Lá thư "rỏ máu" của một cây xà cừ ở Hà Nội

Trương Xuân Thiên |

“Là thực vật, chúng tôi cũng có máu và biết đau, chúng tôi cũng có mặc cảm lo sợ cái chết và cảm thông với đồng loại”.

Kính gửi: Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội - thành phố từng được tôn vinh là của hồ nước và cây xanh.

Lá thư này tôi gửi đến các vị cũng như những lời tâm sự cuối cùng của một đời cổ thụ nếu dự án thay thế 6.700 cây xanh của thành phố được tái triển khai.

Tôi là một cây xà cừ bị đánh số 6xx đứng trên đường Lê Duẩn, Hà Nội. Nhìn bề ngoài tôi là một cây xanh vạm vỡ, khỏe mạnh như bao nhiêu họ hàng xà cừ khác trong thành phố này.

Tôi đã đứng ở đây từ năm 1961, tức là già nửa thế kỉ và chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của thành phố.

Thế nhưng, giờ đây tôi rất hoang mang khi không biết mình sẽ sống thêm được bao lâu nữa bởi mình đã từng được chấm trong sổ Nam Tào.

Cách đây ít hôm, có mấy công nhân công ty cây xanh đến đóng lên người tôi một tấm biển. Nghe nói tấm biển ấy là chính quyền thành phố lấy ý kiến người dân để định đoạt mạng sống của tôi. Đúng là nghịch cảnh.

Ai đời tôi lại đi treo trên mình tấm biển để hỏi mọi người qua lại xem mình đáng sống hay đáng chết. Và tôi biết mặc dù người dân chẳng ai muốn tôi chết nhưng biết đâu những người treo biển thì nghĩ ngược lại. Họ muốn tôi chết.

Biết đâu Họ sẽ làm mọi cách để đốn hạ tôi và thay thế bởi những cây non thời thượng. Hơn 50 năm, với cuộc sống con người là già nhưng so với vòng đời của loại cây thân gỗ như tôi thì đó là độ tuổi trai tráng.

Thế nhưng ở độ tuổi đẹp nhất ấy của cuộc đời tôi đang chịu kiếp sống mà đã bị gạch tên trong sổ. Nếu họ không muốn chúng tôi chết thì họ treo cái bảng tham khảo tử thần lên thân thể tôi làm gì?

Có thể các bạn không biết nhưng họ hàng nhà cây chúng tôi cũng là một sinh vật sống, cũng thở, ăn, uống và quang hợp.

Mỗi chúng tôi đều có nhựa nóng chảy trong người, biết đau đớn và biết cảm nhận thế giới đang diễn ra xung quanh mình.

Nói như các nhà văn, chúng tôi đều có một tâm hồn, một trái tim và cả một… “mộc cách” nữa.

Họ hàng xà cừ chúng tôi đa phần được trồng trong những năm 60 của thế kỉ trước, khi miền Bắc bắt đầu đi lên CNXH.

Chúng tôi đã sống sót kiên cường trong bom đạn, đồng hành cùng kí ức của thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn vật. Thế nhưng đau xót thay, khi thành phố mở rộng và phát triển, giờ đây chúng tôi lần lượt bị loại bỏ không thương tiếc.

Trong các loài cây, xà cừ là một loài cây có "mộc cách" đặc biệt, luôn cao lớn vạm vỡ, luôn mọc thẳng đứng và vươn lên trời xanh, luôn chiến thắng sâu mọt và xanh tốt quanh năm.

Chúng tôi là loài cây có sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt như những người dân ở thành phố này. Ngay cả bão gió khi các loài cây khác gãy đổ, bật gốc xà cừ vẫn đứng vững hiên ngang trong mọi hoàn cảnh.

Gỗ từ thân cây chúng tôi không đắt nhưng rất tốt, có thể làm đủ mọi thứ trong ngành mộc và nội thất với độ bền hàng trăm năm vẫn bóng đẹp.

Thế nhưng ngay cả tính cách kiên định ấy cũng không thể giúp chúng tôi tránh khỏi những lưỡi cưa máy tử thần.

Có lẽ, họ không thích chúng tôi vì xà cừ không hàng năm nở hoa đẹp như bằng lăng, không đắt đỏ như gỗ sưa.

Và có thể, không ai dùng xà cừ để … đóng quan tài như vàng tâm (hay không dùng làm...bút chì như cây Mỡ), loài cây mà chính quyền thành phố dự định sẽ thay thế xà cừ.

Chúng tôi cũng không một lần đi vào thơ, ca, nhạc, họa như hoa sữa… Chúng tôi quá thô kệch trong mắt những người có trách nhiệm.

Hoặc có thể, như báo chí và mạng xã hội đã nghi vấn: người ta nóng lòng khai tử xà cừ trong thành phố này bắt nguồn từ nguồn lợi khổng lồ mà giá trị thân gỗ chúng tôi mang lại sau khi bị đốn hạ.

Tôi không tin vào điều đó nhưng chiến dịch đốn hạ diễn ra nhanh như chớp khiến nhiều người dân lớn lên cùng chúng tôi trên mảnh đất này nghĩ như vậy, tôi cũng bán tín bán nghi.

Giờ này tôi còn đứng đây để trăng trối những lời gan ruột cũng bởi một sự may mắn lớn.

Hàng chục công nhân với cần cẩu, cưa máy, chỉ trong một đêm đã hạ sát rất nhiều cây xanh trong thành phố, đa phần trong số đó là cây lâu năm. Đó thực sự là một đêm kinh hoàng với những cây xà cừ còn sống sót như tôi.

Hai anh bạn đứng bên tôi hơn nửa thế kỉ nay đã lìa đời trong chớp mắt. Tôi vẫn mơ và ám ảnh đến cảnh tượng kinh hoàng đó.

Là thực vật, chúng tôi cũng có máu và biết đau, chúng tôi cũng có mặc cảm lo sợ cái chết và cảm thông với đồng loại. Cảnh "máu chảy, đầu rơi" hôm ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.

Và tôi đã nhắm mắt chờ đợi lưỡi cưa máy quỷ ám kia cưa thân xác mình thành từng khúc thì may sao trời sáng.

Họ dùng vôi và chì kẻ lên thân tôi vòng tròn chết chóc, nơi mà nếu không có gì thay đổi thì sẽ là nơi lưỡi cưa kia sẽ cứa vào da thịt tôi.

Người ta đã chấm tên tôi trong sổ thiên tào và trên thực tế tôi đang sống vô thừa nhận. Sống mà thực chất là đã chết.

Tôi biết, trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội dăm năm trước chúng tôi được thơm lây phần nào. Người ta tôn vinh Hà Nội là thành phố của hồ nước và cây xanh.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy 5 năm sau, hàng chục hồ nước đã bị lấp và rất nhiều cây xanh đã ngã xuống.

Và mới chỉ cách đây vài tháng thôi, trên con đường Nguyễn Trãi nối từ ngã tư Sở vào Hà Đông, con đường nhiều xà cừ nhất thành phố đã bị đốn hạ toàn bộ chỉ trong vài buổi sáng.

Nghe nói họ đốn hạ cây xanh để làm dự án đường sắt trên cao.

Đó là cái dự án tai tiếng khi đội giá gần chục ngàn tỉ đồng, đã chậm tiến độ mấy năm trời gây ra bao cảnh khó khăn cho người dân tham gia giao thông.

Và đó cũng là dự án mà không chỉ cây xanh, cả con người cũng ngã xuống bởi sự bất cẩn của chủ đầu tư và nhà thầu.

Đó có thể là chương đen tối nhất của cộng đồng cây xanh ở Hà Nội.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau công cuộc tận diệt cây xanh trên đường Nguyễn Trãi, cái đề án chặt hạ và thay thế 6708 cây xanh lại ra đời.

Đó là đề án mà đại diện phát ngôn của thành phố tuyên bố chính quyền quyết, khỏi cần tham khảo ý kiến người dân.

Họ công bố dự án nhanh và hàng trăm công nhân đã lê máy cưa khắp các con phố Hà Nội để chặt cây cũng nhanh.

Đến khi báo chí và người dân đồng loạt lên tiếng phản đối thì nghe đâu đã có rất nhiều dòng máu đã đổ xuống. Khi Lệnh trên ban xuống tạm dừng đốn hạ cây xanh thì bao họ hàng chúng tôi đã về chầu tiên tổ.

Tôi sợ rằng Họ thay thế đề án 6708 cây xanh bằng đề án chặt bỏ một phần trong năm 2015, số còn lại sang các năm sau sẽ chặt tiếp.

Tôi nghe nói trong cuộc họp báo ở UBND TP về việc quy hoạch cây xanh người ta đã né tránh các câu hỏi của báo chí.

Trước phản ứng của dư luận về đề án chết tiệt kia, ở đề án bên này, những tấm biển nho nhỏ đã được gắn lên trên mình tôi và 149 đồng loại khác.

Trên tấm biển ấy họ tham khảo người dân xem chúng tôi có đáng bị khai tử. Tôi chưa bao giờ thấy một cuộc thăm dò ý kiến người dân nào nực cười đến vậy.

Thế nhưng được sống ngày nào là chúng tôi còn hy vọng sẽ được chính danh đứng trên mảnh đát này. Tôi không thể tưởng tượng nổi một thành phố thiếu cây xanh ngột ngạt đến mức nào.

Các bạn biết đấy chúng tôi cũng là những công dân của thành phố này, là một phần kí ức của thành phố. Chúng tôi cung cấp oxy, bóng mát, chở che cho con người.

Và ngay lúc này đây, có một đôi nam nữ trẻ tuổi đang gắn lên thân tôi một chiếc nơ đỏ và một thông điệp rõ ràng: “Tôi là một cây xanh khỏe mạnh, xin đừng đốn hạ tôi”.

Chỉ riêng điều đó thôi cũng khiến tôi ấm áp và khấp khởi hy vọng…

Có vị lãnh đạo thành phố nào dành thời gian chỉ để đọc lá thư của một cái cây như tôi không?

“Mỗi cái cây trong thành phố bị hạ gục bởi cưa máy sẽ mãi mãi ra đi như những người thân yêu của chúng ta.

Chúng ta hãy tưởng tượng một ngày tỉnh giấc, chúng ta không còn nhìn thấy một cái cây nào nữa ở trong vườn, trước cửa nhà hay dọc con phố của mình.

Có thể chúng ta không nhận thấy sự cần thiết vô cùng của họ trong một thời gian dài. Nhưng tâm hồn chúng ta sẽ giống như người ủ bệnh nhiều năm.

Chúng sẽ ta đau ốm, mệt mỏi và thấy trống vắng. Và đến lúc này, trong tôi lại hiện lên những gã thợ xẻ đeo mặt nạ đến và bật những dây mực dọc thân thể chúng ta.

Tôi đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Và có bao nhiêu người cũng nhìn thấy như tôi”.

Nguyễn Quang Thiều

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại