Thị xã Vĩnh Châu là một trong những vựa hành tím lớn nhất cả nước với diện tích từ 4.000- 7.000 ha/năm.
Sau khi thương lái thu gom hành tím về nơi tập trung, họ xịt phủ một loại phấn có chất độc Mipcin chứa hoạt chất Methyl Parathion để ủ hành tím.
Cứ 1 tấn củ hành thì trộn một bao bột đất sét khoảng 40 kg với từ 2-4 kg thuốc trừ sâu Mipcin. Chủ hành lý giải khi đã trộn phấn bảo quản, củ hành có thể để cả năm mà không hề hấn gì.
Gia công hành là một trong những nghề của nhiều hộ dân Vĩnh Châu.
Với đôi bàn tay và đôi mắt trần, những người bóc hành thuê lom khom suốt ngày bên đống củ hành đầy hóa chất độc hại mà chẳng có đồ bảo hộ.
Trong cái nóng hừng hực, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt lấm tấm bụi, cứ thế họ lấy tay lau mồ hôi, dụi vào mắt. Thậm chí, nhiều đứa trẻ cũng theo cha, mẹ ra bãi làm thuê.
Cố gạt đi những dòng nước mắt giàn giụa, chị Huỳnh Thị Trang (ngụ xã Hòa Lộc) nói: “Dù biết là nghề nguy hiểm nhưng nếu không làm thì lấy gì nuôi con”.
Phụ nữ như chị làm cả ngày cũng chỉ được 120.000 đồng. Mùi cay xè của hành, của phấn ủ hóa chất... lúc nào cũng làm cho đôi mắt cảm thấy khó chịu.
“Xóm kế bên, mấy nhà có người thân cũng mù cả đôi mắt, thậm chí còn nằm liệt giường” - chị Trang cho biết.
Gia đình ông Thạch Pholla (xã Lạc Hòa) 3 đời làm nghề bóc hành thuê.
Riêng ông gần 10 năm làm cho một doanh nghiệp kinh doanh hành tím, gọi là công nhân chứ thực ra đi làm ngày nào trả công ngày đó, không biết bảo hiểm, bảo hộ là gì.
Từ lúc lên 5 tuổi, ông đã bị mất mắt bên trái do một lần theo bố mẹ đi cắt hành thuê, nghịch phấn hành rồi đưa tay dụi vào mắt. Cách đây 4 năm, con mắt còn lại của ông Pholla cũng bị mù.
Một mình vợ ông đi bóc củ hành thuê không đủ để nuôi sống gia đình 5 người nên cả 3 đứa con đành bỏ học.
Rồi phận đời nghiệt ngã, một lần vợ ông trộn phấn hành, bụi bay vào khiến 1 mắt không thấy gì nữa. Đến con dâu ông cũng bị mù cả 2 mắt khi chỉ mới vừa ở tuổi đôi mươi.
Bác sĩ Trần Trường Giang, Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, khẳng định hành tím không thể gây mù mắt cho người tiếp xúc mà chính những hóa chất dùng để bảo quản thường dùng trong mỗi vụ sản xuất mới là nguyên nhân.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, địa phương đã phối hợp với một tổ chức ở nước ngoài lắp đặt hàng loạt biển cảnh báo về nguy cơ mù mắt vì hành và buộc các doanh nghiệp phải trang bị kiếng bảo hộ cho lao động bóc hành.
Tuy nhiên, ý thức bảo vệ mắt của mình đối với những lao động nghèo chưa cao. Nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải đeo kiếng bóc hành nên tự bỏ ra, dẫn đến tác hại cho đôi mắt là không tránh khỏi.
Theo ông Trần Hải, Phó Chủ tịch Hội Người mù thị xã Vĩnh Châu, hiện nơi đây có 221 người mù 2 mắt, hơn 1.000 người mù 1 mắt.