Những "công chúa" Việt ở Hàn vỡ mộng hôn nhân

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Ngày 26/9, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa và tuyên chấp nhận ly hôn với năm trường hợp lấy chồng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc.

Trước đó, tòa án tỉnh này cũng xử nhiều vụ ly hôn tương tự. Nguyên nhân các cô gái đưa ra là do bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, bị nhà chồng ngược đãi, có trường hợp vì không sinh được con nên thường xuyên bị chồng đánh đập. Tại tất cả phiên tòa đều không có mặt các ông chồng người nước ngoài.

Nhiều vùng quê Việt Nam “trắng gái xuân thì”, còn con trai thì khó lấy vợ vì vấn nạn lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Và cái kết của nhiều cô gái nhận về là sự đổ vỡ trong hôn nhân. Việc ly hôn giữa cô dâu Việt và những chàng rể nước ngoài còn tạo nên một thế hệ con lai bất hạnh. Các bé dù ở với bố hay về Việt Nam cùng ông bà ngoại thì tiếng cười tuổi thơ của các em cũng không được trọn vẹn.

Trước thực trạng ấy chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Kim Young Shin, Giám đốc dự án Gia đình đa văn hóa (Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn).

Bà Kim Young Shin, Giám đốc dự án Gia đình Đa Văn hóa (Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn).
Bà Kim Young Shin, Giám đốc dự án Gia đình Đa Văn hóa (Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn).

PV: Theo bà nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ly hôn của nhiều cặp vợ chồng Việt – Hàn?

Bà Kim Young Shin: Các cô dâu Việt Nam biết tới đất nước Hàn Quốc chủ yếu qua phim ảnh. Xứ sở Kim Chi với họ rất trừu tượng. Và họ luôn nghĩ mình sẽ trở thành “công chúa” khi sang đây. Nhưng thực tế không phải như vậy, cuộc sống ở đất nước Hàn Quốc cũng rất vất vả.

Xã hội Hàn Quốc trước đây là gia trưởng. Người đàn ông đi làm có trách nhiệm kiếm tiền chăm sóc gia đình mình. Còn vợ chăm sóc gia đình và con cái. Đó là vai trò của phụ nữ Hàn Quốc. Hiện nay, quan niệm sống đó đã thay đổi nhiều. Nhưng đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam chủ yếu là từ 40 tuổi trở lên. Chính vì vậy, tư duy của họ vẫn là tư duy của người Hàn Quốc truyền thống. Với họ, nụ cười của người vợ mỗi sáng trước khi đi làm có ấn tượng rất mạnh, họ coi đó là điều may mắn cho cả ngày. Nhưng gương mặt cau có của vợ mỗi sáng khiến họ thấy xui xẻo.

Thêm nữa là sự khác biệt về văn hóa, cách sống. Các cô dâu Việt Nam không hiểu được văn hóa Hàn Quốc. Họ vẫn làm theo thói quen của mình là mỗi sáng cả gia đình ăn sáng ở ngoài thay vì lo bữa ăn sáng tại nhà. Chính vì thế nhiều người chồng và gia đình nhà chồng rất ngạc nhiên. Thêm ví dụ nữa là khi chồng đi làm vợ vẫn nằm ngủ trông rất mất lịch sự.

Tôi đã từng thăm 50 gia đình Việt – Hàn tại Hàn Quốc và phần nhiều là xảy ra thực trạng đó.

Mặc dù vậy, không hiểu văn hóa nhưng hai bên sống chân thành, nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ khắc phục được những xung đột phát sinh.

Cận cảnh các cô gái Việt Nam tham gia buổi tuyển rể Hàn Quốc tại Hải Phòng.
Cận cảnh các cô gái Việt Nam tham gia buổi tuyển rể Hàn Quốc tại Hải Phòng.

PV: Cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc luôn nghĩ mình là “công chúa”, vậy đã có trường hợp nào cô dâu Việt thấy thất vọng chưa, thưa bà?

Bà Kim Young Shin: Tôi xin được lấy ví dụ về một trường hợp có thật tại lớp học “Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam theo diện kết hôn”. Trong tiết học ẩm thực, một cô dâu người Việt không học. Giáo viên hỏi lý do vì sao không học nấu món Hàn Quốc thì cô gái này trả lời lương của chồng em là 2.000 USD. Lúc này, giáo viên là người Hàn Quốc giải thích: Lương của chồng tôi là 4.000 USD nhưng tôi không thể thuê người giúp việc được. Vì thuê người giúp việc phải trả là 2.000 USD, nên em phải học tập cách nấu ăn của người Hàn Quốc thì em mới có thể tồn tại được. Các em không biết giá trị của tiền Hàn Quốc như thế nào nên lương 2.000 USD không phải là mức giàu có.

Các cô dâu Việt Nam tham dự buổi khai mạc lớp học “Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam theo diện kết hôn”.
Các cô dâu Việt Nam tham dự buổi khai mạc lớp học “Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam theo diện kết hôn”.

PV: Điều gì ở các cuộc hôn nhân Việt – Hàn khiến bà thấy buồn?

Bà Kim Young Shin: Tôi tới Việt Nam vào năm 1993. Lúc đó, tôi không bao giờ tưởng tượng được người Hàn Quốc lại lấy vợ Việt Nam nhiều như vậy. Đầu năm 2000, tôi nghe thông tin người Hàn lấy vợ Việt Nam chỉ trong vòng 3 ngày. Thông tin ấy khiến tôi rất buồn và đau khổ. Tôi tự đặt ra câu hỏi: làm sao trong 3 ngày không biết về đối tượng mà có thể kết hôn được? Chính vì thế, tôi tìm hiểu về hôn nhân quốc tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong quá trình tìm hiểu, khoảng năm 2004, tôi phát hiện thêm thông tin khiến tôi hết sức ngạc nhiên là có một làng quê Việt Nam, tất cả con gái độ tuổi xuân thì đều đi lấy chồng Hàn. Con trai làng này thì khó lập gia đình.

PV: Thời gian gần đây có thông tin cô dâu Việt lấy chồng Hàn bị bạo lực, bạo hành. Đây là những thông tin không tốt khi mà con gái Việt sang Hàn Quốc làm dâu. Bà đánh giá như thế nào về thông tin này?

Bà Kim Young Shin: Hiện nay, bạo lực gia đình với những gia đình Việt – Hàn tại Hàn Quốc theo thống kê là ít hơn so với phát sinh giữa người Hàn với người Hàn. Thống kê đưa ra, cứ ba cặp vợ chồng người Hàn với nhau thì có một cặp mâu thuẫn, đánh nhau hoặc ly hôn. Trong khi đó thì gia đình đa văn hóa họ sống hạnh phúc hơn nhiều.

Nhưng vì đây là kết hôn đa văn hóa, hôn nhân quốc tế giữa hai nước Việt – Hàn nên có bất kì sự việc xấu gì đều được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Còn thông tin về những gia đình đa văn hóa sống hạnh phúc thì ít được báo chí quan tâm đưa lên.

PV: Bà có “hiến kế” nào cho cô dâu Việt Nam muốn kết hôn với người Hàn Quốc lựa chọn được con đường đi đúng đắn nhất?

Bà Kim Young Shin: Chế độ hôn nhân quốc tế của Hàn Quốc phải thay đổi. Các chú rể khi muốn đăng kí kết hôn quốc tế phải làm bộ hồ sơ có tất cả thông tin về mình. Không chỉ thông tin trên giấy tờ mà cả những thông tin về hình ảnh, video. Ví dụ, nhà đang ở như thế nào, kinh tế ra sao, thậm chí chụp cả ảnh người thân trong gia đình… để cô dâu Việt biết rõ đối tượng mình sắp kết hôn.

Có thể lập ra website để những người muốn kết hôn quốc tế có thể đăng tải hình ảnh, thông tin của mình và tự làm quen trước khi đi tới quyết định về cuộc hôn nhân.

Tuy nhiên, nhiều cô dâu Việt Nam thông qua công ty môi giới kết hôn với người Hàn Quốc nhưng mục đích không phải kết hôn. Mà kết hôn, sang đó rồi họ bỏ trốn đi lao động bất hợp pháp kiếm tiền. Ở Việt Nam cũng cần có biện pháp để có thể loại trừ những người kết hôn với mục đích như thế.

Ở Việt Nam chưa cho phép công ty môi giới hoạt động. Họ muốn tìm cô dâu Việt nhưng không quảng cáo được nên phải qua một trung gian. Các trung gian này thường tìm các cô gái ở các vùng quê. Họ nhận tiền, tìm rể Hàn, dâu Việt một cách thiếu minh bạch.

Nếu Việt Nam cho phép các công ty môi giới hoạt động theo luật định và cấp giấy phép cho họ thì vấn đề này có thể giải quyết được. Việc giới thiệu phụ nữ Việt Nam sang làm dâu Hàn Quốc sẽ không phải qua đầu mối và minh bạch hơn. Theo tôi, như thế, những trường hợp đáng tiếc xảy ra như chồng giết vợ, li hôn, bạo lực gia đình… sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại