Vụ việc phi tang xác ở thẩm mỹ viện Cát Tường chưa biết khi nào sẽ có hồi kết. Song các luật sư đã đưa ra nhiều lỗ hổng về pháp lý nhìn từ vụ án này trong buổi Tọa đàm trực tuyến với báo điện tử Trí Thức Trẻ được tổ chức vào ngày 16/1 vừa qua.
Trong buổi tọa đàm, luật sư Trần Đình Triển cho rằng: "Trong bộ luật hình sự thì việc này không có lỗ hổng. Nhưng lỗ hổng ở đây chính là trong việc quản lý nhà nước. Đối với vấn đề liên quan đến làm đẹp, y tế, nhân thân, tất cả những việc đó chúng ta quy định quá lỏng lẻo. Vậy ai là người cấp phép để dẫn đến tình trạng làm đẹp, cấp phép tràn lan, không tính đến hậu quả.
Lỗ hổng thứ hai trong lĩnh vực này chính là công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát không đến nơi đến chốn.
Liên quan đến thân thể con người, khám chữa bệnh thường phải có hội đồng, hội chẩn, có bác sĩ cao hơn ngồi chỉ đạo, nhiều ban ngành liên quan đi theo. Ở đây, một nơi khám chữa bệnh mà chỉ có một bác sĩ và vài ba y tá là một lỗ hổng nghiêm trọng gây hỗn loạn.
Qua sự việc này ta thấy được điểm mấu chốt đó, chúng ta quá lỏng trong vấn đề này nên dẫn đến họ làm vượt mặt pháp luật. Khi hậu quả xảy ra, họ tìm cách để thoát tội. Họ không lường trước được khả năng xảy ra rủi ro nên biện pháp phòng ngừa trong trường hợp này bị bỏ qua. Tôi cho rằng đây là lỗ hổng lớn nhất".
Luật sư Nguyễn Hồng Bách bổ sung ý kiến: "Chúng ta phải xem xét tại sao thẩm mỹ viện Cát Tường được hoạt động. Từ đó đặt ra vấn đề về quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực hành nghề của dịch vụ thẩm mỹ. Trong vụ việc này cũng đã có 3 cán bộ bị xử lý hành chính. Như vậy, lỗ hổng về quản lý hành chính Nhà nước ở đây là có và phải xem khắc phục tình trạng đó bằng cách nào.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ - về những lỗ hổng pháp lý trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Nhìn ở vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, không có ai vừa là bác sĩ phẫu thuật lại vừa là kỹ thuật viên gây mê. Nguyễn Mạnh Tường kiêm luôn cả hai nhiệm vụ đó rõ ràng là có vấn đề. Mục đích của Tường là lợi nhuận và chính lòng tham con người đã dẫn tới hành vi tội ác".
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, một vụ việc hy hữu đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý Nhà nước. Bộ Y tế chưa có những văn bản điều chỉnh về vấn đề hành nghề này. Hành vi cấp phép hoạt động của phòng khám Cát Tường cũng có vấn đề. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã rà soát toàn bộ các cơ sở thẩm mỹ viện và phát hiện nhiều sai phạm. Lẽ ra phải có những phương pháp quản lý tốt hơn, thậm chí ngăn cấm.
Một lỗ hổng khác theo ông Hòe đó là nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người sử dụng dịch vụ làm đẹp chưa có. "Việc mổ xẻ, phẫu thuật đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ, tại sao nạn nhân Huyền lại đến một phòng khám để sử dụng một dịch vụ mổ xẻ như vậy? Lẽ ra, nạn nhân phải nhận thức ra ngay đây là một đại phẫu và rất nguy hiểm" - luật sư Hòe phân tích.
- Sẽ tìm thi thể chị Huyền ở 2 điểm tại sông Hồng và quê nhà Tường
- "Tìm thi thể chị Huyền khó khăn do có nhiều xác trôi dạt"
- Đang tìm thi thể chị Huyền ở nghĩa trang Đặng Xá
- Cậu ruột kể về hai lần suýt chết khi tìm thi thể chị Huyền
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nghi vấn mới nhất về xác chị Huyền
- Thông tin mới nhất vụ tìm xác chị Huyền
- Nhân vụ tìm xác chị Huyền, chủ thuyền "chặt chém" tiền triệu/giờ
- Dừng tìm xác chị Huyền bằng phương pháp khoa học
- Vụ Cát Tường: 'Đào sâu hơn 2m nhưng không tìm thấy xác'