Gặp pháo thủ số 1 của xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Khi mang trên mình trách nhiệm cao cả, xe 843 hay 390 là xe đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập không quan trọng vì tất cả đều là chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chàng trai xứ Nghệ và 10 năm gắn bó với xe tăng 390

Khi hỏi thăm ông Ngô Sỹ Nguyên, mỗi người dân ở phường Khương Trung, Hà Nội đều hỏi lại: “Nguyên lái xe tăng phải không?”, rồi họ chỉ cho chúng tôi đường tới ngôi nhà mới của ông Nguyên ở Kim Giang, Hà Nội.

Nghe tiếng gọi cửa, ông Nguyên ngẩng lên nhìn đồng hồ rồi mỉm cười: “Các cháu tới chậm vài phút nữa là bác lại đi có việc”.

Vẫn tác phong, tính kỉ luật của người lính năm xưa, ông Nguyên nói, thời gian với mỗi người lính bộ đội Cụ Hồ luôn chính xác tới từng phút. Rồi ông cho chúng tôi xem những bức ảnh đã được ông chuẩn bị từ trước. Những bức ảnh ghi dấu kỉ niệm ông cùng đồng đội 10 năm gắn bó với xe tăng 390, những bức ảnh là chứng nhân cho những thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước khi cánh cổng dinh Độc Lập đổ xuống.

Ông Ngô Sỹ Nguyên đang lần giở những bức ảnh gắn với ông một thời máu lửa
Ông Ngô Sỹ Nguyên đang lần giở những bức ảnh gắn với ông một thời "máu lửa"

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió, năm 1971, khi đó Ngô Sỹ Nguyên 19 tuổi nhưng chỉ nặng 40kg. Bởi vậy, mặc dù viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ nhưng ông vẫn bị loại. Nhưng với quyết tâm được góp một phần công sức vào công cuộc giải phóng đất nước, chàng trai xứ Nghệ ấy đã được thỏa ước vọng.

Vốn có sở trường bắn súng, nên chỉ sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, Ngô Sỹ Nguyên được chọn vào lính Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông và người đồng đội Nguyễn Văn Tập chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.

Trải qua rất nhiều trận chiến ác liệt, có lúc đối mặt với những vết thương tưởng như không hàn gắn được, nhưng với tâm huyết tất cả vì miền Nam ruột thịt, những người lính trên xe tăng 390 lại cùng đồng đội “vững tay súng” trên mọi ngả đường tiến vào làm chủ Sài Gòn.

“Cánh cổng sắt của Dinh Độc lập chưa là gì với sức mạnh của xe tăng”, ông Nguyên cười vui.

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)
Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Và chính xe tăng 390 đã trở thành biểu tượng sức mạnh và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khi là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975, mở đường cho quân giải phóng tiến vào làm chủ Dinh.

Năm 1978, xe tăng 390 cùng 4 người lính gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên đại đội; lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, thiếu úy Lê Văn Phượng tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và hành quân chủ yếu trên đất nước Campuchia. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, họ lại về Bắc phục vụ 4 năm bảo vệ biên giới. Và cứ như thế, hết Nam lại Bắc, hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, ông Ngô Sỹ Nguyên đã có 10 năm gắn bó với xe tăng 390.

Phía sau chiến công xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh

Thế nhưng suốt 20 năm, 4 người lính ấy sống lặng lẽ với chiến công được lịch sử ghi nhận bởi xe tăng 843 – chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập vào ngày giải phóng đất nước.

Ngày học lớp 5, khi nghe cô giáo giảng bài xe tăng 843 húc đổ cổng dinh Độc lập, cậu bé Thịnh (con trai ông Nguyên) đã nói với cô giáo và bạn bè rằng, xe tăng 390 do bố mình làm pháo thủ mới là xe húc đổ cổng Dinh. Thấy học trò kiên định với những gì mình nói ra, cô giáo đã phản ánh lên hiệu trưởng nhà trường. Và lịch sử đã tìm lại công bằng cho những người lính trên chiếc xe tăng 390, khi những bức ảnh của một phóng viên người Pháp được công bố với hình ảnh rõ nét về chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính của Dinh Độc lập. Tại thời khắc đó, xe tăng 843 đang có mặt tại cổng phụ.

Giờ đây, cậu bé Thịnh ngày nào cũng trở thành một cán bộ phục vụ trong quân đội.

Gia đình ông Ngô Sỹ Nguyên
Gia đình ông Ngô Sỹ Nguyên

“Với mỗi người lính như chúng tôi, được tham gia cuộc chiến bảo vệ đất nước, đó là niềm tự hào và nghĩa vụ thiêng liêng. Khi mang trên mình trách nhiệm cao cả ấy, xe 843 hay 390 là xe đầu tiên tiến vào Dinh không quan trọng vì tất cả đều là chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và đất nước ta đã được thống nhất”, ông Nguyên tâm sự.

“Tôi không bao giờ quên câu nói đầy nhân văn của đồng chí Phạm Văn Trà nói với Dương Văn Minh vào thời khắc ta giải phóng đất nước: Ta thắng rồi, không phải tôi thắng anh mà ta thắng Mỹ”, ông Nguyên bùi ngùi nhớ lại.

Cuộc đời quân ngũ của người pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên cũng trải qua nhiều kỉ niệm, vui có, buồn có. Nhắc lại những kỉ niệm ấy, giọng nói ông chùng xuống. Năm 1974, bố mất nhưng ông không được biết tin để về để tang; năm 1979, mẹ mất khi ông đang tham gia Chiến tranh biên giới nên cũng chỉ biết giấu những giọt nước mắt trong những đêm muộn. “Hai cái tang khi tôi đang ở hai đầu đất nước để làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước mà không về được. Nhưng với mỗi người cán bộ quân đội như tôi luôn đặt nhiệm vụ chung lên trên những tình cảm riêng tư”, ông Nguyên chia sẻ.

Rời quân ngũ, tháng 1/1982, ông là 1 trong 24 sĩ quan của đơn vị được nhận nhiệm vụ mới về làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Phà Đen (Cảng Hà Nội ngày nay). Chính trong thời gian này, ông có nhiều thời gian để nghĩ tới tình cảm riêng tư của mình, nghĩ tới cô gái Nguyễn Thị Bé (người Nam Định) với mái tóc tết đuôi sam, da trắng lại thùy mị, nết na. Ông Nguyên đã để ý tới người con gái ấy khi còn làm pháo thủ của xe tăng 390. Hòa bình lập lại, ông quyết tâm về Nam Định tìm người con gái “trong mộng”.

Được tin Bé đang học ở Hà Nội, ông xin địa chỉ và quyết tâm tìm gặp Bé tại Thủ đô. Và hai người nên duyên vợ chồng năm 1983. Hai người con của họ lần lượt ra đời vào năm 1985, 1986. Đây là thời kì kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn vì 4 miệng ăn chỉ trông chờ chủ yếu vào đồng lương của vợ. “Bản thân tôi ngoài những bài hát cách mạng và bắn súng tôi không có nghề gì trong tay. Nhưng tôi trải qua quân ngũ nên có lập trường kiên định và nhìn nhận được không có gì là khó khăn mãi mãi. Đất nước “thay da đổi thịt” thì mình cũng sẽ được hưởng những sự “thay da” ấy”, ông Nguyên kể.

Ông Ngô Sỹ Nguyên bên chiếc xe ba bánh
Ông Ngô Sỹ Nguyên bên chiếc xe ba bánh

Tháng 10/1992, ông thôi công tác tại Cảng Phà Đen và mua xe ba bánh về chở hàng. Năm 1996, ông Nguyên bán xe lam, “lên đời” chiếc xe gát 69 để chở hàng hóa thuê. Rồi ông học lái ô tô lấy bằng E và chính thức chuyển sang lái xe buýt cho Xí nghiệp xe buýt 10/10 vào năm 2002, đảm nhận lái xe tuyến 28 và 37. Tháng 7/2012, ông về nghỉ hưu sau chặng đường dài cống hiến cho công cuộc giải phóng và đổi mới đất nước.

Giữa những bon chen của cuộc sống đời thường, giờ đây, người pháo thủ số 1 của xe tăng 390 vui với gia đình hạnh phúc, vợ và hai con đều phục vụ trong quân đội. Những lúc rảnh rỗi, ông lại ra chăm vườn rau của gia đình: “Cũng là để có rau sạch ăn”, ông Nguyên cười nói.

Những vết chân chim đã hiện rõ trên gương mặt, mái tóc cũng bắt đầu ngả màu sương… nhưng với mỗi người lính như ông Nguyên, được sống trong thời khắc “non sông thu về một mối”, với ông đó là niềm tự hào. Và hôm nay, ông thường kể những niềm tự hào ấy cho con cháu nghe như khơi dậy những thước phim hào hùng của dân tộc trong mỗi thế hệ trẻ.

Xem clip xe tăng T- 54 tiến vào dinh độc lập:

Một chiếc xe tăng T-54 tiến vào Dinh Độc Lập (Đây không phải xe 390)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại