhạy bén trong cách săn mồi, vì chúng có cái mũi và lưỡi rất thính. Gọi là rắn mối vì thức ăn khoái khẩu của chúng là những con mối sống trong các tổ mối và gốc cây mục.

Những năm gần đây, rắn mối đã trở thành đặc sản trên bàn nhậu ở nhiều nhà hàng. Từ nhu cầu này, việc bắt và nuôi rắn mối giúp nhiều người có được thu nhập, thậm chí có người nuôi khá và giàu lên từ việc nuôi chúng với quy mô lớn. 

Rắn mối được chế biến thành nhiều món rất phong phú và hấp dẫn như: Rắn mối nướng mọi, rắn mối nướng chao, nương nước mắm, rắn mối nướng lá cách, rắn mối nấu cháo, rắn mối xào nghệ, xào sả ớt...

Rắn mối nướng mọi. Ảnh: Hai Miệt Vườn
Rắn mối nướng mọi. Ảnh: Hai Miệt Vườn

Nuôi rắn mối phục vụ dân nhậu kiếm trăm triệu/năm

Cứ mỗi mùa nước về, nhiều con rắn mối đã buộc phải di chuyển lên những nơi cao ráo, như ngọn cây, gò đất… để tránh nước. Đó cũng chính là lúc những người thợ săn rắn mối bước vào cuộc mưu sinh.

Câu rắn mối chỉ cần vài sợi chỉ se săn lại, tóm lưỡi câu cỡ nhỏ rồi xách rổ lớn ra ao đìa xúc vài con tép rong, tép trấu làm mồi... nhử chúng.

Lội dọc theo đường mòn, lựa những chỗ gốc cây mục là chùm lá khô phủ là đà mặt đất để cột nhợ câu. Tóm mồi xong, bỏ đi đến chỗ khác. Chừng lát sau quay lại, rắn mối đánh hơi tép bò ra... cắn câu và chịu trận.

Mẻ rắn mối vừa bị người dân tóm gọn. Ảnh: Dân việt
Mẻ rắn mối vừa bị người dân tóm gọn. Ảnh: Dân việt

Biết đây là món ăn đặc sản khá hút khách tại các quán nhậu, nhà hàng, chị Phạm Thị Lệ ở Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã mạnh dạn nghĩ đến đầu tư nuôi rắn mối một cách bài bản.

Theo ghi nhận trên tờ Zing.vn, để làm chuồng, chị Lệ chỉ cần xây bốn bức tường làm hàng rào. Xung quanh chuồng được xây tường cao cả thước.

Trên cùng các bức tường và lưng chừng các cây cột, chị ốp gạch tráng men tấm lớn, với chiều cao khoảng 4 tấc (40 cm) để rắn không trốn đi.

Trong chuồng cần có khoảng trống lấy ánh nắng, nơi cất nhà để trú mưa, nắng. Đặc biệt, thứ không thể thiếu là lá, bập dừa khô cùng gỗ mục để cho rắn mối trú ngụ.

Ngoài ra, người nuôi cũng có thể chuẩn bị máng nước, gạch ống có lỗ để tạo cho rắn có môi trường sống phù hợp.

Loài rắn mối còn có ưu điểm là sống dưới lá, thân cây khô và cát khá sạch sẽ, không gây mùi hôi. Do đó, việc nuôi sẽ không khiến cho môi trường bị ảnh hưởng.

Chị Phạm Thị Lệ đang chăm sóc rắn mối. Ảnh: Zing.vn
Chị Phạm Thị Lệ đang chăm sóc rắn mối. Ảnh: Zing.vn

Rắn mối giống của chị Lệ được bắt từ trong hoang dã. Nuôi từ con nhỏ tới 6 đến 8 tháng thì có thể xuất bán. Lúc này rắn đạt cân nặng trung bình 35 con/kg và 29 - 30 con/kg nếu nuôi khéo.

Trung bình mỗi ngày chị thu được từ 70 đến 80 rắn mối con. Giá bán có lúc lên đến trên 400.000 đồng/kg.

Những tháng nuôi nhiều, trang trại của chị có tới vài chục ngàn con rắn, chị xuất bán rắn lớn cũng có được thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng.

Chị Lệ chia sẻ một số lưu ý khi nuôi rắn, trong đó nguồn nước uống, vệ sinh chuồng trại rất quan trong. Kinh nghiệm của chị Lệ là mùa nắng thì 3 đến 4 tháng nên vệ sinh chuồng một lần, mùa mưa thì làm thường xuyên hơn, khoảng 1,5 tháng/lần. 

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại