>> NGUYÊN CTN, ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH: ĐỂ MẤT LÃNH THỔ LÀ TỰ SÁT
>> Hải chiến Trường Sa: 12 bức ảnh Trung Quốc tự vạch mặt mình
>> Gạc Ma 26 năm sau Hải chiến Trường Sa: Những hình ảnh gây phẫn nộ
LTS: Ngày 14/3/1988 đã trở thành một phần của lịch sử khi gắn liền với “vòng tròn bất tử” cùng sự hy sinh của 64 chiến sỹ ở đảo Gạc Ma và những người lính đã ngã xuống để giữ bình yên cho Tổ Quốc. Chỉ một tháng sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ra thăm Trường Sa và đọc lời thề giữ biển:
"Đảo Trường Sa, ngày 7/5/1988
“Hôm nay nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân Dân Việt Nam,…Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ Quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa- một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc thân yêu của chúng ta !”- xin thề ! xin thề ! xin thề !"
Để hiểu hơn về sự kiện lịch sử đó, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng. Sau đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.
PV: Thưa Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, cảm xúc của Thiếu tướng trong những ngày tháng 3 này như thế nào khi nhớ về Hải chiến Trường Sa năm 1988? Ngày 14/3/1988 có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời binh nghiệp của ông?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Từ ngày 14/3/1988 đến nay đã 26 năm xảy ra việc hải quân Trung Quốc chiếm mấy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, cuối năm 1977, Trung Quốc đã có nhiều tàu giả dạng đi thám thính. Đến đầu tháng 3/1988, họ đã cho hải quân đổ bộ lên chiếm một số bãi đã ngầm như Chữ Thập, Châu Viên. Đến 13/3, Hải quân Việt Nam nhận thấy trong tình hình đó, Trung Quốc có khả năng đánh chiếm những bãi đá ngầm chưa có quân đóng.
Lúc đó, bãi đảo Gạc Ma nằm trong bãi đảo Sinh Tồn – trung tâm của quần đảo Trường Sa – vị trí mà nếu ra thì có thể ra đảo Chữ Thập và vào thì có thể vào cảng Cam Ranh của Việt Nam. Nhận thấy điều đó, Hải quân Việt Nam đã cho công binh lên đó để cắm cờ, đưa lực lượng lên đóng giữ… Về phía Trung Quốc, trước khi lên, họ nói là đất của họ và Việt Nam phải rút quân. Nhưng các chiến sỹ của ta đáp lại rằng: Đây là đất của chúng tôi.
Trong lúc hai bên đấu khẩu như vậy, họ đã cho tàu ra giật cờ Việt Nam. Sau đó họ đã bắn vào những chiến sỹ của ta. Ngoài ra, họ còn bắn chìm tàu 604 và 605 là hai tàu vận tải của ta không có súng, không hề gây hấn với họ, chủ yếu làm nhiệm vụ đưa người và vật liệu lên đảo Gạc Ma. Rõ ràng đó là một sự gây hấn của Hải quân Trung Quốc. Họ không tuyên chiến và không có hành động gì chứng tỏ đó là một người bạn. Việt Nam không bất ngờ nhưng không nghĩ rằng họ lại có hành động điên cuồng và dã man như thế.
Lúc đó, tôi đã rời tham mưu Hải quân về công tác tại Trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật Hải quân. Nghe chuyện đó, tôi rất căm phẫn với hành động của họ.
Hàng năm, cứ đến ngày 14/3, trong tôi vẫn có cảm xúc đặc biệt. Đó là bài học lịch sử, chúng ta không được quên. Chúng ta nhắc lại không phải để gây hận thù mà để nhắc nhở với những người Việt Nam rằng luôn luôn phải tỉnh táo, luôn phải có biện pháp đấu tranh để tình hữu nghị ngày càng phát triển, thức tỉnh những đầu óc "sôvanh" dân tộc hẹp hòi. Còn với người Việt Nam, nhắc lại để nhớ đó là xương máu của những người Việt Nam đã đổ để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
PV: Khi hay tin về Trường Sa năm 1988, cảm xúc của những người lính trong Hải quân Việt Nam như thế nào và cảm xúc của ông khi ấy ra sao?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đồng đội của tôi cũng sôi sục căm thù, tự dưng có người giết đồng đội của mình thì làm sao không căm thù được? Lúc đó, ngay tại nơi công tác, tôi biết có những phong trào tình nguyện ra Trường Sa và sẵn sàng ra để bảo vệ Trường Sa. Tinh thần đó đến nay vẫn như thế, cả nước vì Trường Sa. Trong lòng người dân Việt Nam và nhất là thế hệ trẻ Việt Nam, chuyện đó không bao giờ có thể quên được.
PV: Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên ra thăm Trường Sa chỉ sau 1 tháng xảy ra cuộc chiến tại đảo Gạc Ma. Ông muốn nói gì về việc làm đó của Đại tướng Lê Đức Anh?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Hành động đó nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam quyết tâm bảo vệ Trường Sa. Việc một vị Ủy viên Bộ Chính trị ra thăm Trường Sa và đọc lời thề giữ đảo thì đó không chỉ là quyết tâm của một người mà là quyết tâm của cả một đất nước, một dân tộc. Đó cũng được coi như một lời cảnh báo đối với những kẻ có tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông và chiếm Trường Sa của Việt Nam.
PV: Có ý kiến cho rằng, để tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma, chúng ta nên lấy tên của 64 chiến sỹ đặt tên cho 64 con đường ở Việt Nam. Chuẩn Đô đốc có kiến như thế nào về ý tưởng này?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Sự hy sinh của những anh em ở Trường Sa cũng như hy sinh ở bất kỳ nơi nào trên đất nước này để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước đều có ý nghĩa, giá trị như nhau, đáng trân trọng và được ghi nhớ.
Việc vinh danh những anh em đã hy sinh ở đảo Gạc Ma là đúng và phải làm. Việc đặt tên đường cho những chiến sỹ đã hy sinh đó là một ý tưởng nhưng làm thế nào để hài hòa với những anh em khác đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chống Khmer đỏ ở Tây Nam, chống cuộc xâm lược ở phía Bắc năm 1979. Người Việt Nam hy sinh nhiều nhưng chúng ta đến nay vẫn chưa tìm ra hết những người đã hy sinh, chưa tìm ra hết danh tính của những đồng chí đó.
PV: Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng ví hình ảnh đất nước Việt Nam như bà mẹ lưng còng quay ra biển, còn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chính là phên giậu che sương gió cho người mẹ đó. Dưới góc độ của một nhà quân sự, xin ông phân tích cụ thể hơn vai trò của Hoàng Sa và Trường Sa đối với Việt Nam?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đó là một cách suy nghĩ nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam lưng tựa vào Trường Sơn, mặt quay ra biển. Nhân dân Việt Nam luôn vươn tay ra biển để sống. Biển Đông là môi trường sống còn của người Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Lịch sử của Việt Nam cho mãi đến thời Bảo Đại vẫn có những sắc lệnh, quyết định đưa người giữ gìn, quản lý, khai thác Hoàng Sa. Bây giờ Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa nên chúng ta phải tìm cách đòi lại.
Còn ở Trường Sa, chúng ta đang quản lý 21 đảo cả chìm và nổi với 33 điểm nên chúng ta phải cố gắng giữ gìn cho bằng được. Đó là trung tâm Biển Đông, nó giữ một vị trí chiến lược. Và chính vì là một vị trí chiến lược cho nên Trung Quốc bằng mọi giá đã chiếm cho được Hoàng Sa. Chúng ta có giữ vững Trường Sa thì mới giữ vững chủ quyền của mình tại biển Đông. Mà Biển Đông đối với Việt Nam mang ý nghĩa sống còn chứ không phải là lợi ích cốt lõi nữa.
Cảnh chào cờ tại Trường Sa (Ảnh: Mai Thanh Hải)
PV: Là một vị tướng Hải quân, xin Thiếu tướng có thể chia sẻ đôi điều về tình cảm của mình dành cho Hoàng Sa và Trường Sa – mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tôi luôn nghĩ về Trường Sa và hướng về Trường Sa. Tôi rất cảm kích khi các thành phố, địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đầu tư cho Trường Sa một cách sớm nhất và nhanh nhất. Đó là điều rất đáng trân trọng. Với những người lính như chúng tôi kể cả đã về hưu rồi vẫn luôn hướng về Trường Sa. Tôi thấy những phong trào như góp đá xây dựng Trường Sa, vì Trường Sa thân yêu.. hết sức đáng trân trọng và phải làm nhiều hơn nữa.
PV: Theo Thiếu tướng, để “phên giậu” Trường Sa và Hoàng Sa vững chắc hơn nữa, trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Hoàng Sa hiện nay đã bị Trung Quốc chiếm mất. Còn Trường Sa thì đang có sự tranh chấp của nhiều bên trong đó, tôi nghĩ rằng tranh chấp quyết liệt nhất và gay go nhất là với Trung Quốc. Cái mà họ gọi là “đường lưỡi bò” chủ yếu là tuyên bố chủ quyền ở các đảo ở Biển Đông mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa. Sự tranh chấp đó lúc lắng dịu, âm thầm nhưng nhiều lúc rất quyết liệt.
Chúng ta phải tìm mọi cách để củng cố và xây dựng Trường Sa. Lực lượng đóng giữ ở Trường Sa là lực lượng chủ yếu nhưng đơn thuần chỉ có lực lượng đó thì khó khi mà có những kẻ đang thèm khát nó. Chủ yếu phải là lực lượng đặc biệt từ bờ chi viện ra để đánh trả những lực lượng tàu đổ bộ, tàu phong tỏa của kẻ địch...Cái chính là bằng mọi biện pháp là bằng nhiều biện pháp cả quân sự, cả ngoại giao, chính trị làm thế nào để tạo thành sức mạnh tổng hợp để giữ Trường Sa cũng như giữ vững chủ quyền ở Biển Đông.
(còn nữa)