Lý do khiến Trung Quốc sớm muộn sẽ phải rút lui

Đó là cuộc họp báo của Hội Luật gia Việt Nam diễn ra chiều 9/5 nhằm đưa ra Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.

Tham dự có lãnh đạo hội này và ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cho biết đang cân nhắc gửi Tuyên bố tới Hội Luật gia Trung Quốc để bày tỏ phản ứng. Hội luật gia đôi bên hàng năm vẫn có sinh hoạt chung.

Tương tự nhưng động thái cấp ngoại giao, Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam cũng khẳng định: Cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có “sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”…

Những động thái tích cực này đang góp phần vào một sức ép chung về đối ngoại, buộc Trung Quốc phải xem xét lại hành động của mình. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giàn khoan HD-981 trị giá tỷ đô-la chỉ là phương tiện cho những mục đích sâu xa của Trung Quốc. Và khi đạt được, thậm chí không, họ sớm muộn cũng phải rút “quân” về nhà trước áp lực quá lớn từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Biển sâu, hút dầu không dễ

Một thông tin ít người chú ý tại buổi họp báo quốc tế được Bộ Ngoại giao tổ chức hôm 7/5 là các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực dầu khí mà đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nêu.

Tổng giám đốc Tập đoàn - ông Đỗ Văn Hậu nói trước báo giới Việt Nam và quốc tế: “Khu vực mà Trung Quốc định hạ đặt giàn khoan nửa nổi nửa chìm có mực nước rất sâu, khoảng 1.000-1.100m. Tiềm năng dầu khí ra sao thì chúng tôi trước đây đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát. Thậm chí, ngay từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã làm. Tuy nhiên, tiềm năng đó đến nay chưa được đánh giá kỹ bởi vì vùng nước quá sâu trong khi thiết bị công nghệ chưa đáp ứng được. Việt Nam vẫn triển khai khảo sát, khoan thăm dò ở các vùng biển nông hơn”.

“Nhưng dù có tiềm năng thương mại thì Trung Quốc cũng không dễ dàng gì mà thăm dò, khai thác được ở một khu vực như vậy. Chúng tôi không tin rằng trong một tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở chỗ này”.

Lý do khiến Trung Quốc sớm muộn sẽ phải rút lui 1
Hành vi hung hăng của tàu Trung Quốc.

Toan tính để “nắn gân”

Trả lời báo giới trong cuộc họp báo của Hội Luật gia Việt Nam chiều nay, ông Trần Công Trục - nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định về việc Trung Quốc xuống giọng đòi đàm phán với điều kiện Việt Nam rút hết tàu về: “Vị trí HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm. Vùng này hoàn toàn của chúng ta nên lực lượng hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”.

Ông Trục cho rằng, Trung Quốc đã lựa chọn, toan tính thời điểm rất phù hợp để thực hiện hành động ngang ngược này. “Họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra. Như thế, vấn đề Biển Đông không phải quan tâm số một nữa nên họ lợi dụng “nhảy vào”. Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, họ dựa vào thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò. Đó là sự tính toán của Trung Quốc mà ta phải lưu ý”.

Clip: TS Trần Công Trục trả lời về vụ giàn khoan TQ

TS Trần Công Trục trả lời độc giả.

Nhưng mục đích của việc xâm phạm này là gì? Toan tính này liệu có đi đến một cuộc xâm lược trắng trợn trên biển? Theo nhiều bình luận trên truyền thông quốc tế, Trung Quốc chỉ đang “thử” Việt Nam giống như đã làm với Philippines vụ bãi cạn Scarborough tranh chấp suốt từ 2012 và đi đến kiện tụng vào đầu năm 2014.

Khi đó Trung Quốc cũng đề nghị Philippines rút hết tàu về để giải quyết tranh chấp. Yêu cầu này lại được lặp lại ngày hôm qua đối với Việt Nam. Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn dư luận quốc tế hiểu, các vùng biển thuộc đặc quyền của các quốc gia Đông Nam Á thực chất đang là khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam không dễ mắc bẫy này, đúng như khẳng định của ông Trần Công Trục: “Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán”.

Và khi “nắn gân”, đánh lừa không được, Trung Quốc sẽ sớm lui “quân” để tính các phương án khác. Toan tính này cũng được Hoa Kỳ nhìn rõ. Hành động đơn phương" của Trung Quốc dường như là một phần trong cách hành xử tổng thể của nước này nhằm yêu sách chủ quyền theo cách có thể gây hại cho hòa bình và ổn định của khu vực", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói hôm 8/5. Trước đó, AFP cũng dẫn lời bà này hôm 6/5 khẳng định: “Quyết định của Trung Quốc về việc đưa giàn khoan dầu của họ đến khu vực này là một hành động vô ích và khiêu khích”.

Phép thử

Qua các thời kỳ, vị trí địa chính trị của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á vẫn cực kỳ quan trọng. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, Việt Nam làm bạn với tất cả các nước, quan hệ chiến lược với Nga, Trung Quốc từ lâu và mới nâng tầm quan hệ đối tác với Hoa Kỳ năm ngoái. Ngoài “nắn gân” Việt Nam và cộng đồng ASEAN, Trung Quốc thể hiện rõ ý đồ “thăm dò” thái độ của các “đại gia” khác như Mỹ, Nga – vốn là đối trọng của Trung Quốc trong cuộc đua khẳng định vị trí dẫn đầu trên bàn cờ chính trị thế giới.

Kinh tế của Trung Quốc đang nhăm nhe soán ngôi số 1 của Mỹ, tuy nhiên, tiềm lực quân sự và kinh nghiệm va chạm ở các vùng nóng không thể bì kịp Mỹ với các chiến trường Iraq, Afghnistan; hay như Nga với dấu ấn ở Nam Ossetia và Ukraine. Nhìn vào thực tế, Trung Quốc rất lâu rồi không “va chạm mạnh” với ai để khẳng định vị thế như Mỹ, Nga. Nhưng Trung Quốc cũng không có ý định “thử” điều đó với khu vực nhạy cảm như Đông Nam Á vốn được cả 2 đối trọng kia rất quan tâm.

Do đó, động thái hung hăng vừa diễn ra, theo giới quan sát quốc tế, ngoài là chiêu trò cũ gây rối về chủ quyền biển đảo, Trung Quốc còn muốn thực hiện một phép thử với Nga và Mỹ.

Cũng sợ chiến tranh

Đối trọng Mỹ - Liên Xô đã kết thúc từ lâu. Nhiều người nghĩ chính quyền Hoa Kỳ đang bá chủ thế giới, khuynh loát mọi diễn biến chính trị ở mọi khu vực. Song thực tại đã khác, kể cả có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NATO và các đồng minh mới, tiếng nói của Mỹ bây giờ không thể át nổi âm thanh từ điện Kremlin, đặc biệt từ khi Putin lên nắm quyền. Trong cuộc ganh đua vị thế đó, Trung Quốc cũng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự.

Theo các thống kê hàng năm của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ, Nga. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc cũng là khách hàng lớn của Nga về nhập khẩu vũ khí. Nỗ lực hiện đại hóa, tự chủ về công nghệ quốc phòng của Bắc Kinh chưa thực sự gây được nhiều chú ý ngoài sân bay Liêu Ninh không quá hiện đại, uy dũng.

Và trong thế Nga – Mỹ - Trung hiện tại, không một nước nào muốn dấn thân vào một cuộc chiến kéo dài với các quốc gia có sức mạnh quân sự đáng kể và nhiều kinh nghiệm chiến tranh như Việt Nam, Triều Tiên. Nếu cố lao vào, họ sẽ bị hai đối thủ còn lại bỏ xa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại