Có 2 rùa ở Hồ Gươm (?!)
Trước sự ra đi của "cụ rùa" Hồ Gươm, một vấn đề được không ít người đặt ra đó là nên thả rùa vào đây thay thế hay để Hồ Gươm không có rùa.
Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam cho rằng, không ai gọi rùa Hồ Gươm là "cụ" mà ở đây chỉ có PGS.TS Hà Đình Đức gọi như vậy.
"Tôi không gọi là "cụ rùa" được, bởi nếu thế thì gọi là "cụ chim" hay "cụ chuột" nữa sao? Ở đây, không ai định tuổi được con rùa đó cả nên đừng nói rằng nó có từ thời Lê Sơ, gắn với Lê Lợi.
Điều đó hoàn toàn không có chứng cứ về mặt khoa học mà chỉ là truyền thuyết dân gian", GS Biền nói.
Theo nhà nghiên cứu này, rùa mới qua đời xuất hiện một cách tự nhiên trong Hồ Gươm và hiện tại trong hồ có nhiều rùa nên không cần phải thay thế.
"Khi tôi được ban quản lý mời đi thuyền ra để góp ý tu bổ Tháp Rùa thì PGS Hà Đình Đức có đi theo ra đó. Ra đến nơi, trèo đến tầng 3 thì chúng tôi đều nhìn ra thấy có 2 con rùa, lưng lập lờ trên mặt nước.
Một con đầu trắng và một con đầu như mũ màu cỏ úa hay màu áo bộ đội, đều to cả. Một con ở gần và một con ở xa.
Tôi cũng đã nói nhiều lần với ông Đức về việc này và hỏi tại sao ông lại chỉ nói có 1 rùa, nhưng ông ấy chỉ im, không nói gì cả.
Như vậy, trong hồ có rùa nữa nên không cần phải thay thế làm gì cả", GS Biền nói.
Một trong hai cá thể rùa mắc vào lưới của ông Khôi và đã bơi vào Hồ Gươm từ năm 2011. Ảnh do ông Khôi cung cấp.
Cũng theo GS Biền, nếu ai đó cho rằng cần thay thế rùa thì cũng phải xem lại xem liệu rùa có thể sống trong điều kiện như ở Hồ Gươm hiện nay không, bởi không chỉ ô nhiễm, nguồn thức ăn ở đây cũng là vấn đề.
Còn theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nếu có rùa trong Hồ Gươm thay thế cho rùa đã chết vừa qua cũng là điều tốt.
"Nếu "cụ rùa" mới qua đời mà có con cháu ở đấy thì tốt còn nếu không có thể thay thế bằng rùa khác để cho bớt trống vắng đi.
Tôi thấy đang có sự tuyệt đối hóa, khoác cho rùa sự linh thiêng quá. Việc nói rằng rùa này có liên quan đến rùa thời kỳ Lê Lợi cũng không có cơ sở, chưa kể, câu chuyện rùa đòi gươm cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi, không chắc có thật.
Rùa cũng chỉ là một con vật, chúng ta nên cư xử thế nào cho nó đúng", GS Thịnh nói.
Còn ít nhất 2 cá thể rùa khác trong hồ Gươm (?)
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Ngọc Khôi, nguyên tổ trưởng tổ lai dắt rùa Hồ Gươm năm 2011 khẳng định, 100% trong hồ Hoàn Kiếm hiện vẫn đang còn rùa, tuy nhiên có thể không trùng ADN với rùa đã chết vừa qua.
"Khi tiến hành quây bắt rùa Hồ Gươm lên chữa bệnh, lực lượng của tôi đã tập dượt tại hồ Văn quán (Hà Đông) và tại khu nuôi rùa của tôi ở Đầm Bông - Định Công (Hà Nội).
Lúc tập kéo lưới tại Đầm Bông thì có 2 cá thể rùa nặng mỗi cá thể trên 10kg sa vào lưới. Sau chúng tôi thả ra kéo lại thì vẫn vào lưới.
Sau đó, để lưới dưới nước hôm sau (8/3/2011), khi mang ra Hồ Gươm thì 2 cá thể rùa này vẫn nằm vào lưới nên vô tình đã vào Hồ Gươm.
Do đó, tôi khẳng định trong Hồ Gươm vẫn còn rùa mai mềm đồng dạng với cá thể rùa vừa mất còn có đồng ADN hay không thì tôi không dám chắc", ông Khôi nói.
Cũng theo ông Khôi, lứa rùa mai mềm vô tình về Hồ Gươm hiện vẫn còn nhiều tại nơi nuôi rùa của ông.
Cùng với đó, ông cũng thông tin lại, sau khi bắt thành công rùa Hồ Gươm vào thời điểm năm 2011, sáng hôm sau đó, mọi người vẫn còn kéo thêm.
"Khi đó, có bắt được một cá thể rùa mai mềm giống rùa Hồ Gươm, nặng khoảng 20 - 25kg, lúc đấy mọi người đã thả lại hồ. Thông tin này tôi đã cung cấp từ năm 2011, nhưng sau đó không được ghi nhận.
Cho nên, theo tôi trong hồ vẫn còn rùa và không cần phải thay thế", ông Khôi bày tỏ.
Trước đó, PGS.TS Hà Đình Đức lại cho rằng, suốt quá trình theo dõi, quan sát, chụp ảnh, ghi hình rùa hồ Hoàn Kiếm, ông chỉ thấy có duy nhất một cá thể rùa nổi lên.
Ông Đức cũng nêu quan điểm, nên tìm một "cụ rùa" nào gần gần với "cụ rùa" Hồ Gươm để thay thì có thể chấp nhận được còn đưa rùa Đồng Mô vào thì nó không giống với rùa ở đây.