Bài viết độc quyền của PGS.TS Đặng Anh Đào về phu nhân tướng Giáp

PGS-TS Đặng Anh Đào |

(Soha.vn) - PGS, TS. Đặng Anh Đào nhớ lại: "Tôi phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội mà không có chị Hà. Vậy là anh Văn đã lấy mất chị Hà của chúng tôi!".

LTS: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một thiên tài quân sự, người con ưu tú của dân tộc đã và sẽ còn là nhân vật chính trong nhiều chủ đề nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Nhưng phu nhân của ông, GS Đặng Bích Hà (con gái của cố GS Đặng Thai Mai) - người đứng sau cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng - lại ít xuất hiện dù không ít người muốn giải mã vai trò thầm lặng của bà.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu - trận quyết chiến chiến lược mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng vai trò sống còn - Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ THẦM LẶNG PHÍA SAU TƯỚNG GIÁP.

Bài 1: Xúc động chuyện "2 quả trứng trong bữa cơm của Tướng Giáp"

Bài 2: Những câu chuyện khó quên về phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bài 3: Cảm động câu chuyện về phu nhân và con gái riêng của tướng Giáp

Vợ chồng PGS, TS Đặng Anh Đào và Trung tướng Phạm Hồng Sơn (Ảnh: trang bìa tập hồi ức “Nhớ và quên”)
Vợ chồng PGS, TS Đặng Anh Đào và Trung tướng Phạm Hồng Sơn (Ảnh: trang bìa tập hồi ức “Nhớ và quên”)

PGS-TS Đặng Anh Đào là em gái của bà Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Đặng Anh Đào cũng là vợ của Trung tướng, GS. Phạm Hồng Sơn - nguyên PGĐ Học viện Quốc phòng. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà Đặng Anh Đào:

Về cuộc tình duyên giữa chị Hà và anh Giáp, có lẽ tôi là người ít hiểu biết nhất trong số bốn cô em gái. Vì thời gian gần chị luôn bị đứt quãng bởi chiến tranh – ngay cả khi ở Hà Nội, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai. Khi ấy chồng tôi ở chiến trường, tôi chỉ còn biết xoay xở với việc dạy học và dạy con cho thành người.

Kí ức của tôi luôn gắn với mùi hoa. Bởi vậy, nghĩ đến tình duyên giữa chị cả tôi và anh Văn, tôi luôn thấy thoang thoảng mùi hoa sấu – ngôi nhà 32 Lý Thường Kiệt – và mùi hoa mộc của biệt thự Liễu Trang, Cầu Mới.

Chị Hà giống mẹ tôi một phần về dung mạo, nhưng lại khác về tính cách sôi nổi, chỉ duy có nết hiền hậu là giống mẹ. Chị lại không thiên về nội trợ, chỉ đọc sách và mơ được sống một cuộc đời mạo hiểm, khác với các thiếu nữ thời ấy. Chị mặc “đồ đừm” ( như mẹ tôi thường nói bằng tiếng Nghệ) và khi nói thì hoa tay múa chân, nhún vai, hay hát và đọc thơ tiếng Pháp. Lúc anh Văn từ chiến khu về Hà Nội, chị mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Bac ở Lycée Albert Sarrault, còn chơi trốn tìm với các em.

Anh Văn thỉnh thoảng tới nhà sau bao năm bí mật đi làm cách mạng, trở về với nụ cười sáng ngời, đôi mắt nâu và cặp lông mày “võ tướng”. Thỉnh thoảng anh còn mời cả Bác Hồ tới, có lúc ở lại ăn cơm với món ăn ưa thích là đĩa trứng gà rán. Gần đây, khi anh đã mất, tôi đọc thấy vài nhà báo nói đến thói quen ăn chuối của anh. Thực ra, từ những ngày xưa, món tráng miệng thường xuyên mẹ tôi đưa ra là chuối ăn kèm pho mát…

Ngoài giờ đàm đạo với ba tôi, anh lại đến ngồi nói chuyện với chị Hà đang ngồi đọc sách. Tôi không quan tâm đến chuyện người lớn. Song tôi rất đắc chí vì anh Văn hay bênh tôi. Tới Hội nghị Đà Lạt, viết thư về, anh còn dặn các chị không được trêu tôi, và dặn tôi “không được buồn, không được lên gác đứng khóc một mình” … Thế rồi đột ngột, trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, tôi phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội, mà không có chị Hà. Vậy là anh Văn đã lấy mất chị Hà của chúng tôi!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà thời trẻ (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà thời trẻ (Ảnh tư liệu)

Trong kí ức suốt bao năm của cuộc kháng chiến, tôi vẫn nghĩ chị cả tôi là vậy: đọc sách, ngâm thơ, thay thế trò phóng xe đạp bằng việc phi ngựa trên đường rừng Việt Bắc. Mãi tới năm 2011, khi tập hợp tư liệu để viết bài về anh Giáp, tôi mới biết ngay từ năm 1946, chị tôi đã đổi khác, đồng hành cùng với anh Giáp như một “nữ bộ đội”. Đấy là một tập Hồi ký của lớp Thiếu sinh quân đầu tiên. Có những đoạn thơ viết về năm 1949 tặng anh Giáp và chị Hà:

 “Anh dành cho chúng em

 Tình thương của chị Hà

Tam Đảo còn nhớ mãi

        Gánh dứa ngọt năm xưa”

Và một mảnh hồi ức khác: “Em còn nhớ (…) chị đã cho chúng em một con bò để bồi bổ sức khỏe… Khi chị bắt tay, để tỏ lòng kính trọng, chúng em đã cúi đầu xuống. Thấy vậy, chị bảo ngay: các em không được cúi đầu mà phải đứng thẳng, ngửng đầu lên mà bắt tay! (…) Chúng em hứa với chị là luôn ngẩng đầu lên mà đi, mặc dù bây giờ ngẩng cao đầu không phải là dễ…( Bài này được viết năm 2004, của một cụ “thiếu sinh quân” hiện còn sống ở Thái Nguyên)…

Cho đến tận năm 1951, tôi lại đi bộ với guốc gỗ lọc cọc theo gia đình lên ATK. Chỉ vẻn vẹn mấy ngày, tôi chỉ kịp thoảng thấy anh trên chiếc jeep mui trần khi qua Hòa Bình, nhờ ánh trăng mà có thể vẫy tay chào giữa đoàn người hành quân ra trận mạc… Tôi cũng còn kịp ở lại mấy ngày bên chị Hà lúc ấy đã bận bịu vì đứa con gái đầu lòng. Lờ mờ nhớ lại một căn nhà nhỏ bằng tre nứa, khi rửa chân phải xuống những bậc thang, khoắng chân vào lạch của khe nước trong vắt chảy xiết. Đó là một ngôi nhà hạnh phúc, mỗi khi anh cưỡi ngựa từ binh trạm gần nhất của đơn vị, trở về sau chiến dịch.

Những ngày vẻ vang, cũng như gian khổ - cả về tinh thần - chị đã là chỗ dựa khiến anh không bao giờ gục ngã (dẫu là Đại tướng đi chăng nữa!)… Khi anh đang hấp hối, con trai tôi đã gọi điện bảo tôi đến bên chị, vì con cháu đã đưa chị rời khỏi Bệnh viện Quân đội 108.

Vào lúc hơn 6 giờ tối ngày 4 tháng 10, chỉ còn tôi và chị ở ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Thấy tôi, đột nhiên chị nắm chặt tay tôi, lau nước mắt. Rồi chị hát, hát những bài tiếng Pháp thật hay (dẫu giọng chị thuộc loại “ vịt đực”), có lẽ là những bài chị thường hát cho anh nghe trước đây… Đúng vào giờ ấy, anh tắt thở, trong bệnh viện. Tôi cũng đã khóc và hát cùng chị. Chồng tôi cũng đã mãi mãi ra đi trước đó 59 ngày. Rồi họ sẽ gặp nhau, gặp Bác Hồ cùng đồng đội, không bao giờ cô đơn. Chị tôi giờ đây lại một lần đổi khác, lặng lẽ không nói, đôi khi, chị chỉ hát những bài hát xưa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại