“Như thế là rất xấu”
Có bao giờ các anh chị bị bố đánh đòn? - Có đấy, có một lần duy nhất. Mấy chị em chặt que, chơi trận giả trong phòng đập nhau. Ông đi về nhìn thấy thu que. Chập 4 que lại bẻ. Ông bảo: “Chị em không được đánh nhau”, rồi nhốt cả bọn trong phòng. Ông thương con, nói rất nhẹ nhàng, lúc giận câu ông thường dùng: Như thế là rất xấu.
Ông thường dạy con: Không được gian lận - Như thế là rất xấu!
“Học đến đâu thì làm đến đó thôi”
Phương Tâm (cháu) thi không được tốt, tâm sự với ông. Ông bảo, ông học giỏi nhất các tỉnh miền Trung, thi vào Quốc học - Huế lần đầu trượt. Con cứ bình tĩnh, con cảm thấy thi không tốt thôi, đã biết điểm thi thế nào đâu. Tâm về kể, thấy mẹ và các dì thi chưa bao giờ trượt - sợ, nghe ông nói nhẹ cả người.
Hồng Việt thi Đại học Bách khoa được 19,5. Trường lấy 21 điểm. Việt muốn nhờ mẹ đi phúc tra xem có điều chỉnh được không. Ông chỉ nói: Học đến đâu thì làm đến đó thôi. Các dì và cả mẹ con có bao giờ phải phúc tra đâu.
Năm đó Việt vào học hệ B, năm sau thi lại được 26/30 vào thẳng năm thứ hai.
Ông bao giờ cũng yêu cầu, có khó khăn thì hỏi. Ông bà không bao giờ làm hộ, không bao giờ xin xỏ cho đứa con, đứa cháu nào.
Tất cả các cháu phải học 7, 8 điểm
Ngọc Anh mười tuổi rưỡi thì ung thư máu! 13 tuổi về nước học lớp sáu. Mấy đứa cháu ngồi chơi với ông. Ông dặn: "Tất cả các cháu phải học 7 điểm, 8 điểm trên 10. Riêng Ngọc Anh ông cho là 5,5". Minh Trung hỏi tại sao? Ông: Sức khỏe đầu tiên rồi mới đến điểm con ạ.
Ông chỉ dạy con: Đã quyết tâm làm việc gì thì phải làm cho tốt. Không bắt con phải học điểm 9 điểm 10, thời đó là A1.
Các con của Đại tướng kể chuyện về cha mình
Cái đầu tiên phải dạy là Tư đức
Các con còn nhớ, ông nói chuyện với ông ngoại Đặng Thai Mai về giáo dục. Cái đầu tiên, con người ta muốn tốt, phải được dạy về Tư đức - cái đạo đức riêng của cá nhân. Giáo dục bây giờ không rèn cái đó. Sau này, con người như thế nào trước sóng gió cuộc đời, có giữ được không, chính là nhờ Tư đức.
Cái bát gỗ
Phút sum vầy ấm cúng nhất là cả nhà quây quần bên nhau. Chị Hồng Anh bao giờ cũng được ngồi giữa bố mẹ. Lúc đó ông bà thường kể chuyện. Có lần bà kể: “Nhà kia nuôi ông. Ông già rồi ăn vãi và hay rơi bát. Con dâu lấy bát gỗ cho ông ăn riêng. Một hôm bố thấy con trai đẽo khúc gỗ. - Con làm gì? - Con đẽo cái bát. Khi nào bố ăn rớt cơm thì cho bố ăn. Nghe vậy cả nhà khóc. Rồi đón ông ăn cùng”.
Bà nội được ông quý nhất. Đi đâu về ông cũng vào hỏi thăm bà đầu tiên. Cả nhà có món gì ăn ngon cũng đem về biếu bà. Bà thích gì là cả nhà thích món đó.
Chị Võ Hòa Bình con gái ông đóng lại phần trò chuyện với chúng tôi bằng một điều ai cũng biết. Trẻ con nó không để ý bố mẹ nói gì đâu. Bọn nó xem bố mẹ sống như thế nào, nó sẽ làm như thế.
Cuối năm, đọc lại những điều được may mắn biết về Đại tướng, xin chép ra để cùng tưởng nhớ Người “Nếu không có chiến tranh, tôi sẽ là thầy giáo”.