Trời chạng vạng tối, đoàn thuyền đánh cá của ngư dân xã Cẩm Nhượng lại bắt đầu ra khơi. Nhà cửa đóng trên bờ cửa đóng then cài, chỉ còn vài bóng đèn điện le lói giữa màn đêm tĩnh mịch. Ở vùng quê nghèo này, đa số người dân đều là ngư phủ và họ thường bắt đầu ra biển mưu sinh khi trời chưa sáng hoặc khi màn đêm buông xuống.
Trời chạng vạng tối, các ngư phủ nhổ neo ra khơi
Mặc gió rít từng cơn, mặc cho từng con sóng hung dữ như muốn nhấn chìm con thuyền, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân vẫn rẽ sóng ra biển lớn.
Ra đến ngư trường đánh cá, cũng là lúc trời bắt đầu tối đen như mực. Neo đậu xong xuôi, các thành viên trên thuyền mới bắt đầu bữa cơm tối của mình. Bữa cơm của ngư dân cũng rất đạm bạc với rau, dưa, củ cải và đặc biệt là không thể thiếu món cá.
Chú Vinh, một thành viên trong thuyền nói đùa với tôi: “Làm nghề biển này suốt ngày ăn cá nhưng cũng không bao giờ chán cháu ạ, cũng giống như cánh đàn ông mình không bao giờ biết chán đàn bà đó thôi”.
Cả thuyền phá lên cười vì câu nói của chú Vinh, câu nói của chú ngầm ngụ ý cuộc đời của ngư phủ nơi đây bốn mùa luôn gắn liền với biển cả. Mặc cho mưa tuôn nắng xối, mặc giông bão trập trùng nhưng phận đời ngư phủ là vậy, không đi biển biết lấy gì mà ăn.
Bữa cơm đạm bạc của các ngư phủ ăn tranh thủ trong lúc dong thuyền ra khơi
Bữa cơm vừa xong, đèn điện trên thuyền bật sáng trưng, nhìn xung quanh thấy đâu đâu cũng có thuyền neo đậu và có ánh điện sáng phát ra lấp loáng mặt biển.
Những thành viên trên thuyền bắt đầu lấy từ trong khoang thuyền ra những bộ đồ nghề của mình, mỗi người chọn cho mình một vị trí trên thuyền để ngồi câu mực. Ở bên kia mạn thuyền, anh Đàm đang ngồi nhìn xuống nước có vẻ suy tư, tôi bèn men tới hỏi chuyện và nghe anh kể về nghề đi biển của ngư dân nơi đây.
Anh cho biết, mùa hè này thuyền đi “mành”, chủ yếu là đi đánh cá, nên sau khi thuyền ra đến ngư trường và neo đậu, bật đèn điện lên thì người nào muốn câu mực là việc của họ, họ câu được mực thì họ lấy của riêng, còn đến lúc đánh cá thì mới là của chung cả tập thể.
Thấy tôi chưa được rõ cho lắm nên anh Đàm tiếp tục giải thích về việc đánh cá, anh nói: “Đánh cá cũng tùy theo ngày và theo con trăng, có khi đến lúc nước biển dâng lên thì đánh cá, cũng có lúc chờ thủy triều rút xuống thì mới đánh. Nhưng có lúc thì mặt trăng bắt đầu mọc là đã đánh rồi (khoảng 22h30) hoặc là khi mặt trời bắt đầu hừng đông (khoảng 4 giờ sáng)”.
Khi ánh điện bật lên, mỗi người chọn cho mình một vị trí thuyền để ngồi câu mực
Trò chuyện được một lúc thì tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đang ngon giấc, tôi bỗng bị đánh thức bởi tiếng hô hoán của các ngư phủ, tôi đoán đã đến giờ buông lưới để đánh cá. Bật dậy thật nhanh, tôi chọn cho mình một vị trí “đắc địa” ở trên thuyền để theo dõi công việc đánh cá đêm giữa muôn trùng sóng nước.
Thả lưới xong, một thanh niên khỏe mạnh bắt đầu nhảy xuống thuyền thúng kéo theo chiếc đèn đã được trang bị những vật dụng để dẫn đàn cá theo ánh đèn đi vào lưới.
Sau khi đã dẫn được đàn cá vào lưới, người thanh niên liền hô to: “Cá đã vào lưới, kéo mạnh tay nào”, 7 thành viên trên thuyền bắt đầu hì hục kéo lưới lên thuyền , từng đàn cá vẫn tung tăng bơi lội theo ánh đèn ở nơi đáy của mảnh lưới.
Các ngư phủ bắt đầu hì hục kéo lưới lên thuyền.
Khi kéo lưới lên thuyền và gỡ cá xong xuôi, mọi người bắt đầu nhổ neo chạy vào bờ, trong lúc thuyền đang chạy vào bờ, nhiều người tranh thủ chợp mắt một lúc, có người lại phì phèo điếu thuốc, trò chuyện với nhau cho qua cơn buồn ngủ…
Còn nữa