Lênh đênh đời ngư phủ (kỳ 2): Những giọt máu tươi gửi vào biển cả

Thiên Dũng |

(Soha.vn) - Trong giới đi biển, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người đến với nghề mưu sinh, có người vì duyên nghiệp cha truyền con nối.

Nỗi niềm người lớn lên từ biển

Ông Nguyễn Văn Thiết, một ngư phủ lão làng của làng chài Cẩm Nhượng tay không ngừng châm thuốc. Sau mỗi lần rít thuốc, ông lại ngửa mặt lên trời nhả một làn khói trắng dày đặc rồi đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm.

Ông Thiết kể mình đã biết đi biển từ lúc mới 10 tuổi cùng cha mẹ, đến khi lập gia đình thì vẫn tiếp tục làm nghề này. Ông nói: “Trước đây, ngư trường còn nhiều hải sản, vật giá còn rẻ nên mỗi chuyến đi biển về còn dư giả được chút đỉnh. Chứ bây giờ hải sản bị khai thác cạn kiệt mà giá nhiên liệu lại tăng cao nên mỗi chuyền đi biển không bị lỗ là may rồi ”.


	Phút thảnh thơi của ngư phủ Nguyễn Văn Thiết sau một đêm lao động mệt nhọc

Phút thảnh thơi của ngư phủ Nguyễn Văn Thiết sau một đêm lao động mệt nhọc

Với ngư dân, mỗi chuyến đi biển là một hành trình gian khổ, những hiểm nguy ngoài đại dương luôn rình rập, đe dọa sinh mạng họ.

Ngay chính ông cũng đã từng đối mặt với cái chết trong tấc gang khi giông gió đùng đùng nổi lên. Chiếc thuyền bị sóng hất lên cao rồi nhấn chìm xuống biển cả.

Rất may, ông và những người “đi bạn” (làm thuê – PV) chưa có “duyên” để “gặp Long Vương”. Lần ấy, ông chỉ gởi tạm biển khơi dòng máu tươi và ghi dấu một vết sẹo dài từ cổ chân lên đến đầu gối.

Với ngư phủ, con thuyền là nhà, biển là quê hương, đất liền là bến trọ. Ông Thiết không nhớ mình đã bao lần vượt sóng ra khơi nhưng có một điều ông biết rất rõ, đó là mỗi lần rời bến, ông cũng như hàng trăm ngư phủ ở nơi này đã đánh cược đời mình trước muôn vàn hiểm nguy nơi đại dương.

Nói đoạn, ông lại châm thêm một điếu thuốc và rít một hơi thật mạnh, ông quay qua nói với tôi: “Cháu thấy đấy, nghề biển này vất vả lắm chứ không sung sướng gì đâu, lớp trẻ bây giờ được ăn học đàng hoàng thì cố gắng làm sao mà thoát khỏi cái cảnh đương đầu với “Long Vương” này đi!

Biết là nghề của ông cha truyền lại nhưng cực chẳng đã nên chú mới theo cái nghề này, chú chỉ mong sao mấy đứa con sẽ không nối nghiệp chú để rồi cả đời lại lênh đênh trên sóng nước”.

Ông lại tiếp tục rít những điếu thuốc như nuốt bao đắng cay, cơ cực của đời mình vào trong lòng, đôi mắt không thôi nhìn về nơi xa xăm.


	Khi việc kéo lưới lên thuyền và gỡ cá xong xuôi, mọi người bắt đầu nhổ neo chạy vào bờ

Khi việc kéo lưới lên thuyền và gỡ cá xong xuôi, mọi người bắt đầu nhổ neo chạy vào bờ

Trong giới đi biển, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người đến với nghề  vì mưu sinh, có người vì duyên nghiệp cha truyền con nối nhưng họ đều xem biển là nguồn sống.

Đời người đi biển cực nhọc, sống giữa mênh mông sóng biển nhưng thu nhập bấp bênh. Ở đây, nhiều đứa trẻ 13-14 tuổi đã phải bỏ học để theo tàu đi đánh cá. Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, cả làng vắng hoe.

Ngư phủ đâu chỉ đối mặt với bão trời mà còn phải chống chọi với bão giá. Mỗi chuyến biển chừng 5-7 ngày, nếu “ biển no” ngư phủ “đi bạn” được chủ thuyền chia cho 3-5 trăm nghìn đồng. Còn nếu “biển đói”, giá xăng dầu tăng, giá cá rớt, nhiều khi vài tháng, anh em “đi bạn” mới kiếm được 1 triệu. Có lắm chuyến đi về trắng tay, chủ thuyền và ngư phủ phải lấy tiền túi ra bù lỗ.

“Đầu ấp tay gối” là chuyện hiếm hoi

Đối với những người dân miền biển, cảnh “đầu ấp tay gối” hằng đêm là chuyện vô cùng hiếm hoi.

Trời hửng sáng, những người mẹ, người vợ lại bắt đầu thức giấc và đi xuống cảng cá để ngóng chồng, ngóng con vào bờ xem hôm nay họ có đánh bắt được nhiều hải sản không.

“Nghề biển ni vất vả lắm cháu ạ, chồng con thì suốt ngày đầu tắt mặt tối nơi đầu sóng ngọn gió, khi trời yên biển lặng thì còn đỡ, chứ lúc sóng to gió lớn thì lo lắm, ăn không ngon, ngồi không yên. Cứ ra ra vào vào ngước mắt ra biển và chắp tay cầu khấn cho chồng con mình được bình an trở về”, bác Thanh, vợ của một ngư phủ trải lòng với tôi.


	Đối với người dân miền biển, hình ảnh hằng đêm “đầu ấp tay gối” là chuyện rất “xa hoa” trong đời sống vợ chồng

Đối với người dân miền biển, hình ảnh hằng đêm “đầu ấp tay gối” là chuyện rất “xa hoa” trong đời sống vợ chồng

Trước đây, khi ngư trường chưa cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cá mực còn nhiều, tàu thuyền mở cửa biển dăm bảy hôm là đầy khoang, cập bờ. Bây giờ, cứ mỗi khi ra khơi là phải dong tuốt ra biển Đông với cuộc hải hành gần 50 hải lý, “lặn lội” suốt cả tháng trời chưa chắc đã làm đủ chi phí.

Do vậy, càng ngày những chuyến ra khơi của ngư dân càng kéo dài. Những người phụ nữ trên bờ lại phải sống thêm những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi.

Chị Trần Thị Huyền, một phụ nữ có chồng làm nghề biển tâm sự: “Mỗi khi chồng bọn tui ra biển, trong lòng những người vợ ở nhà đầy ắp nỗi lo. Lo không biết chuyến biển này có thông suốt không, chồng có đánh bắt được nhiều cá, nhiều mực không. Bởi hầu hết cuộc sống của những hộ ngư dân đều trông chờ vào nguồn thu từ biển cả của những người đàn ông".

Người chồng ra khơi mang theo muôn vàn lời khẩn cầu bình yên của người vợ. Thế nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc gieo rắc khắp các vùng quê biển. Nhiều căn nhà vốn trống vắng giờ càng thêm lạnh lẽo bởi sự mất mát của người chồng, người cha.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại