Ông Đinh Văn En năm nay 71 tuổi, hiện ở Dốc Mốc, xã Ba Cung, H.Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1975, ông từng đi lính cộng hòa. Ngày giải phóng, En lẫn vào đám tàn quân chạy trốn nhưng giữa đường bị quân giải phóng bắt rồi dẫn giải về trại cải tạo Kim Sơn tại H.An Lão, tỉnh Bình Định.
Đào thoát
Một buổi sáng mùa hè năm 1979, Đinh Văn En cùng những bạn tù đi chặt cây rừng. Ông nghe từ một vài người rỉ tai nhau rằng sắp tới ông cùng một số sĩ quan người Hre sẽ bị “xử trị”.
Và thế là, cùng với 3 người Hre khác, họ quyết định trốn trại, bất chấp hiểm nguy. Hành trang mang theo quan trọng nhất với họ bấy giờ là lửa. “Tôi đã bí mật quyên góp trong anh em của trại tổng cộng 20 viên đá lửa, một ít bông gòn để làm tim đèn cùng chiếc xoong nhỏ rồi lên đường. Chúng tôi sẽ nấu củ mài và rau rừng bằng chiếc xoong ấy”, ông En nhớ lại.
Chiều hôm ông En đào thoát, cán bộ quản giáo trại Kim Sơn kiểm tra quân số và thấy vắng 4 người. Họ biết các trại viên người Hre đã bỏ trốn. Một cuộc truy đuổi ráo riết, nhằm hướng Ba Tơ trực chỉ.
Ông En kể: “Chúng tôi chỉ ngủ trong rừng một đêm đầu tiên với nhau, khi biết bị truy đuổi, chúng tôi tự giải tán. Đến bây giờ tôi cũng không rõ số phận của 3 người kia thế nào, chỉ biết rằng, sau hơn một tháng, tôi mới đặt chân về đến vùng rừng H.Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi - quê vợ của tôi”.
Về đến Sơn Hà, ông En nhận tin buồn: vợ ông sau 4 năm chờ đợi, cứ tưởng ông chết, bà đi bước nữa. Và rồi ông đi sâu vào cánh rừng Sơn Nham của Sơn Hà để “định cư”, xa rời cuộc sống bình thường của con người.
Ăn sống, ngủ cây...
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vùng Sơn Nham vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh, đêm còn nghe tiếng cọp gầm. Lúc đầu, En chọn một hang đá để trú ẩn. Hằng ngày, khi chiều xuống, những người Hre đã rời các chòi canh trên nương của mình, En thoát khỏi hang và nhanh chóng tiếp cận để “thu dọn” những gì sót lại mà còn có thể ăn được. Ông En hồi tưởng:
“Nhưng thời ấy, dân Hre khổ lắm, làm gì có nhiều gạo để nấu cơm, chủ yếu là họ ăn củ mì. Tôi đã sống qua ngày bằng những mẩu củ mì sót lại trong chòi canh như thế. Nhưng mùa củ mì rồi cũng hết, tôi lại tiếp tục ăn rau rừng hoặc đào củ mài để sống.
Mùa khô thì không quá khó khăn, ngại nhất là khi mưa về, không biết tìm đâu ra lửa để sưởi ấm hoặc nướng củ mì. Số đá lửa mà tôi có được chỉ sau một năm là sạch nhẵn. Tôi đã phải ăn sống tất cả những gì có thể ăn được để đợi mùa khô đến”.
Bộ đồ tù mà ông En mặc lúc trốn trại cũng chỉ sau một năm là rách tả tơi. Ông đã mò lên các nương rẫy để “tận dụng” lại những mảnh vải rách mà đồng bào đã “khoác” lên các con bù nhìn. Nhưng thời ấy, người còn phải tận dụng quần áo cũ để vá víu thì bù nhìn lấy đâu ra nhiều vải cũ để khoác lên người. Thế là En chính thức trở thành người nguyên thủy 100%.
Ông kể, sau khi ở hang chừng 2 năm, một đêm nọ, ông nghe ngoài cửa hang có tiếng động cùng mùi nồng nặc của loài thú dữ. Ông biết đó là loài cọp, chúng cũng đi tìm hang để trú ẩn hoặc đi tìm mồi. “May quá, đó là đêm cuối cùng tôi còn giữ lại một ít củi khô để đốt lửa lên. Con cọp thấy lửa đã bỏ đi và tôi quyết định rời hang đá để leo hẳn lên cây “ngủ úp” cho mãi đến ngày tôi bị bắt”.
Tôi hỏi ông: “Sao chú không quyết định ra “đầu thú” có phải đỡ cực hơn không?”. Ông En lắc đầu, như thể vẫn còn sợ với điều mà ông từng nghĩ: “Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng rồi rút lui ý định. Mình trốn trại đã là một tội, lại thành “người rừng” luôn gây sợ hãi cho đồng bào suốt bao nhiêu năm, giờ ra trình diện, liệu họ có tha tội cho mình không?”.
En không nhớ là ông đã sống bao nhiêu mùa rẫy trong rừng. Một năm qua đi được đánh dấu bằng những mùa củ sắn mà ông chờ đợi suốt mùa mưa. “Lúc ở trên chạc cây, tôi có nghe pháo nổ, biết tết đã về. Nhưng rồi đột ngột trong nhiều năm sau đó, tôi không còn nghe nữa, thì ra người ta cấm pháo. Sau này tôi mới biết”.
Không bao giờ ốm
Mùa mưa năm 1999, hay tin có một nhóm lâm tặc đang phá rừng tại vùng Sơn Nham, kiểm lâm H.Sơn Hà đã xuống hiện trường. Họ đi rất khẽ nên tình cờ phát hiện con người bí hiểm nọ. Ông En nhanh chóng biến ngay vào rừng rậm nhưng chẳng may bị vấp ngã gãy tay và bị bắt. Ông được đưa về Công an H.Sơn Hà để “thẩm vấn”, nhưng sau 20 năm ở rừng, En gần như quên hết tiếng người! Phải mất cả buổi, ông mới bập bẹ được vài câu sau 20 năm “im lặng”.
Có một điều kỳ lạ là suốt 20 năm thành “người rừng” như thế nhưng chưa một ngày ông En bị ốm. Khả năng thích nghi của ông En với hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm ngạc nhiên tất thảy những cán bộ y tế có mặt hôm “bắt” được ông.
Những tưởng bà con Hre sẽ “làm tội làm tình” ông, hóa ra họ đón ông En bằng tất cả tình thương đối với đứa con lưu lạc ngót hai thập niên trong rừng. Ông bây giờ ở một mình trong ngôi nhà “đại đoàn kết” mà chính quyền xây cho.
Đã qua tuổi 70 rồi mà Đinh Văn En vẫn làm quần quật, không nghỉ ngày nào, ai trong làng nhờ cậy việc gì, ông chẳng từ nan. “Mỗi ngày tui kiếm được 70.000 - 80.000 đồng”. Ông khoe với khách rồi cười hồn nhiên như chưa từng trải qua những bi kịch của đời mình.