Người đàn ông ném con chết có móng chân như móng vuốt

Trong một lần bị kích động thần kinh, ông đã tự tay ném đứa con nhỏ xuống nền nhà khiến cháu bé tử vong tại chỗ.

Ông thường cầm dao đuổi đánh vợ con, đêm đêm mang cuốc, xẻng ra nghĩa địa đào xới, kiếm tìm những điều gì không ai biết.

Sau khi đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam xong, như bao người đàn ông bình thường khác, ông Lê Văn Mới Anh (Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm, Bến Tre) về quê, lấy vợ và sinh được một cô con gái xinh xắn.

Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn chục năm, ông bắt đầu có những biểu hiện mà người nhà nghi là bị "ma nhập", có thể do một người đàn bà bên Campuchia nào đấy đã bị ông phụ tình "bỏ bùa" khiến tâm thần bấn loạn, thường cầm dao đuổi đánh vợ con, đêm đêm mang cuốc, xẻng ra nghĩa địa đào xới, kiếm tìm những điều gì không ai biết.

Tuy nhiên, bị kịch chưa dừng lại ở đó bởi một thời gian ngắn sau, trong một lần bị kích động thần kinh, ông đã tự tay ném đứa con nhỏ xuống nền nhà khiến cháu bé tử vong tại chỗ. Còn ông, do gia đình không kiểm soát được nên đành dùng một cái xích dài, xích ông trong ngôi nhà hoang, nằm khuất trong rừng dừa um tùm, bắt đầu chuỗi những tháng ngày sống mà như chết vô cùng đau đớn.

Biến cố kinh hoàng

Từ lâu, người trong vùng Thạnh Phú Đông đều "rõ mồn một" chuyện ông Mới Anh bị bệnh thần kinh bất thường, nhưng những năm gần đây ít người thấy mặt ông. Tuy nhiên, theo chỉ dẫn, chúng tôi cũng khá dễ dàng để tìm tới chính xác căn chòi nhỏ bé của gia đình ông, nằm lọt thỏm giữa những tán dừa xanh biếc, đặc trưng vùng đất này.

Chanh được coi là món ăn khoái khẩu của ông Mới Anh.

Đón tiếp chúng tôi, ông Lê Văn Mới Em (em ruột ông Mới Anh) vừa kéo chiếc ghế gỗ, vừa rót ly nước trà mời khách, rồi phân trần: "Mọi ngày vào giờ này tôi phải làm thuê ở tận Long An nhưng cách đây vài bữa, trong lúc ngủ, tôi đã nằm mơ thấy người anh ruột bứt đứt sợi dây xích sắt chạy khắp xóm. Sợ có điềm báo không hay, ngay sáng hôm đó ngủ dậy, tôi đã xin ông chủ cho ứng trước 7 trăm ngàn để bắt xe đò về quê xem tình hình ở nhà như thế nào".

Theo lời ông Mới Em, vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, ông Mới Anh từng tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam trong một thời gian dài. Kết thúc chiến tranh, từ nước bạn Campuchia ông trở về quê nhà và cưới vợ.

"Sau khi đi bộ đội về, đám cưới của anh trai tôi linh đình lắm, cả xã hầu như ai cũng đến dự. Nhưng được hai năm thì ông bắt đầu có những biểu hiện lạ. Ông hay lảm nhảm một mình, nhiều khi nói những thứ gì không ai nghe. Mọi người cứ tưởng ông bị "ma nhập", đưa đi gặp rất nhiều thầy cúng để giải trừ bùa ma nhưng mọi việc không như mong đợi, ông vẫn liên tục đánh chửi vợ", ông Mới Em kể.

"Gia đình chúng tôi đã đưa ông tới bệnh viện tỉnh khám, tại đây bệnh viện kết luận ông mắc bệnh tâm thần hoang tưởng nhẹ. Sau 6 tháng điều trị tại bệnh viện tâm thần, thấy bệnh tình ông có phần thuyên giảm nên gia đình đã đón ông về lại nhà. Thế nhưng chỉ được một thời gian, bệnh tình của ổng lại tái phát và tính tình có phần hung hăng, khó kiểm soát hơn trước", ông Mới Em cho biết.

Nhưng bi kịch lớn nhất chính là việc ông Mới Anh ngày càng không nhận thức được hành vi của mình, mọi việc ông làm đều trong vô thức, như bị một "con ma" đang kiểm soát mình vậy. Hậu quả kinh hoàng của việc đó là ông đã vô tình đập chết chính đứa con ruột mới hơn 1 tuổi trong một lần điên loạn.

Tiếp đó, ông thường xuyên đánh vợ, thậm chí vác dao đuổi chém. Đêm về, ông lại mang cuốc, xẻng ra khu nghĩa trang đào mộ người đã mất rồi chửi bới, la hét. Những người xung quanh, liên tục đồn thổi nhiều câu chuyện ly kỳ về ông, người thì bảo ông bị "ma sói" nhập vào người, người khác lại nói ông qua Campuchia rồi có tình cảm với một người phụ nữ bản địa bên ấy.

Để giữ ông, cô ta đã "yểm" bùa ông với lời thề độc rằng, nếu ông bỏ theo người đàn bà khác, bản thân ông sẽ bị điên loạn, người đàn bà kia nếu tiếp tục chung sống với ông sẽ bị chết thảm bởi quỷ thần, con cái hai người cũng phải chết thê thảm. Và, dường như những lời đồn đại như vậy cùng những hành động điên cuồng của ông Mới Anh đã làm lung lay tình cảm của vợ ông khiến bà đành đoạn tuyệt với ông để về sống cùng cha mẹ đẻ.

Khi ấy, bên ông chỉ còn cậu em trai và các cháu là người thân thiết, sống trong một căn nhà nhỏ ở cạnh nhà ông. Nhưng, liên tiếp nhiều năm sau, những hành vi của ông Mới Anh ngày càng lạ lùng và khó đoán. Đã nhiều lần gia đình muốn đưa ông tới bệnh viện tâm thần để điều trị nhưng bất thành. Những lúc ấy, ông thường vùng vẫy quá mạnh nên không có phương tiện nào chở đến bệnh viện được.

Mặc dù bộ dạng của ông gầy nhom như que tăm những mỗi lần ông nổi giận, dù nhiều người cũng không đủ sức khống chế nổi. Sau đó, vì sinh kế, người em trai duy nhất của ông là ông Mới Em cũng bôn ba khắp nơi để làm thuê, làm mướn mưu sinh. Chính vì thế, ông Mới Anh bị nhốt biệt lập trong căn nhà nhỏ giữa rừng dừa, thường ngày được người cháu, con ông Mới Em đem cơm, nước và lâu lâu tắm rửa cho ông một lần.

Từ ngày bị tâm thần móng chân ông thành móng vuốt.

Những tháng ngày đau đớn

Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi được anh Lê Văn Một (con trai ông Mới Em) dẫn ra thăm nơi ăn, ở của ông Mới Anh. Lúc chúng tôi đến cũng là lúc ông Mới Anh đang đi vệ sinh, thấy chúng tôi, ông tỏ vẻ mắc cỡ vội kéo quần lại. Mặc dù trời nóng như đổ lửa, nhưng ông vẫn mặc trong người rất nhiều chiếc áo. Mỗi khi đứa cháu trai của ông lấy trộm quần áo bẩn để mang đi giặt ông lại la ó, dùng tay đập mạnh vào vách tường, tỏ vẻ khó chịu vô cùng.

Theo quan sát của chúng tôi, căn phòng đang giam giữ ông Mới Anh rộng chừng 8 - 10m2 vuông, được xây bằng gạch đỏ, có có lát sàn bằng xi măng đã cũ, trên nóc lợp mái tôn phi-brô-xi-măng. Ở góc căn phòng có xây một cái bệ để làm giường ngủ cho ông Mới Anh. Ngoài ra, căn phòng được thông với "thế giới bên ngoài" bằng một cái cửa sổ có song sắt cùng một chiếc cửa lớn để người thân vào tiếp tế lương thực.

Mặc dù có cửa nhưng trên thực tế, ông Mới Anh hoàn toàn không thể đi ra ngoài vì chân ông đã bị xích bằng hai sợi dây xích khá lớn ở cổ chân. Ông chỉ có thể di chuyển theo chiều dài của sợi dây ấy mà thôi. Trong khoảng không gian nhỏ bé ấy với quỹ thời gian hơn 10 năm nay, ông ăn, ngủ, tiêu, tiểu, ... tất cả đều trong ấy, như một người nguyên thủy.

Vì bị xích nhiều năm nên ông di chuyển rất chậm. Hiện tại móng tay và móng chân của ông rất dài nhưng ông cũng không cho người cháu lại gần để cắt. Ngay tại cổ chân vị trí bị xích, máu tứa ra rồi khô lại, in hằn những dấu vết nhìn rất hãi hùng. Hơn nữa, nơi đó cũng lở loét vì sinh hoạt bẩn thỉu khiến ruồi nhặng bu vào nhưng ông không có cảm giác đau, cứ gãi gãi rồi lại cười hềnh hệch.

Hơn 10 năm ông bị xích một chỗ.

Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc ăn cơm, uống nước hằng ngày, ông Mới Anh còn có sở thích ăn chanh nên xung quanh căn chòi của ông được gia đình trồng rất nhiều cây chanh. Nhìn ông bóc vỏ chanh, vắt và húp nước soàn soạt mà chẳng hề nhăn mặt.

Mặc dù không ai muốn người thân của mình phải chịu đau đớn thể xác như vậy nhưng ông Mới Em chua xót nói: "Nếu như anh tôi không đập chết đứa con gái của ổng thì tôi và gia đình đâu có xích lại như thế kia làm gì. Tự tay nhốt anh trai của mình lại một chỗ là một điều thật đau đớn, như lấy dao đâm vào người vậy. Nhưng không còn sự lựa chọn. Nếu thả ổng ra ngoài đường không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Anh tôi dù bị tâm thần nhưng cũng là con người, cực chẳng đã vợ chồng tôi mới xích như thế này".

Chia sẻ về cuộc sống của gia đình hiện tại, ông Mới Em cũng buồn rầu bảo: "Do hai vợ chồng tôi luôn phải đi làm thuê nên kinh tế gia đình cũng khó khăn lắm. Thu nhập mỗi tháng chỉ 2-3 triệu đồng. Ngoài chi tiêu cuộc sống, hằng tháng đều phải dành tiền gửi về để con trai mua thức ăn nuôi anh ấy.

Không những vậy, những sinh hoạt hằng ngày, ông Mới Anh cũng không làm chủ được nên rất dễ bị bệnh. Đơn giản như ban đêm đi ngủ, cứ giăng mùng thì ông lại xé rách hết, nên muỗi cứ tha hồ đốt; ban ngày thì ruồi nhặng bâu đầy, rất dễ lây bệnh truyền nhiễm. Thế là lại phải mua thuốc cho ổng uống. Mà cực nhất là chuyện uống thuốc vì ông rất sợ ai lại gần. Những lúc như vậy, có khi phải 2, 3 người ôm chặt ông, đổ thuốc vào miệng mới được. Nhìn anh, tôi quặn thắt trong lòng mà chả biết làm sao".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại