Nguyễn Mạnh Tường nói gì với luật sư khi tìm thấy xác nạn nhân?

Thiên Long |

Theo thông báo của Toà án Nhân dân TP. Hà Nội, ngày 4/12 tới sẽ xét xử Vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo luật sư Chu Thị Trang Vân, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường thì trong lần tiếp xúc gần đây nhất với bị cáo ở trại giam, bà Vân cảm nhận, Tường sức khỏe bình thường, ổn định hơn về tâm lý, người hơi gầy. Đặc biệt, tóc Tường bạc nhanh rất nhiều so với thời gian mới phạm tội.

Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Trang Vân cho biết, Tường mong sớm xét xử để có thể yên tâm cải tạo. Lỗi lầm đến đâu, Tường sẵn sàng chịu trách nhiệm đến đó. Sự ân hận, day dứt của con người này đã được nữ luật sư bào chữa cảm nhận rõ nét qua mái tóc đen đang bạc nhanh trông thấy...

Luật sư Chu Thị Trang Vân.

"Tôi cảm nhận Tường muốn vụ án nhanh chóng khép lại"

Còn vài ngày nữa phải ra trước vành móng ngựa, tâm lý hiện nay của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường ra sao, thưa bà?

Trong lần tiếp xúc mới đây nhất với tôi, bị cáo cho biết thấy yên lòng khi biết tin Cơ quan điều tra đã tìm thấy thi thể chị H. tại bến đò Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Ngay lúc đó, Tường cảm thấy trong người đã được giải tỏa tâm lý và tâm linh, nhất là vấn đề tâm linh đối với gia đình nạn nhân.

Khi nhận được kết luận Điều tra và cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã biết có kết quả xét nghiệm ADN của Cơ quan giám định xác định thi thể được tìm thấy là của chị H.. Trong các lần trao đổi với luật sư, Tường đều khẳng định "như đinh đóng cột" rằng mình không thực hiện những hành vi xâm phạm đến thi thể nạn nhân... như dư luận nghi vấn.

Trong lúc trao đổi, tôi cảm nhận trong con người Tường đang trỗi dậy bản năng hướng thiện hơn bên cạnh nỗi day dứt, ân hận, buồn bã như ngày mới bị bắt. Có thể nói, hiện tại bị cáo Tường đang mong đến ngày ra trước vành móng ngựa, sẵn sàng đối diện với sự phán xét của pháp luật.

Tôi cảm nhận anh ta mong muốn vụ án nhanh chóng khép lại, nhường chỗ cho khát khao sớm được trở về, bù đắp những mất mát, khổ đau mà vợ con, gia đình và cả chính gia đình nạn nhân đang phải gánh chịu. Đây là tâm lý phục thiện thường thấy ở những người phạm tội lần đầu.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.

Luật sư có thể cho bạn đọc báo Đời sống và Pháp luật biết hoàn cảnh gia đình bị cáo Tường hiện tại ra sao?

Thông qua vợ của Nguyễn Mạnh Tường, tôi biết cuộc sống hiện tại của gia đình Tường rất khó khăn. Tường là con trai duy nhất trong gia đình (người cha đã mất), ở quê nhà, Tường còn mẹ già. Tường có hai em gái, trong đó có một em không được khỏe mạnh như người bình thường.

Trước khi bị vướng vào vòng lao lý, Tường là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm gánh vác phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc người em bị ốm. Từ khi bị bắt giam, sự nghiệp sụp đổ, tương lai mờ mịt đang ở phía trước, khoản tiền chu cấp gia đình ở quê cũng không còn nữa. Do vậy, mẹ già và gia đình của Tường ở quê đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

“Kỳ án” gây nhiều tranh luận...

Từ khi bắt tay vào vụ án này, luật sư có gặp điều gì ám ảnh hay chịu sức ép về dư luận?

Tôi không gặp điều gì để gọi là ám ảnh hay quá sức ép trong vụ án này. Luật sư thực hiện công việc bào chữa theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây là một vụ án gây chấn động dư luận. Có thể nói chính tính đặc biệt của vụ án cũng khiến luật sư được quan tâm hơn.

Vụ án mang đến những trải nghiệm mới cho tôi trong quá trình hành nghề: Đó là kinh nghiệm làm việc với truyền thông báo chí, ứng xử với những người quan tâm đến vụ án... Về chuyên môn pháp luật, vụ án có thể được xem là "kỳ án" và mang đến những tranh luận, thậm chí là gay gắt trong giới khoa học và thực tiễn pháp lý về tội danh cũng như pháp luật thực định.

Là một luật sư, nhưng trước tiên tôi cũng là con người, biết cảm thông, chia sẻ. Tôi rất hiểu những đau lòng, mất mát mà gia đình bị hại đã phải chịu. Đó là những mất mát không thể bù đắp được. Tôi hiểu được gia đình bị hại sẽ có tâm lý (nguyện vọng) chung là phải trừng trị những người phạm tội đã gây thiệt hại cho gia đình họ một cách thích đáng.

Nhưng tôi cũng tin rằng, gia đình bị hại cũng mong muốn có một phiên tòa công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, tôi là luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, có trách nhiệm nghề nghiệp của mình, cố gắng để bào chữa cho thân chủ (cho dù họ là người đã thực hiện những hành vi phạm tội bị lên án và đáng bị trừng phạt).

Khi tiếp xúc với bị cáo Tường, tôi cũng nhìn thấy và cảm nhận đằng sau những gì anh ta đã thực hiện là một phần của sự ân hận, day dứt và cả "khả năng phục thiện" nữa. Chính vì thế, tôi sẽ cố gắng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, hướng anh ta về giá trị phục thiện.

Quá trình nhận vụ án này, nhiều bạn bè, người thân... cũng hỏi tôi tại sao lại đi bào chữa cho người như Nguyễn Mạnh Tường. Thậm chí, họ còn nhắn tin khuyên tôi nên từ chối bào chữa cho con người này. Thế nhưng, bên cạnh đó, rất nhiều người hiểu công việc của tôi, chia sẻ với tôi những khía cạnh khác nhau của vụ án. Tôi nghĩ, đây có lẽ là cái nghề, cái nghiệp đã chọn mình rồi, mình làm tốt công việc, làm tốt nghề của mình thì mọi người rồi ai cũng sẽ đồng cảm thôi.

Luật sư có thể tiết lộ trong phiên tòa tới, chị sẽ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường theo hướng nào?

Tôi cũng đã chuẩn bị các phương án để bào chữa cho thân chủ của mình theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng tính khách quan của vụ án, tôn trọng sự thật, công lý. Tất nhiên là luật sư bào chữa, tôi phải bào chữa cho thân chủ của mình theo hướng có lợi.

Quan điểm của tôi, phiên toà công khai là nơi đánh giá lại các chứng cứ của vụ án (đã được điều tra) một cách toàn diện, khách quan nhất. Do vậy, tôi cũng chuẩn bị để tranh luận với kiểm sát viên (giữ quyền công tố tại toà) về những vấn đề mà cáo trạng đề cập đến hành vi của bị cáo Tường đảm bảo sự công bằng trong đánh giá tính chất và mức độ của hành vi sai phạm.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngày 14/4/2014, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường. Trong phần tranh luận, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã làm HĐXX và nhiều người tham dự phiên toà “sởn da gà” khi khai nhận mình trực tiếp dùng xi lanh hút mỡ từ vùng bụng của chị H., sau đó dùng tay gạn lọc lớp mỡ nổi ở trên, loại bỏ phần máu và dung dịch trong cơ thể, rồi bơm trực tiếp dung dịch mỡ vừa gạn lọc vào ngực của người bệnh.

Bị cáo Tường cho biết, mình thực hiện các công đoạn thẩm mỹ nâng ngực theo kỹ thuật của “Hàn Quốc” và đây là thời gian thực hiện công đoạn hút mỡ, bơm vào ngực chị H. diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ.

Trong khi đó, một nhân viên y tế làm việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường cho HĐXX biết ca phẫu thuật bơm ngực cho chị H. kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trên thực tế, để thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực (bơm mỡ vào ngực) đúng cách, bác sỹ phải hút mỡ thừa ở một số vùng trên cơ thể người làm thẩm mỹ, tiếp đó dùng máy li tâm quay tròn để gạn lọc mỡ, rồi lấy mỡ đó bơm vào vùng ngực.

Nói chung, tất cả phải được thực hiện trên hệ thống máy móc hiện đại, chứ không phải dùng tay như ở thẩm mỹ viện Cát Tường. Nhận thấy lời khai của bị cáo Tường và người làm chứng có sai lệch về thời gian thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ và cách thức thực hiện. Do vậy, HĐXX đã quyết định hoãn phiên toà, trả Hồ sơ điều tra bổ sung.

Dự kiến ngày 4/12 tới đây, TAND TP. Hà Nội sẽ mở lại phiên toà xét xử vụ án gây chấn động dư luận này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại