Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 3: Người không tay chơi đàn và nhà thơ mù

Có những người bị định mệnh khắc nghiệt cướp đi một phần thân thể, nhưng vẫn không thể khiến họ gục ngã.

Chàng trai giàu nghị lực

Cái tên Dương Quyết Thắng, quê gốc Hà Tĩnh, bỗng trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ trong cả nước khi bị cụt cả hai tay nhưng đã tự đệm đàn và hát một cách thật xuất sắc trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’ Got Talent) lần thứ 2 trên VTV3.

Thắng không những dùng cùi tay để chơi keyboard một cách rất điêu luyện mà còn hát ca khúc Câu chuyện của tôi do chính anh sáng tác, kể về cảnh ngộ nghiệt ngã của mình.

Nhiều khán giả trong trường quay và cả ban giám khảo đều không cầm được nước mắt. Giám khảo Huy Tuấn nhận xét: “Nếu nhắm mắt nghe tiếng đàn, không ai nghĩ là Quyết Thắng lại thiếu đôi tay”.

Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 3: Người không tay chơi đàn và nhà thơ mù
Dương Quyết Thắng chơi đàn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thắng kể: “Gia đình tôi có đến 8 anh em. Bố mẹ đều đã trên 70 tuổi, cả đời cày bừa lam lũ ở xóm 7, xã Xuân Giang, huyện Hưng Xuân (Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, tôi rất thích âm nhạc và may mắn được học nhạc miễn phí 3 năm do nhà thờ giáo xứ Kẻ Mui tổ chức.

Năm 21 tuổi, tôi đi đánh đàn và dựng rạp đám cưới thì bị dòng điện cao thế giật. Chỉ cứu được mạng sống chứ không cứu được đôi tay dù gia đình đã chạy hết cách. Hơn một năm nằm viện, ngay cả cây đàn organ thân thiết cũng đành phải bán đi để có thêm tiền thuốc…

Tôi về nhà với nỗi tuyệt vọng khôn tả. Tôi đã làm bể không biết bao nhiêu ly chén, bị bỏng rất nhiều lần mới có thể dùng hai cùi tay phục vụ những nhu cầu cá nhân tối thiểu…

Cho đến một hôm tình cờ xem được chương trình Got Talent phiên bản Trung Quốc có nhân vật Lưu Vỹ - không có tay bẩm sinh nhưng chơi đàn bằng chân đã làm xúc động hằng triệu người…”.

Hình ảnh Lưu Vỹ cứ ám ảnh Thắng mãi. Rồi một đêm, khoảng 2 giờ sáng, Thắng nghe tiếng khóc của mẹ. Thương con mẹ chỉ biết khóc thầm…

Thắng lại nghĩ đến Lưu Vỹ: “Người ta làm được, tại sao mình không thể?”. Thế là Thắng quyết tâm dùng âm nhạc để hòa nhập với xã hội.

Và rồi trên cây đàn bạn bè cho mượn, Thắng đã miệt mài khổ luyện, suốt gần 4 năm, có đêm chỉ ngủ một, hai tiếng để… đi thẳng vào vòng chung kết Vietnam’ Got Talent hôm nay…

Những câu thơ từ bóng tối

Tập thơ Hết mùa thu chưa là tác phẩm đầu tay của ông Huỳnh Duy Siêng (77 tuổi) khiếm thị không biết chữ, do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn mang bản thảo từ Tuy Hòa (Phú Yên) vào Sài Gòn và tự bỏ tiền túi ra in ấn để “chia sẻ ước mơ cuối đời của tác giả” (lời Lê Thiếu Nhơn).

Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 3: Người không tay chơi đàn và nhà thơ mù
Nhà thơ mù Huỳnh Duy Siêng - Ảnh: H.Đ.N

Năm 3 tuổi, ông Siêng mắc bệnh đậu mùa. Thời đó vùng đất Tuy Hòa chỉ là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt, bệnh viện không có, bác sĩ lại càng hiếm, nên biến chứng của bệnh đậu mùa đã khiến cậu bé bị mù vĩnh viễn.

Lớn lên, mỗi ngày, cậu lò dò đi theo đám bạn đến ngôi trường tiểu học. Chúng bạn vào lớp còn cậu bé ngồi tựa lưng vào vách và không bỏ sót một câu nào của thầy.

Thích nhất là những bài học bằng văn vần, chỉ nghe trong lớp ê a vài lượt là cậu đã thuộc lòng. Chính những bài học thuộc lòng này đã nảy mầm trong tâm hồn thơ dại nguồn cảm xúc thơ ca cho đến tận bây giờ.

Thế nhưng, những buổi “học chui” cũng không kéo dài được lâu. Một hôm đang “ngồi tựa vách trường” thì nước lũ tràn về. Đám học trò sáng mắt mạnh ai nấy chạy, chỉ duy có cậu bé mù đang ôm chặt một gốc cây giữa một biển nước, trong trời gió mưa...

Ông Siêng nhớ lại: “Sau cả buổi tìm kiếm, má tui phát hiện tui đã cứng đờ bên gốc cây. Bế tui về nhà, thấy toàn thân tui lạnh ngắt, má tui tưởng tui đã chết nên gào thảm thiết.

Tui tỉnh lại lúc nghe tiếng kêu thất thanh của má. Giữa sấm chớp đì đùng, má tui kêu “trời ơi là trời!” rất ai oán, não nùng, khiến tui nghĩ rằng, nếu tui gặp tai nạn gì chắc má tui không sống nổi! Từ đó, tui không dám mạo hiểm tự ý ra khỏi nhà nữa!”.

Về nhạc, Duy Suyên thuộc hàng trăm ca khúc, giọng hát lại rất truyền cảm. Ông kể: “Hồi ấy, hình như tui cũng... đẹp trai. Ở đối diện nhà tôi có một cô gái vẫn thường qua nhà tui, đề nghị tui hát nhạc tiền chiến cho cô ấy nghe.

Không thấy mặt, nhưng giọng cô ấy thì tôi không bao giờ quên được. Nó hấp dẫn một cách lạ lùng. Được vài năm thì cô ấy đi lấy chồng. Tui thất tình điên đảo, rồi làm thơ: “Em đứng gần chờ nghe tôi hát/Dòng sông nào trôi trong ca dao”...

Vậy rồi, cô hàng xóm ấy đã ám ảnh nhà thơ cho đến cuối đời. Bài thơ Hết mùa thu chưa em? Ông viết cho nàng như một tiếng thở dài của hoài niệm: “Mây trời bay ngơ ngác/Cành cao rơi tiếng chim/Nghe lòng khơi biển động/Bên đường bóng chiều nghiêng/Mơ màng theo khói thuốc/Tôi hình dung bóng em...”.

Không biết chữ, vậy Huỳnh Duy Siêng làm thơ bằng cách nào? Mỗi tứ thơ ập đến, ông sắp xếp câu chữ, vần điệu trong đầu. Từng câu, từng câu cho đến lúc hoàn chỉnh cả bài thơ rồi đọc, nhờ người khác chép lại.

Những câu thơ được hình thành trong bóng tối âm u, dằng dặc ấy đã là nguồn sống tinh thần của ông suốt gần 70 năm: “Bước đi không kịp với người/Hồn nghiêng bóng lệch gió trời kéo xô/Đưa tay rờ cõi hư vô/Khoảng không trước mặt mơ hồ tương lai/Bơ vơ nghe lá thở dài/Nghe sầu nung chín hình hài phế nhân…”(Bước không kịp người).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại