Bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh trên facebook: Có tùy tiện hay không?

Hoàng Đan |

Luật sư Thiệp cho rằng, nếu chỉ có vài lời chê bai để giải tỏa các bức xúc do chính ông Chủ tịch tỉnh gây ra trên facebook thì bình thường, không gây hậu quả gì nghiêm trọng.

Xử lý quá nặng?

 Bà Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên, An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang mỗi người bị phạt 5 triệu đồng, do chê chủ tịch UBND tỉnh "nhìn cái mặt kênh kiệu" trên facebook.

Liên quan đến thông tin này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) bày tỏ sự quá bất ngờ và không thể hình dung nổi là tại sao cơ quan chức năng An Giang lại làm việc đó vì cái gì và bằng cái gì?

"Việc thể hiện quan điểm cá nhân trên các trang cá nhân như facebook là bình thường, đặc biệt trong trường hợp này thì hoàn toàn logic và bình thường.

Bởi vì bài báo được chia sẻ có nội dung thông báo về những sai phạm của Chủ tịch tỉnh trong quá trình lãnh đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và đã để xảy ra sai phạm", luật sư Thiệp nêu.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

Cũng theo luật sư Thiệp, việc đánh giá của người dân địa phương về phong thái, tư cách, lề lối làm việc chính là sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là các chức danh trong cơ quan dân cử.

"Hành vi giám sát rất đa dạng và đó là quyền Hiến định của người dân. Ở đây có hay không tự ái cá nhân của ai đó rồi tiến hành xử phạt. Nếu đúng như thế sẽ cho thấy sự không cầu thị, cửa quyền, coi thường người dân, thiếu hiểu biết pháp luật nghiêm trọng.

Tôi cho rằng vụ việc trên đi ngược lại với các quy định của pháp luật cũng như chủ trương đường lối của Nhà nước về việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận, về sự giám sát của nhân dân đối với các chức danh lãnh đạo...". luật sư Thiệp nhìn nhận.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP luật sư Chính Pháp, Hà Nội) lại cho rằng, theo quy định của pháp luật thì danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

"Nếu chỉ là một câu nói “nhìn cái mặt kênh kiệu…” để để “nói xấu sau lưng” đối với hình ảnh của ông Chủ tịch thì chỉ nên phê bình, nhắc nhở.

Nhưng nếu câu nói đó đăng lên mạng xã hội với hàng trăm, ngàn người tiếp cận, kèm theo là những bài viết, lời bình luận thái quá, bày tỏ thái độ mang tính chất xúc phạm, bêu xấu làm tổn hại tới uy tín, danh dự của ông Chủ tịch...

Khi đó, hành vi này cần phải bị xử lý trước pháp luật để bảo vệ danh dự, uy tín cho người bị xâm hại", luật sư Cường nhấn mạnh.

Có tùy tiện hay không?

Luật sư Thiệp cũng bày tỏ, nếu chỉ có vài lời chê bai để giải tỏa các bức xúc do chính ông Chủ tịch tỉnh gây ra thì bình thường, không gây hậu quả gì nghiêm trọng.

"Việc cơ quan chức năng An Giang xử phạt hành chính như báo chí nêu là tùy tiện, chủ quan, áp đặt.

Ngoài việc xử phạt, thì việc Cơ quan quản lý người lao động còn có quyết định xử lý kỷ luật đối với những người đó thì tôi cho rằng đó là quyết định thiếu thông minh và không tương xứng.

Việc nhận xét , đánh giá trên nhiều phương diện đối với lãnh đạo không bị coi là hành vi sai phạm tới mức bị xử lý hành chính, việc áp dụng sai pháp luật trong trường hợp này cần được xem xét giải quyết cho phù hợp", luật sư Thiệp đề nghị.

Trong khi đó, luật sư Cường lại cho rằng, có lẽ đây không phải là văn bản xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đầu tiên liên quan tới hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ, danh dự, nhân phẩm của công dân.

"Tuy nhiên, có thể đây là hình thức vi phạm tương đối mới mẻ, bởi hành vi vi phạm bị thực hiện qua mạng xã hội facebook nên một số người mới cho là “dị”", luật sư Cường nêu.

Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường

Theo luật sư Cường, thực tế, trên các mạng xã hội nhiều người đang có những lời nói, phát ngôn gây sốc, có những lời lẽ, hành động nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà chưa bị xử lý.

Nếu người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội bị khiếu kiện thì hành vi vi phạm này sẽ bị áp dụng quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Hoặc những hành vi khác có thể bị áp dụng quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để xử lý vi phạm.

"Trong tương lai chắc sẽ có nhiều vụ việc bị xử lý tương tự vụ việc này để đảm bảo danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được pháp luật bảo vệ.

Việc tự do ngôn luận, tự do báo chí phải được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ pháp luật, cần phải áp dụng những chế tài trong một số trường hợp cần thiết để đảm bảo giới hạn của các quyền tự do.

Để từ đó, việc thực hiện quyền tự do của chủ thể này không xâm hại tới quyền tự do khác của chủ thể khác trong xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng, tự do, tiến bộ và văn minh của xã hội", luật sư Cường nêu quan điểm.

Trích Khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Truy nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng;

b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;

i) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải, truy nhập, tìm kiếm dữ liệu, thông tin hợp pháp trên môi trường mạng;

k) Không khôi phục thông tin hoặc khả năng truy nhập đến nguồn thông tin hợp pháp khi được chủ sở hữu thông tin đó yêu cầu;

l) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

m) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại