Nguyên bí thư tỉnh nói vụ phạt vì chê chủ tịch tỉnh là nặng

ĐỨC VỊNH |

Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang nói về vụ Sở Thông tin - truyền thông An Giang ra quyết định xử phạt và kỷ luật ba cán bộ vì chê chủ tịch tỉnh trên Fecebook 5 triệu đồng là nặng.

Về câu bình luận của bà Lê Thị Thùy Trang: “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” (câu bình luận đầy đủ của bà Trang - PV), ông Nguyễn Văn Hơn cho rằng nội dung câu này mang tính đánh giá chủ quan, không có cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Hơn, xử lý kỷ luật như vậy là nặng.

“Đáng lý nên coi đó như câu nói bình thường, khi phát hiện chỉ nên yêu cầu xóa bỏ, nhắc nhở thôi” - ông Hơn phân tích.

Ông Hơn cũng cho rằng nếu ông đang là lãnh đạo tỉnh, trước thông tin trên báo chí và dư luận quan tâm, ông sẽ mạnh dạn yêu cầu kiểm tra lại vụ việc cho khách quan.

Nếu thấy xử lý ba cán bộ này chưa thuyết phục, chưa có sự đồng thuận thì chắc chắn ông sẽ đề nghị rút lại quyết định kỷ luật đối với họ.

“Làm như vậy mình tỏ ra bao dung, càng được lòng dân hơn” - ông Hơn nói.

Trong khi đó, trong bản tự kiểm của mình, bà Trang cho rằng sau khi bị nhắc nhở bà đã xóa thông tin trên. Bà Trang cũng khẳng định bà không có ý định phát tán thông tin, vu khống hay bôi nhọ danh dự của cá nhân, đơn vị nào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Tâm, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông An Giang, cho rằng câu “Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” có nội dung không đúng sự thật, mang tính chất vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nặng danh dự, ảnh hưởng uy tín của chủ tịch UBND hiện nay.

Do đó sở quyết định phạt bà Trang và ông Phúc với lý do đã vi phạm hành chính các quy định trong lĩnh vực sử dụng Internet và thông tin trên mạng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề bà Phan Thị Kim Nga không trực tiếp mà do chồng bà comment (bình luận) nội dung bà Trang viết, tại sao bị xử lý kỷ luật về cả chính quyền và Đảng, ông Phan Tùng Lâm, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối dân chính Đảng (trực tiếp kiểm tra đề xuất xử lý), chỉ giải thích là Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch UBND tỉnh An Giang qua các thời kỳ từ năm 2001-2014, nhưng báo chí đăng ảnh chủ tịch UBND tỉnh đương nhiệm (nhiệm kỳ 2010 - 2015) làm ảnh hưởng uy tín ông này.

* Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ):

Dân có quyền góp ý lãnh đạo

Theo tôi, việc xử lý vi phạm hành chính kèm hình thức khiển trách, cảnh cáo về mặt Đảng đối với các cá nhân chỉ với góp ý như trên thì sau này ai dám góp ý cán bộ lãnh đạo nữa?

Làm lãnh đạo, khi dân góp ý như vậy, ông chủ tịch UBND tỉnh có thể tự xem lại bản thân mình có xa dân hay không, có kênh kiệu hay không. Nếu kiểm điểm lại bản thân mà không có thì thôi, còn nếu có thì xem xét lại thái độ của mình để có sự điều chỉnh phù hợp.

Nói tóm lại, việc xử lý các cá nhân như đã nêu trên tôi cho rằng không thỏa đáng.

Đó là quyền nhận xét, đánh giá của mỗi người. Người này cảm nhận thế này thì nói gần dân, người khác cảm nhận thế kia thì nói xa dân cũng là chuyện bình thường, xử lý kỷ luật là quá nặng nề, không cần thiết.

CHÍ QUỐC ghi

 

Thế nào là xúc phạm danh dự người khác?

Phải khẳng định ngay việc nói xấu người khác trên Facebook cá nhân - nói theo câu chữ trong văn bản là “sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” - là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Người vi phạm điều này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại điều 66 nghị định 174/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện).

Trước giờ đã có nhiều trường hợp vì nói xấu người khác trên Facebook mà bị xử phạt theo quy định này (mức phạt phổ biến là 5 triệu đồng).

Chẳng hạn với việc nói xấu một đồng nghiệp (là gian lận, cố tình làm sai thể lệ của một cuộc thi ảnh nghệ thuật), một hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Chi hội nhiếp ảnh tỉnh Cà Mau đã bị Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng vì sự thật không phải vậy.

Trong rất nhiều trường hợp tương tự, dư luận đều đồng tình với đánh giá và cách xử phạt của cơ quan có thẩm quyền. Tại sao riêng vụ ở An Giang số đông lại phản ứng?

Theo cách hiểu chung thì xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm là có những lời lẽ hoặc hành động có tính chất thóa mạ, khinh bỉ để bôi nhọ người khác hoặc gán một sự kiện xấu xa cho người khác làm xã hội đánh giá sai hay hình dung sai về người đó. Sự đánh giá sai sự thật ấy không phụ thuộc vào việc người đưa ra những tin tức đó vô tình hay cố ý.

Với mỗi cá nhân, hễ nghe ai đó nói không hay, không tốt về mình thì thường là không ưng ý. Song nói xấu đến mức nào mới bị xem là xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân để bị xử phạt hành chính hoặc được bồi thường thiệt hại theo thủ tục tố tụng dân sự thì chưa có quy định chi tiết thống nhất.

Từ chỗ đó, áp cách hiểu chung với các trường hợp quá rõ ràng (nói hoàn toàn sai sự thật về người khác như trong vụ ở Cà Mau nói trên) thì không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, với vụ ở An Giang, do là một nhận xét tùy thuộc cảm nhận của từng người, có người thấy thế này và cũng có người thấy thế khác.

Trong số đó, việc bí thư đảng ủy khối dân chính đảng của tỉnh này cho rằng lời chê trên “đã xúc phạm tương đối nặng nề, ảnh hưởng uy tín chủ tịch tỉnh” xem chừng cũng có phần cảm tính, chủ quan.

Tóm lại, qua chuyện này thì hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác đến mức phải bị chế tài cần được pháp luật minh định rõ ràng để việc xử phạt dễ dàng và thuyết phục hơn.

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại