Lên thuyền “săn” cá mòi cùng ngư phủ sông Hồng

Tịnh Lam |

Sông Hồng mùa nước lớn, ngư phủ trên sông tha hồ bội thu cá mòi. Trước đây cá mòi chỉ có vào mùa xuân, nay khí hậu biến đổi nên bốn mùa đều có. Cùng ngư phủ "săn" cá mòi là trải nghiệm khó quên.

Ông Nguyễn Văn Cường (phố Phúc Tân- Hà Nội) năm nay gần 60 tuổi, cả đời gắn bó với sông Hồng bằng nghề chài lưới.

Tối tối hai vợ chồng ra sông thả lưới, sáng về ra ngõ bán. Ban ngày, có khách muốn du lịch sông Hồng bằng thuyền đánh cá thì ông Cường nhận lời đưa họ đi. Công việc không chuyên nhưng ông tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Bữa trưa trên sông của anh em nhà ông Mạnh

Ông Cường chở chúng tôi bằng thuyền máy chạy dọc hai bờ sông Hồng. Chỉ cách phố phường một quãng ngắn nhưng xuống sông chúng tôi được trải nghiệm một đời sống khác hẳn.

Những bãi bờ xanh mướt lau lách, cây cỏ, những con người ngư phủ cũng quá đỗi chăm chỉ chân thật và hiền lành.

Thuyền chạy dọc bờ sông qua những cây cầu bắc trên sông, gần trưa ông Cường cho chúng tôi ghé vào thuyền vợ chồng Nguyễn Văn Mạnh (em trai ông Cường) đang đậu tại địa phận Phú Thượng.

Tại đây, 4 con thuyền nhỏ của dân chài lưới cùng chụm đầu vào nhau nghỉ trưa.

Anh Bùi Văn Sáu quê ở Hưng Yên nhưng ở Sông Hồng Hà Nội làm nghề chài lưới 20 năm nay. Công việc túc tắc cũng đủ sống và nuôi 3 đứa con ăn học.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, tay anh vừa thoăn thoắt đan lưới. Anh nói, mùa này đang mùa cá mòi, những hôm nước đục là cá mòi nhiều nhất.

Anh Sáu đang đan lưới
Lựa cá mòi để bán cho khách

Những con cá mòi béo trắng, bụng nhiều trứng được giữ bằng đá trong khoang thuyền của Tiến được nhặt lên đưa cho chúng tôi.

Cá mòi được khía những lát mỏng trên thân, cho mỡ vào chảo rán lên chấm nước mắm, ớt, gừng, tỏi. Khi cá mòi vừa vàng, giòn chúng tôi gắp ra đĩa, thơm lừng và không hề có xương.

Vợ anh Mạnh bảo: “Nhớ nhé, cá mòi phải được khía những lát mỏng trên thân, như thế ăn mới ngon. Và đặc biệt, cá mòi phải ăn nóng và có thêm lát gừng."

Vừa ăn chúng tôi vừa nói chuyện về cuộc sống trên sông cũng như hỏi bí quyết đánh cá mòi của người ngư phủ.

Rán cá mòi tại thuyền

Ông Cường bảo: “Nghề đánh cá trên của anh em chúng tôi được tiếp nối từ cụ tôi. Dù đã trải qua một số nghề nhưng thấy nghề này là hợp với chúng tôi nhất.

Nghề chài lưới thường có cả vợ cả chồng. Vợ chèo thuyền thì chồng thả lưới hoặc ngược lại, như thế mới đỡ mệt. Đêm hôm lại có người đi cùng sẽ vui hơn.”

Anh Mạnh kể, ngày trước cá mòi chỉ có vào mùa xuân ở vùng nước biển mặn. Vào mùa đó, chúng bơi ngược về sông để đẻ trứng và sinh sản.

Tuy nhiên do khí hậu thay đổi, nước biển dâng cao nên hiện nay cá mòi ở sông Hồng gần như mùa nào cũng có.

Tiến và một người bạn đang săn cá mòi

Theo kinh nghiệm của ông Cường, cá mòi phải đánh vào ban đêm, hoặc lúc mưa nhiều nước phù sa đục, nếu ban ngày hoặc mùa nước sông trong, cá dễ dàng nhìn thấy lưới nên không đánh bắt được nhiều.

Các thuyền cũng bảo ban nhau không dùng lưới mắt nhỏ để bắt cá. Bởi việc mưu sinh trên dòng sông này còn tính chuyện về lâu sau. Vì vậy, mỗi người đánh cá thường tự đan lưới để dùng.

Vào mùa cá mòi, những ngày đầu con nước có thuyền đều đặn đánh bắt được hàng chục kg cá mòi. Giá bán buôn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.

Giá bán lẻ lên tới 70.000 đồng /kg. Cá mòi chỉ cần lên khỏi mặt nước là chết nên đánh xong phải ướp đá ngay tại thuyền.

Trước hôm chở chúng tôi đi dọc hai bãi sông, vợ chồng ông Cường cũng đã đánh được rất nhiều cá mòi, cá chép và tôm.

Cá chép có con tận 2-3kg, một đêm chài lưới may mắn sáng về bán được cả triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Cường: “Người ta bảo như đi câu là thế, hôm ít, hôm nhiều.

Làm nghề này cũng không nên tham, vì đời mình mưu sinh còn phải nghĩ đến con cháu mai sau. Mình ăn hết chúng nó lấy gì mà sống?”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại