Nước mắt hờn tủi của con gái tử tù không dám nhận xác cha

Nhơn Thành |

(Soha.vn) - Với tội danh Giết người, hung thủ Nguyễn Văn Lợi (SN 1954, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã bị TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên tử hình.

Theo bản án, ngày 14/1/2011, Nguyễn Văn Lợi đến nhà chị Đỗ Thị Thìn (hàng xóm) và tìm cách hãm hiếp chị. Bị nạn nhân phản ứng mạnh và dọa tố cáo, Lợi nhặt khúc cây trong nhà và đánh chị Thìn đến chết. Lúc này, thấy con gái của chị Thìn (6 tuổi) đang chứng kiến vụ việc, Lợi đã dùng khúc cây trên để sát hại bé. Sau đó, Lợi phóng hoả đốt nhà nhằm phi tang nhưng không thoát.

Ngày 13/12/2011, Toá án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên tử hình đối với đối tượng Nguyễn Văn Lợi vì tội danh Giết người.

Tử tù được thi hành án tại Nhà thi hành án tỉnh Đắk Lắk vào ngày 13/12, bằng cách tiêm thuốc độc vào tĩnh mạch. Sau đó, xác tử tù không được người người nhà đến nhận, và được mai táng tại nghĩa trang Bùi Thị Xuân (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vào sáng 19/12.

Chúng tôi đã có chuyến đi đến địa phương của tử tù, đồng thời tìm gặp người thân của đối tượng trên để tìm  hiểu nguyên nhân vì sao người nhà không đến nhận xác hung thủ. Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cấp bốn đã bắt đầu mục nát, bám đầy rêu rong, cả cửa và cổng nhà bị đóng im ỉm. Trong sân là mấy luống rau vừa gieo, được che chắn cẩn thận bằng rơm rạ, mà sau này chúng tôi được biết đó là do người em trai của tử tù Nguyễn Văn Lợi trồng.


	Ngôi nhà nhỏ, bỏ hoang của tử tù Lợi.

Ngôi nhà nhỏ, bỏ hoang của tử tù Lợi.

Chị Nguyễn Thị H. (SN 1978, em dâu của ông Lợi) cho biết vợ ông Lợi mất cách đây 10 năm vì căn bệnh ung thư. Về sau, ông Lợi gá nghĩa vợ chồng với một người phụ nữ không chồng khác nhưng người này cũng vừa mất vì bạo bệnh. Ba người con của ông Lợi vốn đã lớn, có gia đình riêng. Sau ngày cha bị bắt giam, trước sức ép từ dân làng, họ cũng không dám về lại nhà.

Còn chị Nguyễn Thị Sương, con gái đầu ông Lợi, (32 tuổi, lấy chồng và sinh sống tại xã Phước Thuận), khá e dè khi nói đến chuyện các chị em không nhận xác cha. Chị bảo: “Bất đắc dĩ lắm mới làm vậy. Tuy cha gây nên tội nhưng cũng cần được đưa về quê để lo hương khói. Dù vụ việc xảy ra gần 3 năm nhưng mọi người chẳng thể nào quên được tiếng xấu năm xưa, sợ khi mang xác cha về, mọi người lại bị khơi dậy nỗi đau mà tiếp tục oán trách cha, như vậy linh hồn cha sẽ không được thanh thản”.

Phần vì gia cảnh nghèo khó, phần vì quá đau đớn trước hoàn cảnh éo le của gia đình, chị Sương không giấu nổi nước mắt.  Chị Sương cũng xác nhận, chính mình là người nhận được giấy thông báo nhận xác cha từ cơ quan chức năng, sau đó có thông báo với các anh chị em và thống nhất không nhận xác. Chị cũng cho biết cha mình trước đây từng là trưởng thôn.

Nếu sớm biết họ hàng, con cái phải gánh chịu búa rìu dư luận, có lẽ, tử tù Lợi đã không phạm tội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại