Nhiều băn khoăn xung quanh quy định nổ súng khi thi hành công vụ

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Xung quanh dự thảo quy định về nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Cần phải cụ thể

Luật sư Giáp Văn Điệp (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang): Trong Bộ luật Hình sự có điều khoản quy định về quyền phòng vệ chính đáng của mọi công dân trong những trường hợp cần thiết. Người thi hành công vụ - cụ thể ở đây là công an cũng là công dân nên dĩ nhiên họ cũng có quyền đó. Nhưng ở đây sẽ có điểm khác đó là ngoài việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe bản thân thì hành động phòng vệ của họ còn mang tính thực thi công vụ.

Theo tôi ở đây cần phải quy định rõ ràng hơn nữa các về nội dung các điều khoản. Thứ nhất là phải xét trong từng trường hợp cụ thể như khi nào là cần thiết, là được xem bị đe dọa và được phép nổ súng. Thứ hai là nếu nổ súng thì được phép nổ súng vào đâu, cái này cũng chưa nói rõ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định "trực tiếp nổ súng" chỉ nên áp dụng với lực lượng đặc biệt và cần phải cụ thể hơn nữa.

Về bản chất, quyền phòng vệ của công dân là quyền sử dụng hành vi ứng xử tương xứng với bên tấn công hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh cũng như vô hiệu hóa khả năng đe dọa của người khác đối với mình. Đối với người thi hành công vụ, quyền này là hợp pháp nhưng cần phải cụ thể, rõ ràng.

Ở đây nên quy định rõ ràng hơn nữa về những điều kiện được phép nổ súng, cụ thể như: Xét về tương quan lực lượng giữa thực thi công vụ và chống người thi hành công vụ; xét về loại vũ khí có trên tay người chống lại người thi hành công vụ có nguy hiểm hay không, ví dụ như súng, chất nổ, dao,... ; xét về khả năng tấn công của người chống lại người thi hành công vụ có hay không, nhiều hay ít; và cuối cùng khi buộc phải nổ súng để phòng vệ thì được phép nổ súng vào vị trí nào trên cơ thể người chống lại người thi hành công vụ.

Lo ngại lạm quyền

Luật sư Lê Minh Hải (Trưởng Văn phòng Luật Royal, Đoàn Luật sư Hà Nội): "Quy định được phép nổ súng để phòng vệ và trấn áp người có hành vi chống lại người thi hành công vụ cần phải rõ ràng hơn nữa, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng bị lợi dụng và lạm quyền. Cụ thể ở đây cần ‘chi tiết hóa’ những trường hợp được phép nổ súng”.

Không chỉ cụ thể hóa trường hợp được phép nổ súng mà còn cụ thể hóa ai là người được phép trực tiếp nổ súng. Ví dụ như có 3 người thi hành công vụ cùng tham gia để xử lý, trấn áp một người vi phạm. Người này lại có hành vi chống lại người thi hành công vụ, cụ thể như đe dọa 1 trong số 3 người thi hành công vụ nói trên chẳng hạn. Vậy ai sẽ là người được phép nổ súng trong trường hợp này?

Nếu người đang bị uy hiếp trực tiếp nổ súng vào người uy hiếp thì không sao, nhưng người bên ngoài lại nổ súng vào người đang uy hiếp thì có được phép không? Ai đúng ai sai?

Trong Bộ luật Hình sự có quy định về quyền được phép phòng vệ của công dân trong những trường hợp đặc biệt và đó là quyền chính đáng. Ở đây, người thi hành công vụ bị uy hiếp nếu nổ súng vào người uy hiếp mình thì vấn đề có vẻ đơn giản, nhưng người thi hành công vụ không bị uy hiếp lại nổ súng vào người chống lại người thi hành công vụ thì vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều.

Rõ ràng đây không phải là hành vi phòng vệ nhưng lại là hành vi thực thi công vụ. Tôi nghĩ ở đây có sự chồng chéo.

Dự thảo nghị định trong đó có quy định được phép nổ súng nên được cân nhắc kĩ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đặc biệt là ý kiến tư vấn, góp ý từ các cơ quan tư pháp. Cần tránh tình trạng nghị định sau khi ban hành lại không phù hợp với thực tế và không có tính khả dụng. Thực tế là trong thời gian qua, một số nghị định do Bộ Công an ban hành ra đã không thể áp dụng được.

Chỉ áp dụng với lực lượng đặc biệt

Luật sư Phạm Tiến Quyển (Công ty Luật Quỳnh Như, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh): "Quy định về quyền được nổ súng của người thực thi công vụ chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp thực sự cần thiết. Ngoài ra, quyền được nổ súng cũng chỉ nên áp dụng đối với những lực lượng đặc biệt, ví dụ như cảnh sát hình sự, lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh trong những trường hợp đặc biệt nguy hiểm, cảnh sát phòng chống ma túy,… bởi đây là những lực lượng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm.

Các lực lượng khác thì không nên áp dụng quy định quyền được phép nổ súng bởi không thực sự cần thiết. Nổ súng được xem là biện pháp, hành vi phòng vệ ở mức cao nhất, trong những tình huống đặc biệt nguy hiểm. Ngoài nổ súng ra còn rất nhiều những biện pháp và công cụ khác mà người thi hành công vụ có quyền được sử dụng như sử dụng súng đạn cao su, đạn hơi cay, dùi cui, súng gây mê,… Bởi thế, theo tôi không nên áp dụng tràn lan quyền nổ súng được.

Trong dự thảo của nghị định phần nội dung quy định cũng chưa rõ ràng. Ở đây cần phải chi tiết hơn nữa. Ví dụ như quy định về điều kiện được nổ súng đó là người chống lại người thi hành công vụ đã có hành vi chống lại hay chưa hay chỉ cần có khả năng chống lại hay chuẩn bị chống lại thì đã được phép nổ súng để phòng vệ?

Ngoài ra, trong những trường hợp xảy ra kiện tụng đông người như về vấn đề về đất đai chẳng hạn, lực lượng công an được điều động đến để giải tán nhưng đám đông không giải tán thì có bị xem là chống người thi hành công vụ không? Công an có được phép nổ súng không?

Theo tôi, nghị định này cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, của cơ quan tư pháp và các cấp cao hơn. Nếu không rất dễ dẫn đến lạm quyền và thiếu tính khả dụng.

Ông Nguyễn Anh Sơn (ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội): Ở đây quy định “nổ súng trực tiếp” như trong dự thảo nghị định có thể khiến nhiều người lo ngại về sự lạm dụng, dẫn đến hậu quả xã hội phức tạp. Nôm na là sợ nhất khi cho phép như vậy rồi mà không có định nghĩa, không có khung, không có giới hạn thì lại rất dễ dẫn từ cực này sang cực khác.

Những tâm lý lo ngại như vậy là điều dễ hiểu. Có lúc bản thân mình không phải trực tiếp tham gia, nhưng nhìn cảnh chống người thi hành công vụ đã thấy bức xúc với hành vi đó rồi, nữa là người thi hành công vụ đang trực tiếp ở trong hoàn cảnh đó, họ vất vả lắm chứ, đủ thứ áp lực, lúc đó mà đầu óc không giữ được bình tĩnh thì rất gay go. Tóm lại, quan điểm của tôi là nên có định nghĩa rõ ràng và có giới hạn trong áp dụng biện pháp này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại