Không nên đưa rùa Đồng Mô về Hồ Gươm
Sau khi "cụ rùa" Hồ Gươm qua đời, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, từ lâu hồ Hoàn Kiếm luôn gắn với hình ảnh rùa Hồ Gươm. Do đó, ông đề xuất đưa rùa hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - là họ hàng cùng loài để về thay thế.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) không đồng tình với ý kiến này.
Theo GS Bình, hiện nay cũng chưa xác định được rùa Đồng Mô và rùa Hoàn Kiếm có cùng loài hay không.
"Chưa kể khu vực hồ Đồng Mô rất rộng nên có muốn cũng chưa chắc có thể bắt được. Bây giờ, lại tổ chức săn lùng để phá hoại thiên nhiên, tự nhiên, bắt về Hồ Gươm thì chắc gì rùa đã sống được. Việc này, tôi cho rằng, không cần thiết, tốn kém tiền bạc và không khoa học.
Cùng với đó, con vật nó sống ở đâu thì sẽ quen ở đó mà thực tế, môi trường ở Đồng Mô tốt hơn rất nhiều so với Hồ Gươm nên việc thay thế là không nên.
Còn nếu cần thiết thì nên tuyên truyền, quảng bá ở Đồng Mô có tồn tại loài rùa to, quý nên ai có điều kiện thì tiếp xúc để giữ gìn, bảo tồn", GS Bình nói.
Cùng với đó, ông cũng cho hay, hiện nay, chưa có ai lấy mẫu, phân tích gen của rùa Đồng Mô nên việc cho rằng, còn 4 con rùa Hoàn Kiếm, trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể (một sống ở Hồ Gươm và một ở hồ Đồng Mô, hai con còn lại ở Trung Quốc) là không đúng.
"Rùa hồ Gươm là một loài riêng của Việt Nam, tồn tại trong Thanh Hóa, Hòa Bình, phổ biến ở dọc sông Hồng, sông Mã, sông Chu.
Năm 2011, khi chữa bệnh cho "cụ rùa" tôi đã lấy mẫu ADN để phân tích thì thấy cùng loài với "cụ rùa" để trong đền Ngọc Sơn, bộ xương rùa để ở bảo tàng Hà Nội cùng mẫu vật rùa trưng bày ở Thanh Hóa, Hòa Bình.
Còn rùa Đông Mô thì tôi chưa phân tích được, chỉ thấy qua vài hình ảnh rồi có người nói lấy được mẫu, phân tích nhưng chẳng thấy công bố gì cả. Tôi cũng đã sang tận London để xem mẫu rùa mà họ nói cùng với rùa Hồ Gươm nhưng cũng không phải.
Với rùa đang trưng bày ở bảo tàng Thượng Hải (Trung Quốc) mà bảo là rùa Thượng Hải cùng loài với rùa Hồ Gươm thì thầy Hà Đình Đức cũng đã chụp ảnh và hình thái không phải", GS Bình thông tin.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) cũng cho rằng, ý kiến đưa rùa Đồng Mô về thay thế "cụ rùa" mới qua đời ở Hồ Gươm cũng chỉ là ý kiến cá nhân.
Còn việc đưa một cá thể ở nơi này về nơi khác thì cần phải có đánh giá, nghiên cứu cẩn thận, bởi vì, đang sống yên ổn ở Đồng Mô mà đưa về Hồ Gươm không phù hợp, chẳng may rùa chết thì lại mất thêm một cá thể nữa.
"Việc đưa hay không đưa không quan trọng bằng việc xem đặc điểm sinh thái có phù hợp không", TS Trường nêu quan điểm.
Thêm vào đó, nếu so sánh thì ở Đồng Mô rộng rãi và chất lượng nước sạch hơn so với Hồ Gươm.
"Cụ rùa" Hồ Gươm là giống cái
GS Bình cũng thông tin thêm, khi lấy mẫu ADN để phân tích vào năm 2011, ông cũng đã xác định. rùa Hồ Gươm là giống cái, đồng thời đưa ra dự báo về việc "cụ rùa" Hồ Gươm sẽ không thể sống lâu nữa.
"Khi đó, tôi có tính toán dựa theo lịch sử. Cụ thể, lúc đó, tuổi của "cụ rùa" Hồ Gươm vào khoảng 160 - 165 năm và theo như thế giới công bố loại rùa biển da mềm tương tự thì cực đại chỉ được 200 năm nhưng rất hiếm, cùng lắm chỉ từ 170 - 180 năm.
Do đó, tôi có nhận định là "cụ rùa" sẽ không sống được bao lâu nữa và đến lúc này sự ra đi cũng là mừng rồi. Không có loài nào trường sinh được và việc này là hoàn toàn bình thường, phù hợp với quy luật tự nhiên", GS Bình nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng, ở Hồ Gươm có 5 cá thể rùa sinh sống, GS Bình đã bác bỏ hoàn toàn.
"Người có quan sát kỹ càng và thường xuyên, liên tục với rất nhiều tư liệu về "cụ rùa" hồ Gươm là PGS.TS Hà Đình Đức cũng khẳng định, chỉ có 1 cá thể duy nhất. Người ta dùng lưới vây quét cả một tuần lễ cũng chỉ được 1 "cụ rùa".
Còn việc có sủi ở hồ là do "cụ" bị đói phải sục xuống các chỗ bê tông để kiếm ăn và bị thương. Sau đó, tôi có đề nghị thả thêm cá xuống thì không thấy nổi lên nữa.
Chưa kể, nếu còn các cá thể khác thì phải có sinh sản nhưng ở đây chỉ còn duy nhất 1 cá thể thôi", GS Bình nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quảng Trường cũng cho hay, việc cho rằng ở hồ Hoàn Kiếm có 5 cá thể rùa sinh sống là khó có thể kiểm chứng được.
Về làm tiêu bản cho "cụ rùa" Hồ Gươm, theo TS Trường, việc này sẽ do các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội quyết định cụ thể còn các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra ý kiến tư vấn.
"Hiện trên thế giới có 2 cách bảo quản đó là bảo quản khô và bảo quản trong nước bằng hóa chất. Tuy nhiên, cách bảo quản nước bằng hóa chất giữ nguyên trạng mẫu vật để trưng bày được nhiều nước sử dụng hơn.
Nhưng làm như thế nào sẽ do các cơ quan chức năng của Hà Nội quyết định cụ thể", ông nói.