12/13 quán quân Olympia không trở về: Vì cơ chế hay mối quan hệ?

Hà Khê |

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, cống hiến cho đất nước cũng là cách cống hiến cho nhân loại chứ không nên chỉ nghĩ theo chiều ngược lại.

Chuyện “chảy máu” chất xám không còn là vấn đề mới, chúng ta đã bàn nhiều đến vấn đề này trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm và là trăn trở của rất nhiều người.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng, chúng ta đã lãng phí một nguồn lực quý báu do thiếu những cơ chế phù hợp để khai thác, phát huy nguồn lực này.

Ông Hòa này lấy ví dụ, 12/13 nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi du học rồi ở lại nước ngoài làm việc, chúng ta có trăn trở việc này hay không?

Mới đây, một loạt Á quân Đường lên đỉnh Olympia đã lên tiếng về câu chuyện sử dụng nhân tài đã cho thấy, vấn đề này đang nóng hơn bao giờ hết.

Ở lại phải làm sao cho xứng đáng

Trao đổi với PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng:

"Ở lại nước ngoài làm việc phải sao cho xứng đáng. Nếu ở lại nước ngoài mà phát huy được tối đa khả năng của bản thân và tìm kiếm cuộc sống sung túc hơn thì đó là điều chính đáng và bình thường.

Ở lại nước ngoài hay cố tìm cách sang nước ngoài sinh sống chỉ để lấy nhãn mác Việt kiều thì đó là phù phiếm".

Cũng theo bà Ninh, trên thực tế tỉ lệ người Việt học tập rồi ở lại nước sở tại làm việc không phải là quá cao.

Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) dẫn chứng, tỉ lệ thanh niên Trung Quốc sau khi du học ở lại Mỹ, Châu Âu làm việc cao hơn so với du học sinh Việt Nam.

"Đối với những đối tượng đi du học bằng tiền ngân sách Nhà nước thì cần phải sòng phẳng với nhau, những người đó cần phải về nước phục vụ đủ số năm theo quy định hoặc trả lại số tiền Nhà nước đã cấp.

Học bổng Nhà nước là tiền thuế của dân, không có lý do gì mà người dân lại đài thọ để anh đi học rồi anh ở lại nước ngoài.

Có trường hợp về nước làm việc không được đúng với chuyên môn của mình, nhưng không phải vì thế mà ở lại nước ngoài, thậm chí là phải lao động chân tay để được ở lại, như vậy có đáng hay không?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói.

Theo bà Ninh, việc ở lại nước ngoài một vài năm để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi chuyên môn là điều cần thiết, nhưng cũng cần nhớ và nghĩ tới đất nước mình. Đất nước nào cũng cần có sự đóng góp về chất xám, nhất là trong giai đoạn này.

Trở lại câu chuyện, ở lại hay về nước thì cống hiến được nhiều hơn và phải chăng cống hiến cho nhân loại cũng gián tiếp cống hiến cho đất nước, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng:

Tôi không nói điều này đúng hay sai. Nhưng tại sao chúng ta lại không nghĩ theo chiều ngược lại, cống hiến cho đất nước cũng chính là cống hiến gián tiếp cho nhân loại, nơi nào cần mình hơn thì mình cống hiến.

Không nên nghĩ rằng, làm việc ở đất nước mình là không cống hiến được cho nhân loại, bởi sự tiến bộ về nhân lực của một đất nước đang phát triển cũng đóng góp cho bộ mặt chung của nhân loại".

Bà Ninh đưa ra ví dụ, lúc bà quyết định từ bỏ công việc là giảng viên một trường đại học ở Pháp để về nước làm việc, khi đó đất nước đang chiến tranh rất cần những người như bà.

Cống hiến cho đất nước cũng là gián tiếp đóng góp cho nhân loại. Còn nếu ai sống và làm việc ở nước ngoài thì cũng làm sao tạo tiếng thơm cho đất nước, chứ đừng để người ta coi thường”, bà Tôn Nữ Thị Ninh kết luận.

Nhân tài vẫn đi liền với quan hệ?

Mới đây, chia sẻ trên báo Vietnamnet, chị Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng là ĐH Coumbia và ĐH Harvard, nói về việc ở Việt Nam, dù có tài nhưng không có mối quan hệ cũng khó có thể giữ được những chức vụ cao.

Chị cho rằng, điều đó khiến nhiều người ngại trở về nước sau khi đi du học.

"Khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, tôi thấy "quan hệ" vẫn là yếu tố rất lớn. Người nước ngoài miêu tả là "relationship-based economy". Đối lập với đó là "merit-based economy", nghĩa là nền kinh tế dựa trên năng lực", chị Hiền nói.

Vì thế, một người từng làm việc cho rất nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài như chị Hiền cũng nhận định: "Vậy thì khi nào mà nền kinh tế của chúng ta còn phụ thuộc vào rất nhiều quan hệ thì năng lực chỉ là phần phụ.

Bạn không có quan hệ, vậy năng lực của bạn có làm bạn nổi trội và được trưng dụng hay không. Theo tôi, ở Việt Nam, vấn đề đó chưa xảy ra, nghĩa là mình phải phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ.

Vậy thì ai vừa có năng lực, vừa có quan hệ thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Những người chỉ có năng lực, không có quan hệ thì sẽ không thành công bằng".

Ở một góc nhìn khác, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng:

Không ít nhân tài khi trở về cảm thấy lạc lõng giữa những nhóm lợi ích, cơ chế xin cho, họ cũng thấu hiểu “một cánh én không làm nên mùa xuân”, thế nên họ lại buộc lòng phải ra đi.

Tôi không cho rằng, đồng tiền có thể làm thay đổi tình yêu với đất nước, thay đổi các giá trị sống. Tôi vẫn tin vào các nhân tài Việt.

Ra nước ngoài thì họ vẫn là người Việt Nam, khoa học là không biên giới nên họ đóng góp cho khoa học thế giới bao nhiêu cũng là niềm vinh hạnh của chúng ta”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

> GS Châu không thể có Bổ đề cơ bản nếu đi xe máy chen lấn ở HN
> Quán quân, Á quân đồng loạt lên tiếng chuyện về nước làm việc
> Cựu thí sinh Olympia: Mong anh Đăng đừng là thầy Khoa thứ 2!
> Thầy "luyện gà" Olympia: "Mấy ông bà quản lý sốc văn hóa"
> Á quân Olympia nêu lý do không trở về nước làm việc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại