Nổi danh là làng nuôi cá giống truyền thống từ nhiều đời nay, hàng năm cứ đến ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, làng Tân Cổ, xã Quảng Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) lại cung cấp hàng tấn cá chép phục vụ nhu cầu của nhân dân khắp các địa phương trên toàn tỉnh.
Cũng như phong tục tập quán của người Việt, ngày 23 tháng Chạp người dân làng Tân Cổ cũng chuẩn bị đồ lễ để cúng tiễn đưa ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo một năm làm ăn, sinh sống của gia chủ. Đồ cúng cũng bao gồm cá chép, hoa ông Công, xôi thịt và hoa tươi.
Họ thường cúng sau 12h trưa, đặc biệt là giờ Ngọ sang giờ Mùi được xem là giờ đẹp nhất. Có nhà cúng bản gia thổ địa long mạch (cúng đất nhà và bốn phương) nhưng cũng có nhà cúng chỉ cúng thổ địa nhà mình. Sau khi tàn ba tuần hương thì bắt đầu nghinh tiễn ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời.
Với quan niệm “chim quang, cá rộng”, khi phóng sinh chim phải thả nơi bầu trời quang thoáng, cá thả nơi sông dài rộng. Tuy nhiên, do không có sông rộng mà người dân làng Tân Cổ toàn phải thả cá chép vào những con mương nhỏ, hay con sông hẹp.
Bởi vậy, sau khi dân thả cá thường xuất hiện những người có ý thức kém đứng ngay cửa sông dùng đồ nghề để vớt cá mang về ao nhà để nuôi. Người đứng đầu cầu thả, kẻ cửa sông lại kéo lên. Trước việc làm khó coi đó, từ hai năm nay, làng Tân Cổ kiên quyết không để xảy ra hiện tượng trên bằng cách cử người đi canh gác ở các con mương, con sông. Hiện tượng người đứng đón của sông để vớt cá không còn nhiều.