Kỳ lạ cách chích tay tìm kẻ gian của người Xê Đăng

Nguyễn Thành |

Không cần điều tra, xét hỏi, không cần áp bức nhục hình, người dân tộc Xê Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh ở Nam Trà My (Quảng Nam) từ xa xưa có tục tìm người xấu, kẻ gian rất độc đáo và kỳ lạ: Chích bàn tay.

Nếu tay ai máu chảy người đó có tội. Đến nay, không ai giải thích được lý do, nhưng với người dân, đây là cách để họ giữ cho bản làng luôn yên ấm.

Sống giữa bát ngát núi rừng, người dân Xê Đăng ở vùng chân núi Ngọc Linh còn giữ trong mình những tập tục, nét văn hóa kỳ lạ người ngoài chưa khám phá hết.

Trong số đó có luật tục tìm kẻ gian từ xa xưa, thỉnh thoảng đâu đó trong những bản làng vẫn còn áp dụng.

Anh Hồ Văn Thơm, cán bộ xã Trà Cang, là một người Xê Đăng từng nhiều lần chứng kiến tục chích tay tìm kẻ gian của dân làng mình.

Anh Thơm cho biết: thỉnh thoảng vẫn nghe chuyện dân làng chích tay.

Chích tay là luật tục dân làng áp dụng để giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày của người dân khi lâm vào bế tắc, không lối thoát.

Hoặc khi truy tìm kẻ gian, người có tội để phân định đúng sai, trắng đen. Các già làng trong thôn chính là người đứng ra áp dụng luật tục này.

Và thường rất ít khi người dân tiết lộ cho người ngoài biết, chỉ người dân trong làng, trong gia đình biết với nhau mà thôi.

Đây là cách mà dân làng giữ cho nhau không để lộ chuyện ra bên ngoài xấu mặt nhau.

Việc thực hiện nghi lễ này phải được thực hiện vào buổi sáng sớm. Những người có liên quan sẽ được các già làng tập trung ở cuối thôn.

Các thanh nứa được các già làng vót thật nhọn, thật sắc và phát cho mọi người.

Vị già làng uy tín nhất sẽ đứng ra chủ trì lễ cúng xin trời đất thần linh núi rừng chứng kiến, giúp dân làng tìm ra được người xấu, phân minh được trắng đen, đúng sai để dân làng được yên ổn.

Xong phần cúng tế, những người tham gia sẽ xếp vòng dùng thanh nứa chích mạnh và sâu vào bàn tay trái của người khác.

Khi già làng yêu cầu dừng, mọi người đồng loạt rút que ra để kiểm tra. Theo quy định bất thành văn của dân làng, người bị chảy máu là người có tội, sẽ bị dân làng xử phạt trâu bò, lợn gà… tùy theo mức độ.

Ai cũng răm rắp nghe theo. “Rất kỳ lạ bởi cùng chích vào tay như nhau nhưng người chảy máu, người không”, anh Thơm nói.

Già Hồ Văn Deo kể về luật tục chích máu bàn tay tìm kẻ gian của dân tộc Xê Đăng. Ảnh: Nguyễn Thành

Già Hồ Văn Deo kể về luật tục chích máu bàn tay tìm kẻ gian của dân tộc Xê Đăng. Ảnh: Nguyễn Thành

Thôn 3 xã Trà Cang nép mình dưới chân núi Ngọc Linh, cuộc sống người dân ở đây còn hoang sơ như núi rừng. Hỏi về luật tục chích tay, già làng Hồ Văn Deo cho biết:

Đây là cách tìm kẻ gian từ xa xưa của người dân nơi đây. Người dân tin rằng có thần linh chứng giám, người nào có tội sẽ bị phơi bày, không thể trốn được.

Già Deo kể, cách đây khoảng 2 năm, dân làng cũng thực hiện một nghi lễ chích tay.

Lần đó, anh Hồ Văn Pong mất chiếc điện thoại mới mua, nghi ngờ anh Hồ Văn Xoa người trong thôn lấy. Anh Xoa chối, hai bên mâu thuẫn rồi gây sự nhau.

Để giải hòa, già Deo cùng các già làng quyết định áp dụng việc chích máu thanh niên trong làng để truy tìm hung thủ.

Kết quả, tay anh Xoa không chảy máu, nhưng trong số những người tham gia có anh Hồ Văn Dếc lại chảy máu.

Kết quả anh Dếc cúi đầu nhận lỗi, rồi chạy về nhà lấy chiếc điện thoại trả lại anh Pong và phải nộp phạt một con heo cho làng.

Riêng anh Pong phải xin lỗi anh Xoa và nộp phạt cho làng 3 con gà. Sau lễ, lợn và gà được giết mổ đãi cả dân làng, ai cũng vui, hiềm khích xí xóa.

Theo già Deo, tục chích máu còn được áp dụng khi trong làng có gái chưa chồng mà có thai. Việc chích máu lúc này để xác định ai là bố của đứa bé.

Và cô gái cũng phải chích để xác định người có tội trong hay ngoài làng. Khi chích máu tìm được thủ phạm, đôi trai gái phải nộp phạt heo, gà, vịt… cho làng cúng.

Không ai giải thích được lý do vì sao khi thực hiện luật tục này, người gian, kẻ xấu lại chảy máu.

Nhiều cán bộ của xã và huyện ở Nam Trà My từ dưới xuôi lên chứng kiến việc chích máu này cũng không giải thích được.

Tất cả đều thừa nhận rằng, kết quả là đúng. Và người dân coi đó như là một phiên xét xử, là cách đúng nhất để giải quyết tranh chấp trong làng.

Tuy chỉ cam kết bằng lời nói, nhưng tính hiệu lực của tục chích máu rất lớn.

Khi chích xong người dân nghiêm chỉnh chấp hành việc bồi thường, chưa có ai chối bỏ trách nhiệm.

Vì việc xử phạt của làng rất nặng, nên hầu hết người dân rất sợ luật tục.

Đây là một cách răn đe nghiêm khắc, nhất là đối với các thanh niên trong làng, không được làm việc xấu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại