Mũ bảo hiểm bị nhái “trợ giá”
Hưởng ứng chiến dịch tuyên truyền về sử dụng MBH đúng chất lượng, tại Hà Nội chỉ có 2 DN tham gia đổi MBH cho người dân thủ đô là Á Long và Chí Thành với 12 điểm đổi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, ngày 6.4 hai DN này tiếp tục tăng thêm điểm đổi tại Hà Nội, số điểm đổi tăng lên hơn 100 điểm để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận được MBH chất lượng.
Cùng đó để đáp ứng nhu cầu đổi MBH của người dân các địa phương lân cận tại miền Bắc, nhiều DN như Protec, Samec, Hitech... đã tham gia đổi MBH cho người dân tại các địa phương là Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng... Bước đầu việc tuyên truyền về đội MBH đạt chất lượng đối với người dân đã đạt hiệu quả nhất định.
Nhiều người đã ý thức được trách nhiệm của việc sử dụng MBH đạt chất lượng khi tham gia giao thông. Qua khảo sát tại Hà Nội, phần lớn các cửa hàng bán MBH đều ghi rõ là hàng chính hãng và một số cửa hàng đề biển “trợ giá”.
Hầu hết các MBH được bày bán có đủ tem hợp quy, nhãn mác của các nhà sản xuất nhưng chất lượng thì cũng rất đáng ngờ. Kiểm tra bằng mắt thường và tay sẽ thấy vỏ mũ rất mềm và mỏng nhưng đều được chủ hàng khẳng định đó là hàng chính hãng.
Một cửa hàng treo biển trợ giá tại Hà Nội.
Ngoài chất lượng đáng ngờ ra thì giá cả cũng rất mập mờ, nhiều loại MBH có giá từ 150.000đ-280.000đ được chủ hàng ghi rõ “Hỗ trợ giá từ 30k-70k” nhưng thực tế khi mua tại các cửa hàng kinh doanh MBH khác cũng chỉ ở giá đó mà không cần trợ giá.
Theo chị Thu Thủy ở phố Khâm Thiên (HN), thấy cửa hàng đề biển hàng chính hãng và “trợ giá” chị vào mua một chiếc mũ với đầy đủ tem nhãn mác như khuyến cáo của cơ quan chức năng với giá 170.000đ và đã được trợ giá 50.000đ nhưng khi về nhà kiểm tra kỹ thì nó giống y hệt chiếc MBH mà chồng chị đã mua trước đó chỉ có giá 175.000đ.
Việc mập mờ về hỗ trợ giá này thực chất là việc đánh lừa người tiêu dùng, cơ quan QLTT cần phải kiểm tra và xử phạt nghiêm những cửa hàng trá hình này.
“Một người đạp ga, 3 người đạp thắng”
Tuy nhiên, việc hỗ trợ người dân đổi MBH tại HN đang gặp nhiều bất cập như: Nhiều cửa hàng không nằm trong chương trình của UBATGT QG cũng đăng biển đổi mũ, giá cả MBH bị các nhà buôn tự nâng giá mà không có cơ chế giám sát giá cả này.
MBH kém chất lượng (không hợp quy, hợp chuẩn) đã bị các nhà buôn trộn lẫn với MBH đạt chất lượng để bán cho người dân, chất lượng MBH chưa được giám sát chặt chẽ, một số thương hiệu MBH có cấp giấy chứng nhận hợp quy nhưng khi lưu thông trên thị trường thì không đạt và chưa có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Theo đại diện Cty SX MBH Chí Thành thì hiện nay người tiêu dùng chỉ biết các cơ quan QLTT không kiểm soát chặt chẽ để dẫn đến tình trạng trên. Thực chất, nếu tiếp tục quản lý như hiện tại thì cho dù lực lượng QLTT có tăng gấp 10 lần cũng ko thể giải quyết được vấn đề chất lượng một cách căn bản, mà vẫn tiếp tục theo kiểu “một người đạp ga, 3 người đạp thắng”.
Nhiều câu hỏi đặt ra là liệu sắp tới đây người tiêu dùng có thể tin tưởng vào chất lượng MBH đã được “chứng nhận hợp quy”? và các cửa hàng chính hãng là chính hãng gì? Trong khi đó, theo quy định thì QLTT chỉ kiểm tra khi cơ sở kê khai sai về giá ở mức chênh lệch lớn (trên 70%) thì mới kiểm tra.
Trong thời gian tới thông tư 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy có hiệu lực thì nhu cầu MBH sẽ trở nên rất cao, nếu các vấn đề này không được kiểm soát thì sẽ gây nhiều bất lợi cho người tiêu dùng.
Như vậy người tiêu dùng phải trả giá quá cao cho việc sở hữu một chiếc MBH, người tiêu dùng mua phải hàng giả hàng kém chất lượng. Do vậy, các cơ quan chức năng phải đặc biệt quan tâm và có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn nữa trong việc kiểm soát giá cả và chất lượng MBH để mang tới lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.