Người bị tù oan ở Hà Nội: "Đã có lúc muốn tự thiêu trước tòa"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Nhớ lại chuỗi ngày bị oan, ông Bình tâm sự: “Do căng thẳng như thế mà có lúc tôi đã nghĩ rằng làm can xăng tự thiêu trước tòa”.

Thông tin về việc ông Phạm Đức Bình (SN 1956, ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người đã chịu hơn 10 năm oan sai sẽ được TAND TP. Hà Nội chính thức xin lỗi vào ngày 4/4 đã được dư luận chú ý nhiều. Trước đó, sau khi vướng vào vòng lao lý, ông Bình đã gửi đơn kháng cáo và đầu tháng 1/2001, TAND tối cao tại Hà Nội đã xem xét kháng cáo của ông Bình, tuyên ông vô tội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm trước ngày 3/4/2014, ông Bình vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào. Và cũng trong ngần ấy năm, cuộc sống của người đàn ông này rơi vào tình trạng khó khăn khi ông bị mất việc làm, danh dự bị tổn hại…

Tối 3/4 – ngay trước ngày TAND TP. Hà Nội chính thức xin lỗi theo dự kiến, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đức Bình về tâm trạng cũng như cuộc sống của ông trong những ngày qua.

Ông Bình chia sẻ: “Không may tôi rơi vào vòng tố tụng, đang là công nhân viên Nhà nước tự dưng mất việc làm, cuộc sống rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Khi mới được minh oan, tôi rất vui nhưng mãi chả thấy họ xin lỗi. Cho đến thời điểm này, tôi lại thấy việc xin lỗi là bình thường, không có gì đặc biệt. Có lẽ cảm xúc của tôi đã bị chai sạn rồi bởi từ năm 2006 đến giờ mà việc của tôi chưa được giải quyết".

Vào ngày 9/10/2006, sau khi xem xét đơn khiếu nại về việc TAND TP. Hà Nội từ chối giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388 của ông Bình và những tài liệu gửi kèm theo, Tòa hình sự - TAND Tối cao đã có ý kiến cho rằng, ông Bình thuộc trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết số 388/2003/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Ông Phạm Đức Bình trong căn phòng trọ của mình (Ảnh: Tuấn Nam)

Ông Phạm Đức Bình trong căn phòng trọ của mình.

“Đáng lẽ, việc xin lỗi được bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái (năm 2013 - PV) nhưng đến bây giờ mới bắt đầu thông báo xin lỗi. Vừa rồi, có thông báo như thế nhưng họ lại hoãn (ông Bình cũng nhận được thông báo từ TAND TP. Hà Nội về việc ông được xin lỗi vào ngày 13/3 nhưng buổi đó đã bị hoãn - PV) và nhỡ mai lại hoãn nữa thì sao”, ông Bình không giấu được sự lo lắng.

Khi được hỏi về số tiền bồi thường cho sự oan sai của mình, ông Bình cho hay: “Tôi không đòi hỏi gì quá đáng cả. Tôi chỉ yêu cầu bồi thường đúng như quy định của pháp luật. Hiện nay, chưa có con số cụ thể và TAND TP. Hà Nội cũng chưa có thỏa thuận với tôi. Trước đây, tôi có ngồi làm việc với họ vài lần, có biên bản làm việc thì họ cũng đồng ý và nói sẽ xin ý kiến cấp trên. Ngoài số tiền tổn thất về tinh thần và thu nhập, về tài sản, tôi bị mất một ngôi nhà. Bây giờ tôi chỉ đòi 3 thứ đó.

Căn nhà của tôi ngày ấy ở dưới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) rộng khoảng 88 m2. Trước đây, tôi là cán bộ được tiêu chuẩn phân nhà, nhưng vì tôi có điều kiện nên không nhận nhà mà nhường cho người khác. Căn nhà đó tự tôi làm và mua, sau đó mất trắng vì án oan sai này. Bây giờ lang thang đi thuê, ở nhờ nên tôi mong muốn được đòi lại căn nhà đó”.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình hiện nay, ông Bình cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi, bao nhiêu năm nay trông vào đồng lương của vợ tôi là bà Nguyễn Thị Thịnh. Cách đây 3 – 4 năm, bà ấy về hưu nên cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn tôi thì tham gia bán bảo hiểm, lúc được, lúc không. Hai năm nay, có tháng được 500.000 đồng, có tháng được 1 triệu đồng. Công việc trước đây của tôi đã bị tước đoạt không lý do và hiện nay thì chẳng ai nói gì. Năm nay tôi cũng đã 58 tuổi, chỉ còn 2 năm nữa về hưu mà ngần ấy năm, tôi không được bố trí công việc, mất thu nhập”.

Nhớ lại cảm giác trong chuỗi ngày chịu oan, ông Bình tâm sự: “Cho đến khi nhận được quyết định của Tòa án tối cao về việc bồi thường thì cơ quan có trách nhiệm vẫn im lặng. Có những lúc, tôi muốn tự vẫn bởi căng thẳng lắm! Tôi đã nghĩ rằng làm can xăng tự thiêu trước tòa. Trong 10 năm đó, có đêm nào tôi ngủ ngon giấc đâu. Còn vợ tôi chỉ biết động viên chồng cố gắng.

Mình oan ức như thế, kêu đến cơ quan thì cơ quan cũng lơ đi, không trả lời, không giải quyết. Cơ quan pháp luật cũng im lặng và nói rằng xin ý kiến của cấp trên. Lên cấp trên thì người ta bảo là cứ về đi rồi cấp dưới có trách nhiệm sẽ xử lý. Tôi đã đi gửi đơn ở nhiều nơi lắm rồi. Đến giờ, tôi vẫn chờ đợi cách giải quyết của TAND TP. Hà Nội rồi về cơ quan cũ xem họ giải quyết như thế nào”.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Bình một lần nữa cho rằng việc TAND TP. Hà Nội đến bây giờ mới xin lỗi ông là quá muộn.

Ông Bình bị TAND TP Hà Nội kết án oan từ năm 2000 về hai tội: “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”.

Theo quy kết, năm 1992, ông Bình được Giám đốc Công ty Thi công cơ giới và xây lắp bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng. Năm 1997, cửa hàng bị đình chỉ hoạt động do kinh doanh không hiệu quả.

Cùng năm này, công ty thanh tra hoạt động kinh doanh của cửa hàng và cho rằng ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của một xí nghiệp tổng số 71 triệu đồng nhưng ông Bình chỉ chứng minh sử dụng hợp lệ 30 triệu đồng.

Theo bản án sơ thẩm ngày 16/3/2000, ông Bình đã mua hàng của 3 đơn vị và làm thất thoát gần 180 triệu đồng. Toà cho rằng, bị cáo đã sử dụng trái phép số tiền trên.

Từ hai nhận định trên, toà sơ thẩm đã tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù cho cả hai tội danh. Theo đơn kháng cáo, kêu oan của ông Bình, đầu tháng 1/2001, TAND Tối cao tại Hà Nội đã xem xét.

Tòa cho rằng, ông Bình không chiếm đoạt số tiền tạm ứng của các xí nghiệp. Lý do toà cho biết, trước khi bị xét xử sơ thẩm, ông Bình có nhiều đơn từ, giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định đã nhận số tiền ứng nói trên.

Về hành vi sử dụng trái phép tài sản, ông Bình trình bày, sau khi mua 3 lô hàng do bị tai nạn phải vào viện điều trị nên không trực tiếp bán và thu tiền từ số hàng này. Khi ra viện, cửa hàng đã giải thể nên ông biết ai bán, ai mua lô hàng này. Từ những nhận định, chứng cứ, Toà phúc thẩm đã tuyên ông Bình vô tội.

Ông Bình thuộc trường hợp bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại