Chiều ngày 29.10, tại buổi thảo luận tổ, theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), do sợ liên đới trách nhiệm của người đứng đầu khi có người trong cơ quan bị phát hiện tham nhũng, nên có tâm lý “muốn đóng cửa bảo nhau”, nhiều bộ, địa phương, thậm chí ra văn bản xin “xử lý nội bộ”. “Đây chính là tính hai mặt của việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Nên không lãnh đạo nào muốn làm to chuyện”, ông Tiến nói.
Chiều 29.10 tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận ở tổ về: công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm;… Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, ông Tiến cho biết có địa phương còn doạ cả đại biểu quốc hội khi nói về tham nhũng. Ông Tiến kể, có nhiều lãnh đạo, cả Trung ương và địa phương, khuyên, nhắn tin doạ không nên nói nữa. “Người ta bảo ba năm học nói, 60 năm học im lặng. Tôi năm nay 60 rồi, nên chắc im lặng? Nhưng giờ Quốc hội không nói nữa thì còn ai nói đây”, phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hóa — giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, tâm tư.
Ai xử lý được việc không phải mật lại đóng dấu mật?
Phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, muốn đấu tranh tham nhũng chuyển biến thì phải có tính minh bạch công khai. “Thế nhưng, toàn bộ quy trình tố tụng lại được đóng dấu mật”, bà Nga bức xúc. Điều này khiến cho một lực lượng đấu tranh tham nhũng rất hiệu quả là báo chí bị hạn chế, thậm chí, “dấu mật dễ dàng đưa phóng viên vào tội làm lộ tài liệu mật”, bà Nga nói rồi hướng về đại biểu Ksor Phước, nói: ở đây có anh Phước là Thường vụ Quốc hội, tôi nhờ anh chuyển đến Thường vụ Quốc hội câu hỏi: ai xử lý được việc không phải là mật mà đóng dấu mật?
Một lý do khác được nhiều đại biểu đưa ra lý giải cho công tác đấu tranh tham nhũng, tội phạm chưa hiệu quả là do trách nhiệm người thực thi công vụ. “Ngoài bao che còn có bảo kê, tiêu cực không? câu hỏi này cần được trả lời”, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nói. “Nhất là trong xét xử, án treo cao, xử đúng thì không sao, nhưng có vụ dư luận lên án: từ huyện, tỉnh rồi đến giám đốc thẩm, phúc thẩm… thì quay lại bản án ban đầu… làm mất lòng tin của dân”, bà Sinh cho biết và dẫn chứng: qua vụ án “Vườn mít”, quay đi quay lại mà thẩm phán trước xử sai có bị xử đâu?! Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) lo lắng: “kỷ cương đã đến lúc báo động”. Bà Huệ nói: “trong thực hiện nhiệm vụ, ở đâu cũng thấy dân bức xúc, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn, nhưng các cơ quan vào rồi, mà kết quả thực hiện không đáng bao nhiêu”.
Cần có cơ chế, tiêu chí đánh giá đúng tình hình tham nhũng
Thảo luận tại tổ vào chiều ngày 29.10, ông Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh: thực trạng tình hình tham nhũng ai cũng nói phức tạp, ở nhiều lĩnh vực, nhưng không có số liệu nào phản ánh đúng. Do đó, ông Tuyến đề nghị cần có cơ chế, tiêu chí đánh giá đúng tình hình tham nhũng hiện nay. Theo ông Tuyến, chính sách kê khai tài sản, quản lý ngân sách nhà nước vẫn còn các kẽ hở, cần có biện pháp để bịt kín sơ hở đó. Đặc biệt, cần tăng điều kiện để các cơ quan chuyên trách như: công an, Thanh tra Chính phủ… thực hiện trách nhiệm của mình, bởi hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói, thực tế có nhiều người ngại “dính” đến quan chức tham nhũng, họ ngại không dám nói, do liên quan nhiều vấn đề, nên ít phát hiện được tham nhũng trong các cơ quan. Do đó, cần xem xét lại cơ chế phòng ngừa, vì qua tổng kết, chẳng có hiệu quả gì cả. Theo ông Quyền, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là công khai, minh bạch; công khai các tiêu chí bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng, đi học nước ngoài… kể cả với việc đấu thầu, dự án, sử dụng vốn ODA. Theo ông Quyền, có tình trạng thất thoát hàng tỉ đồng, nhưng chỉ bị kỷ luật nội bộ, điều đó thể hiện chưa nghiêm minh. Đã đến lúc cần xem lại các trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, án treo.