Ký ức tử tù nơi "địa ngục trần gian"

Cũng vì không chịu nghe lệnh của cai ngục nên nhiều lần ông Bưởi bị chúng nhốt vào chuồng cọp. Chiếc lồng bằng kẽm gai tứ phía...

Khi tìm tư liệu viết về các chiến sỹ bị giam ở Phú Quốc, chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Bưởi, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây (cũ). Dù đã 85 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ rõ những tháng ngày bị giam ở nơi địa ngục trần gian này.

Những hình thức tra tấn kinh hoàng

Ông Bưởi là chiến sĩ đặc công, bị bắt năm 1969 trong một lần đi trinh sát ở Long An. Chúng đưa nhóm của ông ra Biên Hòa bằng máy bay H34 rồi đưa ra đảo Phú Quốc giam giữ.

Ông kể, bọn cai tù thường lấy chuyện đánh người làm trò vui. Tất cả tù binh vừa được đưa lên đảo đều bị đánh phủ đầu bằng trận mưa roi, da thịt lòi ra ngoài và vết thương cả tháng mới lành. Đến nay trên lưng ông vẫn sần sùi vết thương của trận đòn roi thời ấy.

Cũng vì không chịu nghe lệnh của cai ngục nên nhiều lần ông Bưởi bị chúng nhốt vào chuồng cọp. Chiếc lồng bằng kẽm gai tứ phía, chiều cao không đủ để ngồi, chiều dài nằm không duỗi chân được, mỗi chuồng nhốt một người, nằm tênh hênh ngoài trời. Bị nhốt vào đây là một cực hình vì người tù không thể nằm, ngồi hoặc cử động, mỗi cử động nhỏ là kẽm gai đâm thấu xương. “Tôi bị nhốt trong chuồng cọp nhiều lần, có lần 16 ngày. Muốn duỗi người phải co lên mà co lên thì gai thép đâm vào người; bị tróc lưng da, phơi nắng, phơi sương suốt đêm ngày. Chúng chỉ cho ăn 2 nắm cơm nhỏ với muối hột một ngày”- ông Bưởi trầm ngâm kể.

Ông Bưởi kể lại những ngày tháng bị đọa đày gian khổ ở nhà tù Phú Quốc

Ông Bưởi kể lại những ngày tháng bị đọa đày gian khổ ở nhà tù Phú Quốc

Trở về với những vết thương

Tháng 3/1973, sau khi Hiệp định Pari ký kết, ông Bưởi cùng đồng đội được trở về Bắc theo diện trao trả tù binh. Ngày ông trở về làng trên chuyến tàu ra Bắc, vợ ông khi đó là cán bộ xã cứ ngỡ ông đã chết và xã đang tổ chức lễ truy điệu. Nghe người ta nói thấy ông trên chuyến tàu ở ga Tía gần làng mà bà không tin. Vội nhờ người chở lên ga. Gặp nhau vợ chồng mừng tủi. Mới đấy đã hơn 40 năm. Giờ vợ chồng ông con cháu đề huề, nhưng những ký ức về cuộc chiến, về những tháng ngày đọa đày ở Phú Quốc vẫn còn nguyên vẹn. Trong gian buồng đơn sơ của ông, vẫn còn đó bình bi-đông nước và bộ quần áo cộc được phát khi trở về từ trại giam Phú Quốc - nơi vẫn được coi như “địa ngục trần gian”.

Giờ cuộc sống của ông bà cứ thế yên bình, vui vầy với con cháu hiếu thảo. “Nhiều đồng đội của tôi đã mãi mãi ngã xuống nơi tù đày Phú Quốc. Thế nên mình còn sống, còn được trở về với gia đình là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Mọi thứ khó khăn trong cuộc sống hiện tại có sá chi” - ông tâm sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại