Sau nhiều năm đàm phán, 12 nước tham gia Hiệp định TPP sẽ tham gia lễ ký kết tại New Zealand lúc 11h30 sáng nay 4/2 (giờ địa phương). Lễ ký kết sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại hoặc Bộ trưởng Ngoại giao các nước.
TPP gồm các quốc gia New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Singapore, Peru và Chile.
Ngày 3/6/2005, Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (P4) được ký với 4 thành viên sáng lập (Brunei, Chile, New Zealand, Singapore).
Tháng 12/2009, Mỹ tham gia đàm phán với tên gọi mới là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến tháng 3/2010 vòng đàm phán đầu tiên diễn ra với 7 nước trong đó có 4 nước sáng lập cùng Mỹ, Australia, Peru.
Việt Nam và Malaysia chính thức tham gia vào tháng 11/2010, nâng số thành viên lên 9 nước và thống nhất nội dung đàm phán gồm 24 chương.
Đến tháng 9/2012 nội dung đàm phán được nâng lên 29 chương và thêm 2 thành viên mới là Canada và Mexico và chính thức có 12 thành viên (thêm Nhật Bản) vào 23/7/2013.
2 năm sau đó, tháng 7/2015, 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên họp cấp Bộ trưởng đã diễn ra với nội dung đàm phán là 30 chương.
Đến 4/10/2015 Hiệp định TPP mới hoàn tất đàm phán sau thời gian đàm phán kéo dài 5 ngày các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp nhà nước...
Trong ngày hôm qua (3/2) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc ký Hiệp định TPP.
Nghị quyết, Chính phủ đồng ý ký TPP và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ký hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của chính phủ các nước tham gia TPP.
Trước đó, sáng 30/1, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã lên đường tới Australia và New Zealand với chương trình công tác nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đoàn sẽ tham dự lễ ký kết chính thức hiệp định vào ngày 4/2.
Bộ Công Thương cho biết, có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới.
Thứ nhất, tiếp cận thị trường một cách toàn diện: TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.
Thứ hai, tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết: TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước.
Thứ ba, giải quyết các thách thức mới đối với thương mại: TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.
Thứ tư, bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại: TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại.
Thứ năm, nền tảng cho hội nhập khu vực: TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.