Hà Nội chuẩn bị nhiều phương án chiến đấu với "bà hỏa"

Thế Long |

(Soha.vn) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ kiểm tra đột suất công tác ứng trực, bảo vệ đêm ở 10 chợ và TTTM lớn trên địa bàn Thủ đô.

Nguy cơ tiềm ẩn chỉ sau xăng dầu

Vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, là một bài học cần rút kinh nghiệm. Ngay sau đó, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có công văn yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, PCCC trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở PCCC Hà Nội, công tác PCCC ở các chợ, trung tâm thương mại luôn được chỉ đạo sát sao, đề phòng những hậu quả đáng tiếc. Nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ ở chợ và TTTM chỉ xếp sau mức độ nguy hiểm ở các địa điểm kinh doanh và tổng kho xăng dầu.

Vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo
Vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo

 Nhìn lại vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) 2 tháng trước, Sở Cảnh sát PCCC thừa nhận, công tác phòng cháy, chữa cháy ở Thủ đô còn nhiều bất cập như: Không chấp hành nghiêm Luật PCCC, vị trí cây xăng ở gần khu dân cư, gần nơi đông người, chấp hành quy định vận chuyển, bơm tiếp xăng không nghiêm, không giám sát chặt chẽ… Đó là chưa nói đến vấn đề pha trộn xăng kém chất lượng. Trong khi đó, đối với lực lượng PCCC hiện trong tình trạng thiếu phương tiện, trang bị, xe cứu hỏa chưa hiện đại, các loại bình bọt, bình khí ít, có loại chỉ sử dụng được 1 lần.

Thực tế cả sở có 50 bộ quần áo chống cháy (300 triệu đồng/bộ), không đủ phân phát cho trên 10 đội của các quận, huyện. Trong khi đó, từ cách đây 5 năm khi sáp nhập địa giới hành chính Hà Nội và Hà Tây (cũ), qua khảo sát toàn thành phố thiếu hơn 6.000 ụ nước cứu hỏa công cộng. Đến nay, mới chỉ bổ sung được hơn 500 ụ.

Theo Thượng tá Trần Quang Cường, Phó phòng Hướng dẫn phòng cháy, Sở CS PCCC Hà Nội cho biết: “Những bài học cháy chợ Nghệ, chợ Vồi và xa hơn là cháy chợ Đồng Xuân luôn là bài học kinh nghiệm sâu sắc của cán bộ PCCC”. Theo Thượng tá Cường, không chỉ đến khi xảy ra cháy TTTM Hải Dương công tác phòng chống chảy, nổ mới được quan tâm sâu sát mà trước đó Sở CS PCCC Hà Nội đã triển khai rất nhiều chuyên đề liên quan đến phòng chống cháy, nổ tại chợ và TTTM trên địa bàn Thủ đô. Gần đây nhất, Sở đã có buổi kiểm tra về an toàn cháy nổ và công tác PCCC tại chợ Đồng Xuân, trung tâm thương mại Vincom.

Nơi sốt sắng, nơi thờ ơ

Chiều ngày 26/9, ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng bảo vệ chợ Đồng Xuân, Phó ban thường trực PCCC chợ đã dẫn chúng tôi đi xem tận mắt 5 bể ngầm với sức chứa 600m3 nước nối trực tiếp với hệ thống cung cấp nước thành phố và 3 bể nổi đặt trên tầng thượng tòa nhà với sức chứa 150m3 nước.

Có đến 6 bể nước với sức chứa lên đến 100m3 luôn sẵn có trong mỗi bể quanh chợ Đồng Xuân
Có đến 6 bể nước với sức chứa lên đến 100m3 luôn sẵn có trong mỗi bể quanh chợ Đồng Xuân

Cùng với đó, hệ thống máy bơm của Công ty Cổ phần Đồng Xuân cũng được triển khai rất tốt lúc nào cũng sẵn sàng vận hành. Theo ông Thành: “Vụ cháy chợ Đồng Xuân cách đây 20 năm vẫn là bài học đau xót và nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội và BQL chợ. Trong cuộc họp PCCC nào ở thành phố và cấp cơ sở cũng nhắc đến khiến chúng tôi xấu hổ.”

Theo ông Thành, trong 6 tháng đã lập tới 300 biên bản chỉ vì lỗi vi phạm lối đi và lấn chiếm hệ thống PCCC của bà con tiểu thương. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có 50 trường hợp hay mỗi ngày có 1- 2 trường hợp bị phạt. Mức phạt là từ 200.000 đến 700.000 đồng.

Và để cải thiện tình trạng bày hàng hóa lấn chiếm hành lang an toàn phòng chống cháy nổ, phía Công ty Cổ phần Đồng Xuân đã khắc phục bằng cách thường xuyên tổ chức đi tuyền truyền và dán thông báo khắp nơi.

Trái lại, trong khi công tác PCCC của Chợ Đồng Xuân đang ráo riết thì vẫn còn tồn tại một số nơi đang thờ ơ. Bằng chứng cho thấy, cùng ngày chúng tôi có buổi làm việc tìm hiểu về công tác phòng chống cháy nổ tại chợ Hôm – Đức Viên.

Theo ông Bùi Quang Tuấn, Phó Bí thư BQL chợ, lúc nào ở chợ cũng thường trực công tác PCCC. Theo ông Tuấn năng lực chữa cháy tại chỗ của hơn 50 hội viên Đội PCCC của chợ đang được triển khai dựa trên 1 bể nước ngầm đặt dưới lòng đất chợ có dung tích 80m3 nước, 1 bể giếng khoan 20m3 nước và một bể nước sinh hoạt 10m3 đặt trên tầng thượng toà nhà. Ngoài ra, hệ thống bình cứu hỏa mini cũng được đặt khắp trong chợ sẵn sàng  phương án phối hợp cấp nước từ hai ụ cứu hỏa đặt ngoài phố… Để phòng chống cháy nổ lúc nào cũng ở dạng nguy cơ tiềm ẩn, chợ Hôm – Đức Viên vào buổi tối tan chợ đã tiến hành cắt hết nguồn điện sinh hoạt chỉ duy trì nguồn điện chiếu sáng cơ bản và điện vận hành trạm bơm khi xảy ra sự cố.

Nơi để bình chữa cháy mini ngay cạnh
Nơi để bình chữa cháy mini ngay cạnh "kho" khu cầu thang chợ Hôm – Đức Viên

Nhưng trên thực tế PV vẫn chứng kiến cảnh các tiểu thương bất chấp những cảnh báo, thờ ơ và xâm phạm hành lang an toàn cháy nổ, tập kết hàng hóa, áo mưa… tại khu vực đặt bình cứu hỏa.

Khi chúng tôi đề nghị BQL chợ Hôm – Đức Viên đưa ra con số cụ thể về việc xử phạt, ông Tuấn nói rằng số liệu do BQL chợ nắm và hiện tại lãnh đạo đang đi công tác?!

Theo thống kê từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 76 vụ cháy, nổ, làm chết 3 người, 11 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 20 tỷ đồng (giảm 49 vụ cháy, giảm 5 người chết, 2 người bị thương và tài sản thiệt hại giảm khoảng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại