Khi viện phí và phong bì “song hành” với nhau…

Đây là câu chuyện của một nữ nhà báo: Năm 2002, chị sinh con đầu lòng khi đang là một nhân viên văn phòng. Vợ sinh xong, chồng chị được y tá trực gọi vào phòng hành chính, nhỏ nhẹ nhắc nhở việc cảm ơn bác sĩ.

Đã hỏi “giá” vài thai phụ chung phòng với vợ nên anh chồng đưa 1 triệu đồng. Chị y tá nhắc “còn kíp gây mê?”. Thấy người nhà bệnh nhân chưa hiểu, y tá giải thích: 1 triệu này đưa bác sĩ mổ đẻ 500 nghìn đồng, 500 nghìn đồng còn lại chia cho những người phụ cho bác sĩ. 

Đưa thêm 200 nghìn đồng nữa, thì chị y tá cáu kỉnh: một ca 3 người, đưa 200 nghìn đồng thì chia kiểu gì, và nói rõ “giá” là 300 nghìn đồng… Lúc đó, tổng viện phí cho một ca sinh mổ chỉ vài trăm ngàn đồng. Còn hiện tại, viện phí cho một ca sinh thường có BHYT tại Hà Nội chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng giá “cảm ơn” cho cả ca đỡ đẻ này thì không thể dưới 2 triệu đồng.

Khi viện phí và phong bì “song hành” với nhau…
Viện phí tăng, phong bì có giảm?

Còn anh Minh vẫn chưa quên câu chuyện của mẹ con người phụ nữ dân tộc ở chung phòng với con anh khi điều trị bỏng. “Giá trần” phong bì để “ra mắt” bác sĩ ở viện nọ là 500 nghìn đồng. 

Nhưng mẹ con người phụ nữ nọ chỉ đưa 300 nghìn đồng, vị bác sĩ trả lại bảo “mẹ con mày nghèo, bác không lấy”. Nhưng cả ngày hôm sau, khi những bệnh nhân khác được bác sĩ khám vết bỏng cẩn thận, thì con chị chỉ được bác sĩ đứng bên giường ngó chứ không cầm tay quấn băng lên xem. 

Cuối cùng, chị vay đủ 500 nghìn đồng nhét vào túi áo blu thì vị bác sĩ bình thản về phòng!  Thế nên, nhiều người khi nghe nói tăng viện phí đều đồng tình để tăng chất lượng khám chữa bệnh, nhưng cũng đặt câu hỏi “viện phí tăng, phong bì có giảm?”. 

Tăng viện phí mà “nạn” phong bì không giảm, thì nhiều người ốm sẽ “sợ” đến BV! Những ví dụ như trên có nhan nhản cho thấy, trong nhiều trường hợp, chi phí “ngầm” nhiều hơn phí điều trị phải trả.

Khi viện phí và phong bì “song hành” với nhau…
Ảnh minh họa.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa “phong bì” trong y tế thì chụp ảnh, ghi lại tên y, bác sĩ hoặc cán bộ y tế đó để gửi lại cho GĐ BV và gửi cho Bộ Y tế. 

Đây được cho là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực trong y tế. Nhưng đây cũng được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” vì khi đang lo lắng cho người thân bệnh tật, đưa phong bì để nhờ vả thì ai còn tâm trạng đâu mà quay phim, chụp ảnh hoặc “thu thập chứng cứ” liên quan. 

Vì vậy, gần nửa năm trôi qua, quyết tâm đẩy lùi nạn “phong bì” của Bộ Y tế vẫn “ì ạch”. Chẳng ai “nhẫn nại” đi tìm chứng cứ cho việc đưa phong bì của mình, thế nên, chưa có trường hợp y bác sĩ nào nhận phong bì được công khai tên và chế tài xử lý, trong khi hành vi đó vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. 

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu từ GĐ đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ “trước và trong khi điều trị”. 

Còn việc đưa phong bì sau khi khỏi bệnh lại là “vấn đề khác”, được cho là “thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”. 

Nhận quà sau khi người bệnh khỏi bệnh và cảm ơn bác sĩ sẽ khác hẳn với việc bác sĩ nhận phong bì thay cho một “cam kết” sẽ trách nhiệm, nhiệt tình hơn khi chữa trị cho người bệnh. Có lẽ, dẫu nghèo khó, cũng rất ít bệnh nhân và gia đình phàn nàn việc phải cảm ơn bác sĩ, nếu đó là việc họ tự nguyện làm sau khi khỏi bệnh. 

Cảm ơn người đã giúp đỡ mình vốn là truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng, ở đây “cảm ơn” lại là “điều kiện”, diễn ra ngay từ khi người ta nhập viện, vì nếu không có “cảm ơn”, đừng hòng mong nhận được sự quan tâm, ân cần chứ chưa nói nhiệt tình của bác sĩ.  

Theo bà Nga, một cán bộ của Viện Tai-mũi-họng Trung ương đã nghỉ hưu thì sở dĩ nạn “phong bì” trong y tế xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay có phần do người bệnh đã tạo ra “thói xấu” này cho các y, bác sĩ. 

Còn phần lớn vẫn là do những quy định, chế tài chưa thực sự khắt khe và cụ thể, sự giáo dục về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm trong công việc chưa được chú trọng. Về lâu dài, bà Nga cho rằng, nếu không có những biện pháp xử lý hữu hiệu thì nạn “phong bì” sẽ tạo ra một “rào cản” rất lớn, kìm hãm và làm suy giảm chất lượng y tế, đặc biệt là vấn đề y đức. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại