Đêm về sáng là thời điểm heo từ các tỉnh đổ về các lò TP.HCM, đó cũng chính là thời điểm lực lượng Thú y, Thanh niên xung phong túc trực lấy mẫu xét nghiệm trước khi heo được giết mổ tung ra thị trường.
Để khỏi ảnh hưởng đến kinh doanh của các thương lái, toàn bộ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và công bố kết quả đều được hoàn tất trong đêm.
“Đó cũng là áp lực buộc anh em phải làm việc hết sức nhanh chóng, nhưng cũng phải tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Mỗi lần kết quả cho ra âm tính với chất cấm anh em chúng tôi lại bớt đi một mối lo”, một cán bộ Thú y TP.HCM nói.
Không lo sao được khi kết quả thanh tra đợt 1 của Chi cục Thú y TP.HCM về việc sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo) tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM đầu tháng 6-2015 cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tăng báo động.
Đặc biệt là heo từ Đồng Nai - nơi cung cấp lượng lớn heo cho các lò giết mổ ở TP.HCM.
Nhiều đêm theo chân đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Thú y TP.HCM đi kiểm tra về việc sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo) tại một số cơ sở giết mổ, chúng tôi nhận thấy việc truy lùng chất cấm quả không dễ dàng chút nào.
Để có một mẫu nước tiểu mang xét nghiệm, các nhân viên phải căng mắt canh me nhiều giờ giữa đàn heo hàng trăm con bốc mùi hôi, họ phải “lăn, lê” giữa sàn xi măng dơ bẩn, chưa kể nhiều lúc còn bị heo tè vào cả quần áo!….
Khi công việc của họ hoàn tất, cũng là lúc đường phố vắng bóng người.
Dù mệt mỏi, nhưng sau mỗi kết quả xét nghiệm âm tính với chất cấm các cán bộ Thú y lại “vui như tết” vì đã phần nào ngăn chặn cho người dân bớt đi một mối lo…