Nhà thơ mù làm xiếc quyên tiền giúp trẻ em nghèo

Người dân phố cổ Hội An khâm phục gọi ông là "kỳ nhân" bởi những khả năng đặc biệt của một người mù 66 tuổi.

Ngày qua ngày vẫn nhận “sô” diễn ảo thuật quyên tiền giúp những trẻ em bất hạnh. Ông là Nguyễn Minh Sinh (Trần Cao Vân, TP.Hội An, Quảng Nam).

Từ ký ức tuổi thơ nhọc nhằn

Ông là con đầu trong một gia đình đông anh chị em. Cha ông là liệt sỹ Nguyễn Văn Soái tham gia chiến trường bị địch bắt và xử tử năm 1956, mẹ là Trần Thị Hương từng tham gia “Đội quân tóc dài” cùng bà Phan Thị Nể (phu nhân của đồng chí Võ Chí Công) cũng từng bị địch bắt vào nhà lao Hội An nhưng sau một thời gian địch không khai thác được thông tin gì từ bà nên được thả. Cũng chính vì vậy ông chỉ mới học được cái chữ đủ để biết đọc biết viết thì phải nghỉ giữa chừng để kiếm tiền nuôi các em.

Từ nhỏ ông đã phải tự kiếm sống và phụ giúp mẹ nuôi các em bằng cách mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán hay đổi lấy gạo, đồ ăn. Có những khoảng thời gian ông phải đi làm thuê làm mướn, nhưng tuổi thơ cũng chẳng mấy khi được đủ ăn.

Ông Sinh trong một buổi biểu diễn từ thiện.

Hơn 15 tuổi ông đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, ngõ ngách khắp các vùng Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Đà Nẵng trên chiếc xe đạp cọc cạch với cái thùng ca-rem là nghề mưu sinh chính. Ông nhớ lại: “ Con đường tôi đạp xe đi bán ca-rem thành đường mòn đi vào trong tâm trí của mình. Ngày đó dắt xe ra khỏi nhà là tôi cứ thế mà đạp đi, quen rồi nhiều lúc không biết mình đi đâu nhưng cứ đến lúc hết ca-rem thì cái vòng xe đạp nó cũng về tới nhà”.

Tại một phiên chợ Thị trấn Đông Phú (Quế Sơn, Quảng Nam), lúc đang đứng bán ca-rem ông đã gặp gỡ một thầy thuốc gia truyền và nghề làm thuốc chữa bệnh cho người bén duyên với ông từ đó. Ông đã có 10 năm theo "thầy" trong một đoàn mãi võ, vừa bốc thuốc chữa bệnh, vừa biểu diễn ảo thuật kiếm tiền trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Sinh biểu diễn ảo thuật.

Đến con đường từ thiện vì trẻ em bất hạnh

Mười năm nay, mắt ông đã mù lòa vì đục thủy tinh thể, nhưng hàng ngày ông vẫn ngồi bên chiếc máy vi tính gõ những dòng thơ dòng văn để thêm yêu cuộc sống này. "Nghề diễn ảo thuật" học được từ những năm tháng rong ruổi khắp miền vẫn là niềm đam mê của ông. Người dân Hội An đều biết ông Sinh "mù" làm xiếc và rất đỗi mến ông. Bởi bất cứ lúc nào, ở đâu mời đi diễn ảo thuật ông cũng sẵn sàng đi. Mỗi lần đi là ông lại kiếm thêm được chút tiền để ủng hộ, giúp đỡ cho trẻ mô côi, trẻ em nghèo, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ trên mảnh đất Hội An qua Quỹ cho trẻ em mồ côi.

Ông bảo, bao nhiêu năm bươn chải chẳng có lúc nào ngơi nghỉ mà ngẫm lại cuộc đời, đến tận khi tóc bại da mồi, mắt đã mờ lòa ông mới có thời gian nhìn lại quá khứ. Vậy mà những hình ảnh rõ nét nhất đọng lại trong tâm trí ông từ những ngày còn sáng mắt lại là những hình ảnh về các số phận bất hạnh, về những trẻ em mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Ông tự thấy mình cần phải làm một việc gì đó giúp đỡ các em nhiều hơn nữa và ông nghĩ đến món "ảo thuật" đã theo mình mấy chục năm. Hành trình đi biểu diễn xiếc ảo thuật của ông đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ. Đã hơn một lần khán giả tỏ ra thán phục, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông khi thấy người đàn ông mù lòa lên sân khấu còn cần người dăt từng bậc lại khéo léo tài tình, điêu luyện trong những chiêu trò ảo thuật, bởi mấy ai ngờ người mù mà lại đi làm ảo thuật đánh lừa thị giác của người sáng mắt, dù bây giờ ông chỉ biểu diễn được những trò ảo thuật thật đơn giản như biến giấy thành tiền, trò đổi lá bài...

 

Ông cũng không bao giờ vắng mặt trong các chương trình làm từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ tại các huyện, thành phố Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên. Ngoài ra, những khi không đi biểu diễn ở đâu, ông còn làm thơ, viết sách. Ngồi trò chuyện với ông trong ngôi nhà nhỏ xinh giữa lòng phố hội tôi càng thấu hiểu nhiều hơn nữa về con người ông, về những gì mà ông đã và đang làm mà người ta ví ông là “kỳ nhân”.

Là nhà thơ lớn của đất Quảng

Ông không những chỉ có duyên với nghệ thuật xiếc mà bên cạnh đó còn là một nhà thơ lớn đất Quảng.

Ông đã có gần 20 ấn phẩm được xuất bản, cùng nhiều giải thưởng như giải xuất sắc thơ Văn nghệ tinh thần năm 1973 tại Sài gòn, giải nhất thơ QĐND năm 1982, giải khuyến khích thơ tứ tuyệt BCH Hội VHNT Đồng Nai 2007 và nhiều giải thưởng khác với bút danh Nguyễn Miên Thượng. Ông cũng đã xuất bản 10 tuyển tập thơ-văn và có nhiều tác phẩm in trên các báo, tạp chí, thơ tuyển.

Thơ ông được mọi người biết đến với hồn thơ trong sáng mộc mạc thật với đời thường. Trong khi đó thế giới truyện của ông lại được viết dựa trên hồi ức và quảng đời phiêu bạt những năm bôn ba trên đất khách quê người, là tất cả những gì ông học được từ những trải nghiệm của chính cuộc đời ông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại