Chúng ta có thể giải ngân hàng ngàn tỷ đồng cho những công trình khác mà mấy chục tỷ đồng trang bị phương tiện để lo miếng ăn an toàn cho nhân dân và cho chính mình lại không làm được là sao?
Kết quả giám sát rau, thịt tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ tháng 8 đến hết tháng 11/2015 (so với quy định của Việt Nam và Codex) cho thấy: Có 8 mẫu rau có hoạt chất cấm bị phát hiện là Methamidophos và Endosulfan (chiếm 2,27%) trong các loại rau ngót, cải ngồng, cà pháo, đậu cô ve, cần tây, cải bẹ xanh, cải ngọt. 29 mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 8,2%), tập trung vào các loại hoạt chất: Metalaxyl; Permethrin; Cypermethrin; Metalaxyl; Profenofos; Dimethoate; Chlorpyrifos; Imidacloprid; Deltamethrin; Dichloran trên các loại rau cải ngồng, xà lách xoăn, đậu cô ve, cà chua, dưa leo, ớt ngọt, đậu đỗ, cải mèo, bắp cải, rau cải, cà rốt, dưa chuột, su hào, hành tây, khoai tây. Có 1 mẫu thịt lợn có dư lượng Salbutamol và 13 mẫu có dư lượng Sulfadimidine vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 8,22%); 38 mẫu phát hiện Salmonella (chiếm 24,05%). Phát hiện 26 mẫu thịt gà có Salmonella (chiếm 16,99%).
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát và Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Câu hỏi trên đây là của tư lệnh ngành NN-PTNT nêu ra tại hội nghị trước những yêu cầu bức thiết cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.
Theo ghi nhận của PV, không khí của hội nghị là cuộc đối thoại sòng phẳng về trách nhiệm, giải pháp và các quyết sách với mong muốn mang đến cho nhân dân những bữa cơm an toàn.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh lúc này không phải bàn về kinh phí mà mấu chốt là thống nhất giải pháp để có chuyển biến mạnh và hiệu quả cao. Quan điểm của Bộ trước sau như một là không để thiếu tiền cho công tác đấu tranh, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
“Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải trình phương án thiết thực để tạo ra chuyển biến rõ rệt. Thái độ là phải kiên quyết, không nhượng bộ bất kỳ ai đầu độc người khác”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ.
Người đứng đầu ngành NN-PTNT khẳng định rằng, mặc dù chúng ta đã rất cố gắng, quyết liệt trong suốt thời gian qua nhưng sự chuyển biến chưa thật sự mạnh mẽ, nhất là kiểm soát thuốc BVTV.
Về vấn đề này, Bộ trưởng giao Cục trưởng Cục BVTV và Cục trưởng Cục Trồng trọt ngay trong tháng 12 này phải trình lên bàn Bộ trưởng một phương án khả thi nhất về hệ thống giám sát sản xuất thực phẩm sạch.
“Nếu vẫn lối làm cũ là chúng ta bất lực và có lỗi với nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề chất cấm, Bộ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi ngay trong tuần tới phải đặt lên bàn Bộ trưởng danh sách các cơ sở chăn nuôi tập trung và các cơ sở SXKD thức ăn chăn nuôi, kể cả các đơn vị gia công, chế biến.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y cùng phối hợp với Cục Chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bộ trưởng lưu ý Cục Thú y phải kiểm tra năng lực và trách nhiệm của các cán bộ ở Chi cục Thú y các địa phương và cán bộ các vùng của Cục.
“Xem hàng ngàn cán bộ ăn lương của chính phủ ở dưới họ làm việc đến đâu? Hay chỉ trông chờ cấp trên vào cuộc?
Chẳng lẽ chỉ có cấp trên mới lôi ra được các sai phạm ở dưới cơ sở, nơi mà có hàng trăm đầu mối chân rết của mình”, Bộ trưởng bức xúc và yêu cầu Cục Thú y lên danh sách cụ thể ở đâu cán bộ của mình lơ là, vô trách nhiệm, có biểu hiện bao che để Bộ trưởng trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh đó.
Vấn đề này, Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí bên Bộ Công an tham dự hội nghị lưu ý giúp để cùng phối hợp đồng bộ và quyết liệt thì mới làm rõ được các vấn đề tồn tại.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám hỏi, đối với hoạt chất Salbutamol phía Bộ NN-PTNT cấm còn Bộ Y tế thì cho nhập khẩu. Vậy, Bộ Y tế có xác định được sẽ sử dụng bao nhiêu lượng hoạt chất này để cấp quata cho nhập khẩu không?
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục dược Bộ Y tế trả lời rằng, cái này lại phải theo luật và doanh nghiệp họ có quyền thực hiện những việc mà luật không cấm. Muốn như ý Thứ trưởng Tám thì phải thẩm quyền của Chính phủ và có luật điều chỉnh.
Về việc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Cái nào thuộc trách nhiệm và thẩm quyền thì chúng ta quyết luôn. Cái nào vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Chính phủ để có hướng xử lý. Mục tiêu chính của chúng ta là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân có những bữa cơm được an toàn. Từ mục tiêu đó thì văn bản nào còn vướng mắc thì chúng ta trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh, tôi tin cái đó không khó. Vấn đề là chúng ta cùng hành động cho một mục tiêu chung đó.
Liên quan đến một số vướng mắc mà văn bản hành chính đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát giao Vụ Pháp chế ngay trong tháng 12 này phải trình lên bàn Bộ trưởng 4 dự thảo Nghị định sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính.
Các đại biểu cho rằng, hiện một số Nghị định xử lý chưa đúng tầm thì trong lần sửa đổi này phải làm cho đúng tầm. Tinh thần là phải nghiêm minh và răn đe.
Từ nay đến khi Bộ Luật hình sự vừa sửa đổi có hiệu lực cũng không lâu nữa. Chúng ta cần làm mạnh để cho người dân an tâm trước cuộc sống của họ.
Ngoài một số Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng còn giao các Cục liên quan chuẩn bị dự thảo các Thông tư cần sửa đổi nhằm đáp ứng tốt nhất công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát là không để thiếu hành lang pháp lý và mọi biện pháp xử lý phải thể hiện tính nghiêm minh và răn đe thì mới tạo ra chuyển biến, trong đó phải nêu cao được trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước và lương tâm người SXKD trước sức khỏe của cộng đồng.
Tại hội nghị, đại diện C49 Bộ Công an đề nghị bố trí kinh phí cho công tác tập huấn của lực lượng cán bộ chiến sỹ và lực lượng cán bộ ngành chăn nuôi, thú y, Bộ trưởng Cao Đức Phát hỏi lại trong thời gian bao lâu, đại diện C49 và Cục Chăn nuôi đáp chỉ 2 ngày.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, kể cả 4 ngày Bộ cũng sẵn sàng đáp ứng đầy đủ kinh phí ăn, ở cho các đồng chí.
Nói là làm, Bộ trưởng giao Vụ Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu trình Bộ trưởng ký quyết định việc đó ngay trong tuần tới.
Trước đề nghị của lãnh đạo Cục Trồng trọt rằng, hiện nay, nhiều nông dân sản xuất ở miền Tây Nam bộ họ nghe hướng dẫn của thương lái hơn là hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Bởi lẽ, thương lái bảo sản xuất như thế nào thì mới bao tiêu sản phẩm cho. Chính vì thế, đề nghị Bộ trưởng có quyết sách để điều chỉnh thương lái theo hướng vừa tiêu thụ được sản phẩm cho nông dân, vừa kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Không thích vòng vo, Bộ trưởng để nghị ông Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói thẳng.
Ông Cường kể, ở Tây Ninh có một thiết bị test rau, củ ngay tại chợ. Thiết bị này dù chỉ kiểm tra định tính thôi nhưng cũng giúp việc phát hiện rau, củ, quả không đảm bảo an toàn.
Nếu các chợ đầu mối có được thiết bị này thì sẽ test được sản phẩm thương lái mang vào. Vừa phát hiện, vừa xử phạt và từ đó, thương lái sẽ hướng dẫn nông dân làm đúng quy định.
Bộ trưởng hỏi, mỗi máy như thế hết khoảng bao nhiêu tiền? Ông Cường đáp trên dưới khoảng 200 triệu đồng.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Cao Đức Phát giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản và Cục Trồng trọt lập đề án trình Bộ trưởng quyết định ngay việc này.
“Tại sao chúng ta có thể giải ngân hàng ngàn tỷ đồng cho những công trình khác mà mấy chục tỷ đồng trang bị phương tiện này để lo miếng ăn an toàn cho nhân dân và cho chính mình lại không làm được là sao?
Cái này tôi đồng ý và các đồng chí phải trình được đề án để triển khai ngay đầu năm 2016. Giao Vụ Tài chính bố trí đủ nguồn.
Tôi nhắc lại, ưu tiên số 1 không để thiếu tiền cho nhiệm vụ vệ sinh an toàn thực phẩm từ nay đến hết năm 2015 và năm 2016.
Lưu ý Vụ Tài chính, đừng để một cuộc họp nào về vấn đề này anh em kêu ca thiếu kinh phí”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.