Lương cao cũng không hết tham nhũng
Lương thấp khiến cán bộ "nhũng nhiễu" dân, vậy nếu "cắt" được 1/3 công chức "cắp ô" thì có khiến lương tăng và tham nhũng giảm? - Độc giả Phan Hưng Duy (17 tuổi) đặt câu hỏi cho Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH.
Ông Lê Như Tiến nhận định lương không đảm bảo đời sống khiến công chức "chân ngoài dài hơn chân trong", lấy phụ làm chính, nhũng nhiễu, tham nhũng...
"Nhưng không phải cứ lương cao là hết tham nhũng", ông Tiến nói. "Vì thực tế những kẻ tham nhũng thường có chức, quyền và lương không hề thấp, thậm chí 'lương khủng', nhưng họ vẫn tham nhũng do lòng tham vô đáy, không giới hạn. Lòng tham đã ngự trị thì không biết bao nhiêu là đủ".
Giảm 30% công chức "cắp ô" là một giải pháp nhưng không phải duy nhất, cần nhiều biện pháp đồng bộ: pháp luật nghiêm minh, không tạo kẽ hở cho tham nhũng, tuyển chọn, đề bạt cán bộ cho đúng là công bộc của dân...
"Thuốc đặc trị" cho "bệnh nan y" tham nhũng, theo ĐBQH Lê Như Tiến, trước hết là hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Với luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Ban chỉ đạo TƯ do Tổng bí thư đứng đầu, Ban Nội chính được thành lập, theo ông Tiến là đã cơ bản hoàn thiện từ pháp luật đến tổ chức bộ máy, vấn đề còn lại là khâu thực hiện.
"Người cắt thuốc và người cho uống thuốc chính là các cơ quan bảo vệ pháp luật: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", ĐB Quảng Trị nhận định một số án tử hình được tuyên cho tội phạm tham nhũng gần đây thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước.
Đảng viên sao vẫn "chủ nghĩa cá nhân"
"Cán bộ đều học lý luận chính trị, sao vẫn còn 'chủ nghĩa cá nhân' dẫn đến tham nhũng" là thắc mắc của độc giả Trần Đức (56 tuổi).
ĐB Lê Như Tiến nhận định đó là khoảng cách giữa kiến thức với nhận thức và hành vi. Học hành bài bản nhưng không trau dồi đạo đức, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm lẽ sống như Bác Hồ nói "cán bộ là đày tớ, công bộc của dân" thì họ dễ vì quyền lợi cá nhân mình chứ không vì dân.
Cán bộ lãnh đạo cũng phải là những tấm gương sáng cho cấp dưới, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh bài học cán bộ của thời kỳ chiến tranh, bao cấp, khi đời sống khó khăn, cực khổ, thiếu thốn nhưng cán bộ đều liêm khiết, chí công vô tư, tận tụy, thực sự lo trước dân, hưởng sau dân.
"Cử tri và nhân dân không giám sát được tài sản của cán bộ, công chức. Kê khai mà không công khai thì không còn ý nghĩa", ông Tiến chỉ ra vụ Dương Chí Dũng là ví dụ cho thấy không kịp thời phát hiện tham nhũng do không công khai tài sản cán bộ.
ĐB Quảng Trị cũng cảnh báo hiện tượng chuyển tài sản cho người thân, con trai, con gái vị thành niên đã nắm giữ số tài sản lớn gồm ô tô, biệt thự, đất đai, cổ phiếu...
"Có nhất thiết hy sinh một thế hệ cán bộ để làm lại từ đầu cho lớp cán bộ mới?" là trăn trở của độc giả Phạm Đức Toàn (20 tuổi) về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến nhận định phòng chống tham nhũng không phải là hy sinh như vậy mà là loại bỏ những con sâu mọt đục khoét tài sản quốc gia khỏi bộ máy.
"Trong bộ máy công quyền có rất nhiều người tốt, hết lòng vì nước vì dân. Trong ruộng lúa bao giờ cũng có cỏ dại, ta phải nhổ cỏ dại để lúa tốt hơn", ĐB Quảng Trị nói.