Học sinh nghỉ học phản đối sáp nhập trường, Giám đốc Sở nói gì?

Ngọc Tú |

Để phản đối việc sáp nhập trường lẻ vào điểm trường chính, phụ huynh đã cho con em mình nghỉ học hơn 1 năm qua. Ngày 19/9, hàng trăm người đã kéo đến Sở GD Nghệ An để kiến nghị.

Cho con nghỉ ở nhà hơn 1 năm học để phản đối sáp nhập trường

Chiều 19/9, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức buổi họp báo để thông báo về tình hình học sinh tại điểm trường lẻ làng Văn Hà, Trường tiểu học Quang Sơn (Đô Lương) nghỉ học, phản đối chủ trương sáp nhập trường.

Thực hiện chủ trương sáp nhập để nâng cao chất lượng giáo dục, năm 2012-2013 huyện Đô Lương đã trình phương án sáp nhập điểm trường lẻ làng Văn Hà, xã Quang Sơn về trường chính. Vì theo chính quyền xã, điểm trường lẻ Văn Hà được xây dựng từ lâu, chỉ có một dãy nhà cấp 4, có 4 phòng học và hiện đã xuống cấp trầm trọng. Làng Văn Hà cách trung tâm xã và trường chính xã Quang Sơn khoảng 2km.

Phụ huynh làng Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương) dẫn theo con em đến trước cổng sở GD&ĐT Nghệ An để kiến nghị, phản đối việc sáp nhập trường.
Phụ huynh làng Văn Hà (Quang Sơn, Đô Lương) dẫn theo con em đến trước cổng sở GD&ĐT Nghệ An để kiến nghị, phản đối việc sáp nhập trường.

Theo đó, từ năm học 2012-2013, huyện Đô Lương đã tiến hành sáp nhập 2 khối 4 và 5 từ điểm trường lẻ đã lên trường chính. Năm 2013-2014, huyện tiếp tục sáp nhập 3 khối còn lại 1,2,3 về điểm trường chính. Tuy nhiên, sau khi phổ biến chủ trương thì toàn bộ người dân làng Văn Hà đã phản đối việc sát nhập 3 khối này. Năm học 2013-2014 trong 65 em các khối 1,2,3 này chỉ có 12 em nhập học, còn lại 53 em phụ huynh đã không cho đến trường.

Trước vấn đề này, UBND huyện Đô Lương đã báo cáo lên cấp trên, Sở Giáo dục đã thành lập đoàn công tác trực tiếp gặp phụ huynh để nghe tâm tư, nguyện vọng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với phụ huynh để tìm hướng giải pháp. Tuy nhiên, các lần đối thoại đều thất bại do người dân kiên quyết không cho con em mình đi học điểm trường chính. Lý do họ đưa ra là đường đi quá xa, khó khăn, các em không thể tự đến trường mà phải nhờ bố mẹ đưa đón trong khi bố mẹ còn bận làm kiếm sống.

Năm học 2013-2014 vẫn có 53/65 học sinh trường này chưa thể đi học vì phụ huynh ngăn cản. Vì việc này người dân làng Văn Hà đã nhiều lần khiếu kiện lên các cấp, trong đó có 2 lần tổ chức khiếu kiện ra các cơ quan trung ương.

Mới đây, ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015, trong số 74 học sinh của làng chưa đi học (bao gồm cả 21 em diện tuyển mới) có 25 em đã đến trường đi học (15 em đến trường Quang Sơn, còn 10 em xin đi học trường ở xã khác ). Còn lại 49 em không chịu đến trường do phụ huynh tiếp tục phản đối.

Giám đốc Sở GD&ĐT nêu 4 phương pháp cần thực hiện gấp!

Sáng 19/9, hàng chục phụ huynh dẫn theo con em mình mang theo nhiều tấm biển với những dòng chữa nguệch ngoạc “cháu muốn đi học”, “cháu muốn học tại trường lẻ, xin mở trường”, đã kéo đến phòng tiếp dân UBND tỉnh để kiến nghị. Chiều cùng ngày, những người dân này tiếp tục kéo tới cổng Sở Giáo dục để kiến nghị. Lực lượng công an Nghệ An đã điều động hàng chục chiến sĩ túc trực khuyên giải, yêu cầu người dân đảm bảo trật tự.

Toàn cảnh buổi họp báo tại sở GD&ĐT Nghệ An chiều 19/9.
Toàn cảnh buổi họp báo tại sở GD&ĐT Nghệ An chiều 19/9.

Mở đầu buổi họp báo chiều 19/9, ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã đọc báo cáo tóm tắt diễn biến vụ việc, nêu ra những cái đúng của chủ trương sáp nhập trường là đúng với quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục của địa bàn.

Cũng theo ông Thành, sau khi có sự việc phụ huynh không cho con em đi học để phản đối sáp nhập trường, huyện đã làm đầy đủ thủ tục để đối thoại và lắng nghe tiếng nói của dân. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc đối thoại nhưng chưa tháo gỡ được vấn đề. Đến thời điểm hiện tại diễn biến tình hình an ninh trật tự tại xã Quang Sơn đang có chiều hướng phức tạp khi xuất hiện một số phần tử xấu kích động đe dọa những gia đình cho con em đi học. Đặc biệt, 5 gia đình có con em đi học đã bị đốt cây rơm và phá ruộng lúa.

Tại buổi họp báo, đa số các PV báo, đài Trung ương và địa phương đều nêu ra những ý kiến và giải pháp để giải quyết tình trạng trên. Vấn đề là cần làm rõ nguyên nhân vì sao phụ huynh lại phản đối gay gắt 1 chủ trương đúng đắn như thế? Từ đó, cần phải xem xét lại quy trình sáp nhập trường của chính quyền xã và huyện đã đúng, trúng và sát với dân hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An nêu ra 4 phương pháp để giải quyết vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An nêu ra 4 phương pháp để giải quyết vấn đề.

Kết luận buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định việc sáp nhập là đúng lộ trình, đúng theo chủ trương. Tuy nhiên phương pháp làm là chưa đúng. Quy trình triển khai chưa được nhuần nhuyễn giữa nhà trường và chính quyền. Từ vụ việc này, bà Chi nhấn mạnh cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, bài học để làm tốt hơn, giải quyết tốt ở thời điểm này và những vấn đề liên quan sau này cho những điểm trường khác.

Nói về giải pháp để giải quyết vấn đề của trường tiểu học Quang Sơn, bà Chi nêu ra 4 phương pháp. Theo đó, sở sẽ tiếp tục nâng cao củng cố chất lượng giáo dục tại trường Quang Sơn. Tiếp tục tham mưu chính quyền để có hỗ trợ về cơ sở vật chất, có điều kiện nâng cao khuôn viên, sân chơi, bãi tập tại điểm chính trường Quang Sơn. Tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chủ trương sáp nhập trường.

Đối với số học sinh không được học trong 1 năm, dựa trên luật của giáo dục đào tạo, Sở sẽ tổ chức khảo sát kiểm tra lực học. Nếu em nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ cho học vượt. Số còn lại ngành giáo dục chỉ đạo phòng, trường Quang Sơn phải dành toàn bộ giáo viên, có năng lực, có trình độ có tâm huyết, phụ đạo, ôn tập bồi dưỡng cho các em.

Một giải pháp quan trọng khác mà bà Chi cho rằng có thể giải đáp khúc mắc khi người dân phản ánh phải đi xa đó là sẽ đề xuất phương án cho bán trú tại trường. “Chúng tôi đề xuất phương án tổ chức bán trú tại điểm trường chính Quang Sơn. Giờ chúng ta sẽ phát huy cách làm mới, bà con thay vì nộp tiền hoàn toàn, chúng ta có thể ủng hộ 1 phần sản phẩm của địa phương như đậu, rau xanh, lạc, gạo... và góp 1 mức tiền nhất định trong khả năng có thể của phụ huynh. Từ đó, số tiền đóng góp sẽ giảm” - bà Chi nêu ra giải pháp ăn bán trú tại trường để giải quyết vấn đề.

Chiều tối 19/9, khi cuộc họp báo kết thúc, phía ngoài cổng sở GD&ĐT Nghệ An, các phụ huynh cùng các em học sinh vẫn đứng ngoài với những tấm biển nguệch ngoạc để mong được nói lên tiếng lòng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại