"Không nhận chức trưởng khoa thì làm sao lại cho thôi việc?"
Ngày 30/7, Sở Y tế tỉnh Phú Yên có quyết định điều động và bổ nhiệm bác sỹ Nguyễn Thị Băng Sâm, Phó Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Mắt Phú Yên, sang làm Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên từ ngày 17/8.
Sau đó, bác sĩ Sâm 2 lần có đơn xin từ chối nhận bổ nhiệm nhưng không được Sở Y tế đồng ý.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đã 3 lần mời đến nhận chức nhưng bác sĩ Sâm đều không tới, đồng thời gửi đơn xin từ chối nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, Sở Y tế mời lên giải quyết nhưng bác sĩ Sâm cũng không đến và gửi đơn xin thôi việc.
Sở Y tế không chấp nhận đơn xin thôi việc của bác sỹ Sâm với lý do tỉnh Phú Yên đang thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt. Từ ngày 17/8, bác sĩ Sâm đã tự ý nghỉ việc.
Trước diễn biến này, ngày 4/11, Sở Y tế tỉnh Phú Yên họp hội đồng kỷ luật để xem xét trường hợp của bác sĩ Sâm. Tại cuộc họp, thành viên hội đồng bỏ phiếu kỷ luật bác sĩ Sâm bằng hình thức buộc thôi việc.
Ngày 5/11, Sở Y tế ra quyết định buộc thôi việc đối với bác sĩ Sâm. Trong quyết định, Sở Y tế nêu lý do kỷ luật là do bác sĩ Sâm “không chấp hành sự phân công của lãnh đạo sở và tự ý nghỉ việc từ ngày 17/8 đến 4/11”.
Cho rằng, quyết định này không thấu tình đạt lý nên bác sỹ Sâm đã gửi đơn khiếu nại.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với chúng tôi vào sáng 16/11, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đã nhận được thông tin này và đang cho kiểm tra lại.
"Không nhận chức trưởng khoa thì làm sao lại cho thôi việc và khi người ta làm đơn xin thôi việc lại ra quyết định kỷ luật. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và sẽ thông tin sớm trong cuộc họp báo tới đây của Bộ", ông Tuấn thông tin.
Về đơn khiếu nại của bác sỹ Sâm, ông Tuấn cho biết, đã nắm được và sẽ xem xét, kiểm tra lại.
Không đúng quy định
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (Văn phòng luật Phạm Nghiêm, Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cũng cho hay, việc ra quyết định buộc thôi việc của Sở Y tế Phú Yên đối với bác sỹ Sâm là không đúng.
"Việc kỷ luật đầu tiên phải thực hiện các bước kiểm điểm từ cơ sở, đằng này Sở Y tế tỉnh Phú Yên trảm ngay bằng quyết định buộc thôi việc người không chấp hành nhiệm vụ mới là không được phép", luật sư Út nói.
Theo Nghị định 27 ngày 06/4/2012 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận thức kỷ luật.
"Như vậy, ở đây chưa có việc tổ chức kiểm điểm mà đã ra quyết định buộc thôi việc là sai về hình thức.
Về nội dung thì hình thức kỷ luật buộc thôi việc không được phép áp dụng trong trường hợp từ chối nhận nhiệm vụ chức danh quản lý theo quy định tại điều 13 Nghị định này", luật sư Út nhấn mạnh.
Luật sư Út cũng cho hay: "Thực tế thì tôi cũng từng chứng kiến có những thẩm phán từ chối chức danh quản lý để được đề nghị bổ nhiệm làm phó chánh án.
Vì họ tự nhận thấy mình chưa đủ năng lực để đảm đương vị trí quản lý và được chấp nhận chứ không thể bị kỷ luật...
Điều đáng nói là, trước khi được bổ nhiệm thì phải theo quy trình và làm hồ sơ để được bổ nhiệm chức danh quản lý, trong bộ hồ sơ ấy phải có đơn xin được bổ nhiệm chức danh quản lý.
Và quy trình bắt buộc là phải có cuộc họp tại cơ quan để các đồng nghiệp đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm... Không thể ấn vào tay người khác trọng trách mà không qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt được".