>> Gặp những người lính trong trận hải chiến Trường Sa 1988 (Kỳ 1)
>> Hải chiến Trường Sa 1988: Bất tử trên đảo Gạc Ma (Kỳ 2)
Khi tạm biệt người vợ vừa cưới ra đi, chỉ đến lúc lên tàu anh Lê Văn Đông cùng các đồng đội mới được biết nhiệm vụ của các anh là đi đóng giữ ba đảo đá quan trọng của Trường Sa.
Khi lính Trung Quốc bắt đầu đổ bộ lên Gạc Ma và uy hiếp chiến sĩ trên đảo, những người ngoài tàu, trong đó có anh Đông, được lệnh vẫn bình tĩnh, kiên quyết làm tiếp nhiệm vụ bốc xếp vật liệu xuống các xuồng nhôm để chở vào đảo.
Khi nghe tiếng súng nổ ở đảo Gạc Ma, các chiến sĩ dồn sang một bên boong tàu nhìn bất lực, trong tay không có vũ khí. Lúc này Trung Quốc cho các xuồng nhỏ chạy quanh tàu Việt Nam gọi loa xua đuổi, đe dọa bắt tàu rời khỏi khu vực đảo. Chỉ sau đó ít lâu, tàu bị dập pháo mù mịt.
Nhiều chiến sĩ đang bốc xếp hàng trên boong trúng đạn tử thương tại chỗ. Anh Đông bị thương. Chỉ được vài phút con tàu gần như bị phá hủy và bắt đầu chìm. Nhiều chiến sĩ, hoặc bị bắn rơi, hoặc chủ động nhảy xuống biển. Anh Đông cũng nhảy xuống. Như anh kể, lúc tàu nghiêng xuống và chìm dần, áp lực nước đẩy anh và một số người ra xa.
"Tàu to và chìm quá nhanh. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Khi nhảy xuống biển, nhìn sang xung quanh thấy anh em thương vong, vẫy vùng, nhiều người không biết bơi. Tôi uống đầy bụng nước, sờ tay lên mặt và người đầy máu. Tiếng súng nổ, tiếng la hét hỗn loạn. Nhiều anh em khóc. Tôi lúc đó cũng hoang mang và tủi thân, nghĩ chắc chắn mình sẽ chết. Tôi thầm chào vĩnh biệt ba mẹ, anh em và vợ rồi cũng khóc. Lúc đó thật hoảng loạn", anh Đông kể.
Sau đợt dập pháo, Trung Quốc cho xuồng nhỏ chạy quanh xả AK vào những chiến sĩ đang dập dềnh trên biển. Anh Đông may mắn vớ được một thanh gỗ trôi nổi và một vỏ bao tải gạo phủ lên đầu.
Được một lúc, anh Đông gặp một đồng đội cũng đang ôm một mảnh gỗ. Anh bị thương rất nặng đang hấp hối. Anh thều thào nhờ anh Đông nếu còn sống thì giúp chuyển lời về gia đình anh, nhưng chưa kịp hết câu thì tắt thở. Một tay bị thương tê liệt, một tay ôm mảnh gỗ, anh Đông trôi nổi trên biển nhiều giờ đồng hồ.
Cùng trong nhóm chiến sĩ đang bốc xếp hàng trên boong với anh Đông, nhưng anh Mai Văn Hải không biết bơi. Khi pháo bắn vào, anh Hải và nhiều chiến sĩ người chạy vào trong khoang tìm chỗ trú ẩn, người chạy vào kho vũ khí. Theo lời anh Hải, các anh được trang bị súng AK, nhưng lúc đó toàn bộ súng... đang ở trong kho. Thậm chí có nhiều khẩu được tháo ra lau chùi còn chưa lắp lại. "Vì chúng tôi có định đánh nhau đâu. Toàn lính công binh, chỉ nghĩ đi xây nhà".
Anh Hải nói trên tàu có lực lượng chiến đấu hải quân, sau đó có bắn trả nhưng lực lượng quá mỏng nên bị áp đảo.
Tàu chìm nhanh, anh Hải cùng số chiến sĩ trong khoang nhanh chóng chìm cùng tàu. Nhưng khi nước dồn vào khoang, áp lực nước lại đẩy anh Hải qua cửa sổ trồi lên mặt biển cùng một số đồ đạc. Anh Hải túm được mảnh gỗ và - cũng như anh Đông - trôi nổi trên biển.
Gần giống tình huống của anh Hải, nhưng khốc liệt hơn, anh Nguyễn Văn Thống - khi đó là Tiểu đội trưởng. Anh Thống là một trong những chiến sĩ đầu tiên mang cờ vào đảo. Trước đó, theo lệnh của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, những chiến sĩ biết bơi mang cờ vào trước cắm định vị trên đảo. Anh Thống cùng một số chiến sĩ bơi vào cắm được cờ trên đảo, sau đó anh quay ra nối dây từ đảo ra tàu để kéo xuồng ra vào đảo chở vật liệu.
Khoảng 6h sáng, khi Trung Quốc tấn công, anh Thống lúc đó đang ở trong cabin nấu ăn cho anh em. Pháo bắn trúng tàu, anh Thống bị một mảnh thành tàu (hoặc pháo?) phạt ngang mặt, rồi liên tiếp toàn thân trúng đạn. Khi tàu chìm ngập xuống nước, lật nghiêng, anh Thống cũng bị áp lực nước đẩy bắn ra ngoài qua cửa sổ cabin.
Anh Thống nói, khi tàu chìm và trước đó có nhiều chiến sĩ rơi xuống mặt biển, nhưng họ lập tức bị lính Trung Quốc chạy xuồng xung quanh dùng AK bắn hạ. (Anh Đông phải lấy bao tải đội lên đầu ngụy trang).
"Tôi may mắn (hoặc không may?) hơn anh em khác là lúc đó đang ở trong cabin tàu. Tàu chìm ngập xuống nước rồi tôi mới bị bật lên, nổi lên trên chậm hơn anh em nên lính Trung Quốc không để ý. Hơn nữa, toàn thân tôi bị thương dập nát nên họ cũng tưởng tôi chết rồi nên không bắn nữa", anh Thống kể lại.
Vừa may một mảnh gỗ to trôi gần, anh Thống gắng sức trèo lên đó trôi dập dềnh. Sau đó một chiếc xuồng cao su trôi dạt đến gần, anh với sang nằm ngã gọn trong xuồng, và chính chiếc xuồng đã cứu anh thêm từ một tai họa nữa.
Đạn pháo hay AK của Trung Quốc vẫn chưa phải đã hết. Các chiến sĩ còn phải đối diện với một điều khủng khiếp khác: cá mập. Vùng biển Trường Sa được xác định có khá nhiều cá mập. Anh em lính vẫn bảo nhau đi xuồng nhỏ phải cẩn thận. Những người bị thương tuyệt đối không xuống bơi, ngửi thấy mùi máu chúng tấn công ngay. (Ông Phan Xuân Dạch, thủ trưởng cũ của anh Thống xác nhận đúng vùng biển này nhiều cá mập. Cách đây vài năm một chiến sĩ Trường Sa từng bị cá mập cắn mất một bên chân).
Bản thân anh Thống trong lúc dập dềnh đó cũng suýt bị làm mồi cho một con cá. Nó cố gắng tấn công anh ba lần nhưng chiếc xuồng cao su đã làm vật che đỡ cho anh Thống. Con cá khi không thể cắn đứt chiếc xuồng cao su thì bỏ đi. Ngay sau đó khoảng vài chục phút, anh Thống gặp anh Đông, nhưng chính anh Đông không nhận ra người đồng đội/đồng hương của mình đã bầm dập tơi tả.
Khoảng 5h chiều, Trung Quốc cho tàu nhỏ rà soát vùng biển. Anh Đông, anh Thống và 7 người khác (trong đó có anh Hải) bị Trung Quốc bắt. Đến đêm tàu Việt Nam tiếp cận được khu vực và cứu vớt thêm được một số đồng chí.
Kết thúc biến cố ngày 14/3/1988, Trung Quốc tạm thời chiếm giữ Gạc Ma và Len Đao. Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm án ngữ trên đảo Cô Lin và giữ được đảo này.
Phía Trung Quốc mất 8 binh sĩ. Việt Nam mất 3 tàu vận tải. Ngoài 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, có 64 chiến sĩ hy sinh. Và đau lòng hơn cả, mãi sau này chỉ vài người được tìm thấy hài cốt. Những người còn lại - như anh Thống và anh Lê Văn Dũng nhận định - có thể đã làm mồi cho cá mập.
Vùng biển Gạc Ma một ngày đau đớn, ngập đỏ máu những người con trẻ trung của dân tộc. Đúng hôm nay (27/7/2011), chúng tôi ngồi viết lại những dòng chữ này ghi lại công ơn các anh. Nhân ngày Kỷ niệm Thương binh - liệt sĩ, xin thành kính gửi tới các anh lòng biết ơn và sự tiếc thương vô hạn. Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên các anh và nguyện sẽ tiếp bước các anh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Danh sách 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988
1- Vũ Phi Trừ, quê Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa.
2- Nguyễn Văn Thắng, quê Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình.
3- Phạm Gia Thiều, quê Hưng Đạo, Trung Đồng, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam)
4- Lê Đức Hoàng, quê Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
5- Trần Văn Minh, quê Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An).
6- Đoàn Đắc Hoạch, quê 163 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng.
7- Tạ Trần Văn Chức, quê Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình.
8- Hán Văn Khoa, quê Văn Lương, Tam Thanh, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ).
9 - Trần Văn Phong, quê Hải Tây, Hải Hậu, Hà Nam Ninh (Nam Định).
10- Nguyễn Văn Hải, quê Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
11- Nguyễn Tất Nam, quê Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ Tĩnh.
12- Trần Đức Bảy, quê Phương Phượng, Lê Hòa, Kim Bảng, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).
13- Đỗ Việt Thắng, quê Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hóa.
14- Nguyễn Văn Thủy, quê Phú Linh, Phương Đình, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam).
15- Phạm Hữu Đoan, quê Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình.
16- Bùi Duy Hiền, quê Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
17- Nguyễn Bá Cường, quê Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).
18- Kiều Văn Lập, quê Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội.
19- Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
20- Cao Xuân Minh, quê Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
21- Nguyễn Mậu Phong, quê Duy Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình).
22- Trần Văn Phương, quê Quảng Phúc, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
23- Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Khang, Hoa Lư, Hà Nam Ninh (Ninh BÌnh).
24- Hồ Công Đệ, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
25- Đậu Xuân Tư, quê Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
26- Bùi Bá Kiên, quê Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng.
27- Đào Kim Cương, quê Vương Lộc, Can Lộc, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
28- Phan Tấn Dư, quê Hòa Phong, Tuy hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
29- Nguyễn Văn Phương, quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình.
30- Võ Đình Tuấn, quê Ninh Ích, Ninh Hòa, Phú Khánh (Khánh Hòa).
31- Nguyễn Văn Thành, quê Hương Điền, Hương Khê, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
32- Phan Huy Sơn, quê Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
33- Lê Bá Giang, quê Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
34- Nguyễn Thắng Hải, quê Sơn Kim, Hương Sơn, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
35- Phan Văn Dương, quê Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
36- Hồ Văn Nuôi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
37- Vũ Đình Lương, quê Trung Thành, Yên Thành, Nghệ Tĩnh.
38- Trương Văn Thinh, quê Bình Kiên, Tuy Hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
39- Trần Đức Thông, quê Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình.
40- Trần Văn Phong, quê Minh Tâm, Kiến Xương, Thái Bình.
41- Trần Quốc Trị, quê Đông Thạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
42- Mai Văn Tuyến, quê Tây An, Tiền Hải, Thái Bình.
43 - Lê Thế, quê tổ 29, An Trung Tây, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
44- Trần Đức Hóa, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
45- Phan Văn Thiềng, quê Đông Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
46- Tống Sĩ Bái, quê phường 1, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
47- Hoàng Ánh Đông, quê phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
48- Trương Minh Phương, quê Quảng Sơn, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
49- Nguyễn Minh Tâm, quê Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình.
50- Trần Mạnh Viết, quê tổ 36, Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng)
51- Hoàng Văn Túy, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
52- Võ Minh Đức, quê Liên Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
53- Võ Văn Tứ, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
54- Trương Văn Hướng, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
55- Nguyễn Tiến Doãn, quê Ngư Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
56- Phạm Hữu Tý, quê Phong Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
57- Nguyễn Hữu Lộc, quê tổ 22, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
58- Trương Quốc Hùng, quê tổ 5, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
59- Nguyễn Phú Đoàn, quê tổ 47, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
60- Nguyễn Trung Kiên, quê Nam Tiến, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (Nam Định).
61- Phạm Văn Lợi, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
62- Trần Văn Quyết, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Q. BÌnh).
63- Phạm Văn Sửu, quê tổ 7, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng).
64- Trần Tài, quê tổ 12, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng)