Bộ trưởng Thăng chỉ rõ sự trì trệ, thiếu chủ động của ngành đường sắt trong việc vận chuyển hàng hóa của khách hàng: “Một số chủ hàng phản ánh với tôi, muốn hàng được xếp toa sớm thì phải “chạy”, hình thành “cò” chạy toa rồi sinh ra cơ chế xin cho như thời bao cấp. Nếu thế ngành đường sắt cứ ngồi mà chờ sung rụng à!”.
Tại Hội nghị nâng cao năng lực, chất lượng của vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải để giảm tải cho vận tải đường bộ (18/4), đại diện các DN kinh doanh hàng hóa đều cho rằng, năng lực vận chuyển đường sắt và đường thủy hiện không thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của DN.
Bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Mía đường 1 cho biết, từ khi nhà nước thực hiện cân tải trọng xe trên đường bộ thì việc vận chuyển nguyên liệu từ Thanh Hóa lên Lào Cai xuất khẩu qua biên giới gặp khó khăn do đơn vị vận tải né trạm cân hoặc điều chỉnh giá cước tăng khiến hàng hóa của công ty ùn ứ.
DN đã chủ động làm việc với ngành đường sắt và ký xong hợp đồng vận chuyển. Nhưng mất cả tuần phía đường sắt vẫn chưa xếp được lịch để chuyển hàng đi.
Chỉ đến khi bà Đức nhắn tin cho Bộ trưởng Đinh La Thăng thì mới được giải quyết.
Ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng giám đốc Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc cho biết, 80% hàng hóa của công ty vận chuyển bằng đường bộ, vận chuyển bằng đường sắt chỉ chiếm hơn 10%. Trước đây DN cũng vận chuyển nhiều bằng đường sắt từ Thanh Hóa đến các tỉnh Miền Trung nhưng tổng chi phí vận chuyển, bốc xếp, chở hàng từ kho tới ga cao.
“Những ngày qua việc siết trọng tải xe, giá cước vận tải đường bộ tăng, công ty đã làm việc với đường sắt và đặt vấn đề chở hàng, thế nhưng khi làm việc thì thấy họ vẫn mang tính bao cấp, độc quyền và chưa cần nhau lắm. Hàng hóa muốn vào Miền Trung đợi 6 ngày nay vẫn không xếp được toa ..”, ông Hùng nêu thực tế.
Trước những bức xúc của DN kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Trung, Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Đường sắt Hà Nội cho rằng, năng lực vận chuyển của ngành đường sắt tuyến đi Lào Cai hiện đang giảm sút (chỉ còn 13 đôi tàu chạy) nên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đặc biệt về năng lực bốc xếp.
Công ty đã cho tăng cường tàu chạy ban đêm nhưng chủ hàng không thuê do giá bốc xếp đêm có chi phí cao gấp 2 lần ban ngày và lại chờ làm thủ tục thông quan nên mất thời gian.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đường sắt không làm được vì năng lực bốc xếp không đảm bảo. Nhiêu khê, tiêu cực trong xếp lượt chạy tàu, rồi lại phải qua “cò” bốc xếp nên khách hàng chán ngay.
Bộ Trưởng Đinh La Thăng cho rằng, không phải do vận tải của đường sắt yếu mà do năng lực xếp dỡ không đáp ứng được yêu cầu.Bộ trưởng Thăng ví von.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn trước mắt, đại diện nhiều DN kinh doanh vận tải cũng cho rằng, các đơn vị này đang tính toán lại nguồn hàng, rà soát tất cả các tuyến đường và nếu chuyển sang được phương thức vận tải khác sẽ triệt để sử dụng tối đa đồng thời cũng đàm phán với các DN vận tải để có giá cước hợp lý.
Khẳng định kiểm soát tải trọng không gây khó khăn cho người dân mà phải tạo điều kiện cho người dân kéo giảm giá cước vận tải xuống, đưa giá cước về đúng giá thị trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa phải thấy đây là cơ hội để phát triển.
Do vậy, ông Thăng yêu cầu các bên cần phải có sự liên kết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chủ động có phương án kết nối tạo điều kiện thuận lợi tránh tình trạng hành khách có yêu cầu vận chuyển hàng hóa lại phải chờ đợi mất thời gian, thậm chí phải qua “cò” mới được vận chuyển...
Trong công tác vận chuyển hàng hóa, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu cần tập trung ưu tiên vận chuyển mặt hàng nông sản, nhất là hàng tươi sống, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân.
Trong thời gian tới, các lĩnh vực vận tải cần tập trung xây dựng hạ tầng, tổ chức cơ cấu lại vận tải theo hướng đầu tư ít nhưng hiệu quả cao để đổi mới hoạt động kinh doanh vận tải...