​Hiệu ứng “sợ cá mập cắn”

Huỳnh Thế Du |

Nếu ai đã từng đọc Kinh tế học kỳ thú (Freakonomics) của Levitt và Debner sẽ biết hiệu ứng “sợ cá mập cắn”.

Trước khi xảy ra vụ khủng bố 11-9, “Mùa hè cá mập” đã xảy ra ở Mỹ vào năm 2001 khi các báo đưa tin rùm beng về một vài vụ cá mập tấn công người đi tắm biển. 

Điều này đã tạo tâm lý sợ hãi bị loài thủy quái này cắn khi tắm biển đối với rất nhiều người.

Hai tác giả đã chỉ ra rằng năm 2001 cả thế giới chỉ có 68 vụ bị cá mập tấn công với 4 người tử vong. Họ đã tếu táo rằng con số này có khi còn thấp hơn số thương vong do các xe truyền hình lưu động đi đưa những tin như vậy gây ra.

Tuy nhiên hiệu ứng sợ sệt đã vượt xa những con số thống kê mà kinh tế học hành vi gọi là hiệu ứng số nhỏ.

Xét về xác suất, nguy cơ bị cá mập cắn của bất kỳ một người đi tắm biển nào đó gần như bằng 0, nhưng nó lại tạo ra tâm lý lo sợ rất lớn. Cảm giác cứ bước chân xuống biển sẽ bị cá mập cắn đã xuất hiện.

Điều tương tự đã xảy ra ở Việt Nam vào năm 2011 khi có một vụ cá mập tấn công ở biển Quy Nhơn.

Hiệu ứng tương tự cũng đã xảy ra với vụ bắn tỉa ở Washington DC vào năm 2004.

Tâm lý như vậy đặc biệt thường xuyên xảy ra sau các vụ rơi máy bay.

Và rồi, hiệu ứng “sợ cá mập cắn” dường như đã xảy ra từ vụ việc của Doãn Minh Đăng ở Đại học Kỹ thuật - công nghệ Cần Thơ.

Điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý định trở về trong nước làm việc của nhiều người nếu họ có các cơ hội làm việc ở nơi khác.

Hơn thế, nó còn tạo ra những cái nhìn hết sức méo mó về khu vực công.

Hình ảnh một người có năng lực, nhưng không biết vâng lời bị cho ngồi chơi xơi nước (với trí thức không khác gì bị đày ải hay khủng bố tinh thần) tác động rất lớn đến tâm lý của những du học sinh hay những người có ý định vào làm việc trong khu vực công.

Đây có lẽ là một nguyên nhân chính dẫn đến tranh luận rất nóng về vấn đề về hay ở của du học sinh.

Đối với những thế hệ lớn hơn, điều này gợi lại những ký ức rất đáng quên của một thời những trí thức khẳng khái bị đày ải theo những cách thức tương tự mà sau đó đã để lại những di chứng hết sức nặng nề cho cả xã hội.

Ẩn đằng sau đó là cảm giác không công bằng, bị cô lập, những tư tưởng hay cách nhìn khác biệt, sáng tạo không được khuyến khích.

Sự kiện này đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh một loạt người thân của những cán bộ cao cấp được cất nhắc vào những vị trí quan trọng ở tuổi rất trẻ.

Việc so sánh tương phản là khó tránh khỏi.

Do vậy, xét về góc độ chính sách công, những người có trách nhiệm cần lưu ý giảm thiểu những sự kiện gây ra tâm lý “sợ cá mập cắn”!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại