Nghe chúng nó kêu, bỗng nhiên tôi muốn đến chợ hoa lúc... hoàng hôn! Đây là điều lâu nay tôi tối kị vì nhớ mãi lời dặn của cha ông: Chợ chiều, hoa héo là 2 trong số những điều buồn nản nhất trong đời...
18h, người ken dày, cảnh sát tuýt còi dẹp chợ, dân tình xáo xác, trong khi đủ các thứ hoa vẫn bạt ngàn chờ...ế!
Năm nào cũng thế, chợ hoa của thành phố Đông Hà, Quảng Trị ngày giáp Tết được tổ chức trên Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố.
Theo hợp đồng giữa các hộ kinh doanh và chính quyền thành phố, đúng 16h30 phút, chợ phải giải tỏa để Ban tổ chức đêm văn nghệ bắn pháo hoa đón năm mới thu hồi mặt bằng.
Tất nhiên, dẹp thì cứ dẹp, người dân bán hoa cứ bê hoa chạy vòng quangh để né; còn người dẹp chỗ cũng vừa đuổi, vừa thương...
Tôi hỏi anh cán bộ Sở VH-TT-DL, tên là N. là thời gian bắt đầu của chương trình tối là mấy giờ? Anh cán bộ trẻ cho biết “Khoảng 9 giờ, 9 rưỡi gì đó”(?)
Trời đất, nói như thế có nghĩa là 22h đêm chưa chắc đã bắt đầu; vậy mà bắt dân dẹp chợ từ bốn rưỡi chiều?
Những cây quất có giá tính bằng triệu đồng của người bán hoa đến giờ phút cuối của năm vẫn chưa có người mua.
Tại sao không một ai chịu nghĩ rằng hàng ngàn chậu hoa, hàng trăm cây quất, cây đào, cây mai chưa bán;có nghĩa là phải đến hàng trăm triệu đồng của người dân đang chờ... héo, dẫu hoa còn đang... tươi?
Tại sao không vừa tổ chức văn nghệ, pháo hoa đồng thời vừa cứ mở cho người dân ngắm hoa – mua, bán hoa xung quanh quảng trường; có phải là vừa đẹp vừa vui không?
Chẳng có gì hay bằng đêm giao thừa vẫn có hoa để ngắm, thích thì mua, hái lộc đem về?
Thì ra, người ta chỉ nghĩ đến chuyện dẹp cho quang, dọn cho sạch để tổ chức cho thoáng chứ còn người trồng hoa, bán hoa có khổ hay cực thế nào cũng mặc?
Nhìn những chậu hoa, chậu quất phải bán đổ, bán tháo thật là xót xa. Mỗi cây đào giá 200-300 ngàn đồng; chậu quất lúc sáng 2 triệu đồng, giờ bán tháo 1 triệu cũng chẳng ai mua; còn hoa cúc, 150 ngàn đồng một cặp (2 chậu)...
Cuộc đời, đôi khi nghĩ cũng kì kì: Dẹp hoa tươi để lấy chỗ chờ xem hoa lửa, cho dù để trồng nên một cây đào, mất cả năm trời, rồi công chở từ ngoài Bắc vào, công chăm, công bán; bao nhiêu thứ tội cứ đợi mà kêu!
Tôi hỏi cô bé bán dưa hấu, đu đủ, mặc cái áo có hàng chữ hay đáo để - Hug Me, Kiss Me, Love Me, Mary Me: Cháu tên gì, học lớp mấy rồi? “Dạ, cháu tên Ngọc, học lớp 4”.
Cháu ăn mặc phong phanh thế, không lạnh sao? “Dạ, cháu chạy lui chạy tới mời mọi người mua nên nóng lắm, không lạnh chút mô à”...
Những cành đào chờ mãi vẫn chưa có người mang về chưng tết.
Nhìn bé Ngọc, rồi ngắm chị bán hoa cúc đỏ bịt kín cả mặt mày, mới chợt hiểu ra rằng, cũng là cảnh ế ẩm chợ chiều, mọi người đón nhận một cách, chẳng ai giống ai...
Tỉnh Quảng Trị quê tôi, năm nay cùng với Lào Cai, là hai tỉnh vừa được Chính phủ hỗ trợ cứu đói 1.000 tấn gạo.
Dù dân số ít hơn Lào Cai mấy chục ngàn người (613.000 so với 657.000 người), nhưng số gạo nhận để cứu đói nhiều hơn Lào Cai gấp gần 6 lần (850 tấn so với hơn 150 tấn).
Đêm giao thừa năm nay, tỉnh tôi vẫn bắn pháo hoa...
Tôi cũng nghĩ tích cực, bởi cả hoa tươi và pháo hoa đều mang lại niềm vui cho người dân. Nên chăng, nên có một cách xử sự bao dung hơn với người bán hoa trong những thời khắc thiêng liêng này. Lúc đó, cả hoa trên trời và hoa dưới đất đều sẽ rất đẹp.
Hình ảnh bé Ngọc phụng phịu như giận hờn người mua dưa chiều tối 30 Tết cứ ám ảnh tôi mãi hoài:
Tôi mua trái dưa, nói rằng cháu không cần thối lại tiền nhưng cô bé cười thật tươi mà nói “Dạ không, mẹ cháu dặn phải thối lại đủ cho khách, bác à”...
Đông Hà, 20:40, 30 Tết Bính Thân.