Ai chịu trách nhiệm về nhà Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương?

“Công trình này không phải “con muỗi khó nhìn”, sự vi phạm rất dễ nhận biết mà bây giờ mới giở ra xử lý là có vấn đề không thỏa đáng”, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển nói về kết luận đối với Việt phủ Thành Chương.

Sao không chặn từ đầu?

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vừa kết luận thanh tra về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở 8 xã thuộc huyện Sóc Sơn của Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn, trong đó có công trình nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương bị cho là xây nhà trái phép.

Theo thanh tra Sở, năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng gần 12.700m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận, UBND huyện cấp giấy sử dụng đất ở là 600m2 trên tổng diện tích gần 12.700m2 đất rừng phòng hộ.

Năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng ngôi nhà một tầng diện tích khoảng 300m2, nhà thu âm 90m2, bể bơi 60m2, cùng 300m2 trồng cỏ... Hiện trạng cho thấy gia đình ca sĩ Mỹ Linh không sử dụng đất đúng mục đích.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ca sĩ Mỹ Linh cho biết, chị đã mua đất đai hợp pháp hơn 10 năm, có sổ đỏ và đã làm nhà, định cư ở đây 5 năm nay.

"Chúng tôi tự biết mình là người được công chúng để mắt đến nên càng phải tuân thủ pháp luật. Nếu chúng tôi có gì sai trái thì làm sao có thể ở tồn tại ở đây lâu như vậy được mà nhà chức trách chưa hỏi đến", ca sĩ Mỹ Linh phản ứng.

Việt phủ Thành Chương cũng được họa sĩ Thành Chương xây dựng từ năm 2001, trên diện tích 8.000m2 và hoàn thành năm 2004. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ kết luận khu phủ đã xây dựng trên đất có nguồn gốc đất rừng đặc dụng nhưng điểm du lịch này vẫn hoạt động bình thường. Và mới đây, Sở TN-MT Hà Nội cũng có kết luận công trình này vi phạm trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.


	Cổng vào Việt phủ Thành Chương đã được đầu tư kỹ lưỡng.

Cổng vào Việt phủ Thành Chương đã được đầu tư kỹ lưỡng.

Trước sự việc này, dư luận cho rằng Việt phủ Thành Chương rộng hàng chục nghìn m2 chứ đâu phải “con kiến” mà qua mắt được cơ quan chức năng. Vậy sao không xử lý từ đầu mà đến nay lại “xới” ra?

Thực tế, nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương được coi như bảo tàng tư nhân với phong cách kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hoá dân gian Việt và là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một trong những người từng chứng kiến việc xây dựng Việt phủ Thành Chương từ những viên gạch đầu tiên cho rằng, phủ Thành Chương không phải là một khu du lịch mà là một quần thể văn hóa.

Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Thành phố đã từng đến đó tham quan và phải thừa nhận nó như là một di sản văn hóa mới. Phủ Thành Chương đã từng đón tiếp Vua, Hoàng hậu và các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Rồi một số bảo tàng, các tổ chức văn hóa lớn trên thế giới đã có hồ sơ về Việt phủ Thành Chương.

“Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã đến thăm quan Phủ Thành Chương. Vì khi Nhà nước chưa làm được bao nhiêu thì ở Thành Chương đã xây dựng được một khu văn hóa với rất nhiều những giá trị truyền thống, dân gian, những di sản như cổ vật… Và hiện nay nó thực sự đã trở thành một địa chỉ văn hóa.

Tôi nghĩ dù cho là một cá nhân như Thành Chương thì trong một chính sách văn hóa đúng, đáng lẽ Nhà nước phải cùng với Thành Chương, trợ giúp Thành Chương để bảo vệ, phát triển, quảng bá nó nữa chứ không phải muốn hủy hoại, phá nó đi”, ông Thiều ý kiến.

Theo kết luận của thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, để xảy ra tình trạng này là do Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn ký hợp đồng không đúng quy định pháp luật khi cho thuê đất, thiếu giám sát trong quản lý đất lâm nghiệp dẫn đến các hộ gia đình mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng xã bị cáo buộc buông lỏng quản lý.

Nhiều người bày tỏ lo ngại vì nếu đập bỏ Việt phủ Thành Chương là mất mát một công trình có tính văn hóa.

Cần theo tinh thần vụ Đoàn Văn Vươn

Trao đổi với Kiến Thức, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính cho rằng, liên quan đến sai phạm và xử lý sai phạm trong xây dựng đối với công trình nhà ở của ca sĩ  Mỹ Linh và công trình Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành chương cần đặt ra một số vấn đề về vai trò, trách nhiệm, nguyên tắc, trình độ, phẩm chất của công chức, người có quyền lực đối với xã hội và trách nhiệm của mỗi công dân.

Ông Khiển đồng tình về việc hai công trình này đâu phải là “con muỗi khó nhìn”, sự vi phạm rất dễ nhận biết. Việc công trình thi công hàng năm, thậm chí mấy năm trời mà bây giờ mới giở ra xử lý là có vấn đề không thỏa đáng. Những người có trách nhiệm phát hiện sai phạm và định xử lý phải có trách nhiệm giải trình cho cấp trên và công luận.

“Đối với công luận, những người có chức trách là đầy tớ chứ không phải chủ. Cần phải “lôi” những người liên quan giữ chức vụ lúc hai công trình này đang thi công mà trả lời về trách nhiệm của họ”, ông Khiển nói.

Cũng theo ông Khiển, rất có thể ông Thành Chương và bà Mỹ Linh phải phá bỏ hai công trình trên nếu chiếu theo luật lúc đang xây dựng là sai. Thế nhưng những người quản lý hành chính thời điểm hai công trình xin giấy phép và xây dựng phải có trách nhiệm về vật chất nếu khi đó đã cho phép hoặc ra quyết định.

“Trong nhà nước pháp quyền, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, đương nhiên là không cho phép chần chừ, để việc đã rồi mới giở ra… Cần có chế tài với công chức theo tinh thần của vụ án “ông Vươn” ở Hải Phòng vừa qua. Họ phải bồi thường thiệt hại khi làm sai, thậm chí khi biết sai mà không nói cho dân cũng là làm sai.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm sai phạm thì phải sửa. Nhưng cũng đề nghị những người có trách nhiệm phải thực thi đúng nguyên tắc của pháp quyền, vị trí công bộc của xã hội và người dân. Ông Thành Chương và bà Mỹ Linh theo tôi phải khắc phục hậu quả nếu có sai phạm, nhưng cũng có quyền hỏi các nhà chức trách những điều tôi đặt ra trên nếu họ thấy phù hợp với quyền và lợi ích của mình”, ông Khiển ý kiến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại