"Nên hạ độ tuổi quy định phạm tội chưa thành niên”

Đó là ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bên lề Quốc hội ngày 28/11.

“Tuổi bị xử lý hình sự luôn ở những lứa tuổi khác nhau, vì con người luôn có sự phát triển. Do đó, chế tài với những hành vi phạm pháp trong thanh - thiếu niên, theo tôi tuổi để xử lý nghiêm thì độ tuổi quy định trong luật cũng phải được hạ xuống”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, thủ phạm thực sự ra đầu thú là Lý Nguyễn Chung phạm tội khi mới 15 tuổi (năm 2003) và tình trạng trẻ hóa tội phạm hiện nay trong các vụ án như cướp tài sản của lái xe taxi, hay mâu thuẫn bột phát trong thanh - thiếu niên ở các làng, xã ven đô, các đối tượng vị thành niên cũng dùng dao kiếm để giải quyết thù tức, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Cần phải xem cái gốc của vấn đề này nằm ở chỗ nào. Tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia về pháp luật, họ xác định gốc của vấn đề nằm ở chỗ trong tình hình chung của xã hội những năm gần đây đạo đức xã hội bị xuống cấp. Việc cải cách giáo dục chưa hiệu quả, thì tình trạng xuống cấp chung của xã hội cộng với chưa đổi mới giáo dục nên tác động vào số thanh - thiếu niên hư.

Thêm vào đó là kinh tế thị trường luôn rủi ro, khoảng cách giàu nghèo lớn. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, họ giải quyết bằng các chính sách an sinh xã hội, nên những người bị rủi ro trong kinh tế thị trường như thất nghiệp, mất việc, vấn đề an sinh của con em họ khá tốt. Nhưng chúng ta còn nghèo, nên khi phá sản, mất việc, thất nghiệp, thua lỗ trong làm ăn dẫn đến nợ nần dễ dẫn đến bản thân những người đó và con em họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Và khi đó vấn đề tâm sinh lý, nhận thức tư tưởng bị ảnh hưởng. Trên đây là những nguyên nhân chung dẫn đến việc tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên gia tăng.

Phải chăng do pháp luật xử lý đối với các đối tượng phạm tội ở lứa tuổi này còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe thưa ông?

Vấn đề này tôi đã nhiều lần đề nghị. Ở các nước trên thế giới luôn có sự điều chỉnh việc xử lý phạm pháp trong thanh thiếu niên cho phù hợp với điều kiện phát triển tâm sinh lý của xã hội. Tuổi bị xử lý hình sự luôn ở những lứa tuổi khác nhau, vì con người luôn có sự phát triển. Do đó, chế tài với những hành vi phạm pháp trong thanh - thiếu niên, theo tôi tuổi để xử lý nghiêm thì độ tuổi quy định trong luật cũng phải được hạ xuống và phải bàn bạc kỹ. Đây là một trong những vấn đề cần phải bàn bạc, thảo luận kỹ trước khi quyết định.

Trong nhiều vụ án liên quan đến “đòi nợ thuê” hiện nay thì các đối tượng tham gia ở độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ không ít, ông nhận xét như thế nào về hiện tượng này?

Theo tôi, phải dẹp bỏ đòi nợ thuê, không cho phép hoạt động. Trước hết, khi đã xác định nợ, nếu hai bên mà không thống nhất được thì có cơ quan xét xử đó là Tòa án. Chỉ có cơ quan này mới biết rõ vấn đề nợ hay không, trên cơ sở pháp lý nào… giữa các bên để phân xử. Nếu để đòi nợ thuê tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng bất chấp pháp luật và gây ra những hệ quả khôn lường.

Tình trạng lạm dụng, lợi dụng đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thiếu nợ. Bởi lẽ, mặc dù thiếu nợ, nhưng người ta vẫn có một số quyền hợp pháp do luật định. Quyền đó được pháp luật che chở và Tòa án là cơ quan xử lý.

Tại nhiều nơi trong đó có Hà Nội đã xảy ra một số vụ đòi nợ thuê mang tính chất cưỡng đoạt tài sản, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có những vụ giá trị tài sản cho vay thấp, nhưng tội phạm đã lợi dụng để gây ra những vụ xiết nợ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Ông có thể đưa ra cảnh báo gì sau những vụ việc trên?

Cần xem lại cấp nào quản lý lĩnh vực này và Nhà nước cần nhanh chóng có quy định cụ thể để dẹp tình trạng đòi nợ thuê. Cách làm này vi phạm pháp luật và quyền con người, là hiểm họa xảy ra tội phạm. Tôi đề nghị cần sớm có quyết định xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê.

Ông có suy nghĩ sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo ở Quốc hội không?

Trước hết, tôi sẽ kiểm tra lại việc giải quyết thực trạng này thì thẩm quyền nằm ở đâu. Nếu thẩm quyền thuộc về Bộ, ngành hoặc cấp Chính phủ, tôi sẽ có ý kiến tới các cấp đó để họ xem xét. Nếu liên quan đến luật, tôi sẽ kiến nghị sửa luật.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại