Hai ngày cuối tuần, chúng tôi đã có dịp ghé thăm một nơi được cho là rùng rợn đối với nhiều người, đó là nhà xác, bệnh viện M, Hà Nội. Trong không gian vắng lặng của khu nhà đại thể (nhà xác), những nhân viên ở đây đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của công việc đặc biệt này.
Ngủ cùng... xác chết
Khi chúng tôi đến cũng là lúc anh T.V.Th và anh L.H.T. - nhân viên nhà đại thể bệnh viện M, Hà Nội đang chuyển ca cho nhau. Anh Th. cho biết, tổ chăm sóc người chết này có bốn người thay ca nhau trực, việc bận hay rảnh phụ thuộc rất nhiều vào "khách hàng".
Có hôm bốn người phải căng sức trang điểm cho ba - bốn tử thi để người nhà làm lễ an táng theo giờ đẹp mà thầy phán. Có hôm không có ca nào, các anh tranh thủ có thời gian đi dọn dẹp lại khu nhà, lau chùi, khử trùng dụng cụ để chuẩn bị cho... những ca sau.
Những nhân viên làm tại nhà xác của bệnh việnh M đều phải mặc áo trắng trong giờ làm việc. Khu nhà xác khá rộng nằm khuất một góc trong tổng thể bệnh viện. Sâu hơn một chút nữa là phòng trực của nhân viên nhà đại thể. Góc trong cùng là khu dành riêng cho những xác người (vệ sinh, giải phẫu và bảo quản), nhiều người lần đâu tới đây nếu không để ý còn không tìm được lối ra.
Phòng trực chỉ có một chiếc giường đơn, anh Th. cùng ba nhân viên nữa chia nhau trực đêm. Mỗi đêm lại có hai người thay nhau trực, hôm nào có người bận việc gia đình, thì có một người trực tại nhà xác. Với anh Th., lực lượng như thế đã là... hùng hậu lắm rồi, chứ một thời gian dài trước đây chỉ có anh và một người nữa thay nhau trực cả tuần, ròng rã hết tháng này qua năm khác. Điều đó cũng có nghĩa là chỉ một người sống giữa cả chục cái xác không hồn.
Anh Th. cho biết, anh sinh năm 1967 quê ở Thanh Hà, Hải Dương. Sau mấy năm đi nghĩa vụ quân sự anh trở về quê lấy vợ và sinh con. Thời điểm đó, nước ta mới trải qua thời kỳ bao cấp, kinh tế còn khó khăn nên hai vợ chồng dù chăm chỉ cấy 5 sào ruộng cũng không đủ ăn. Năm 1990, một lần ông chú họ về quê, thấy anh còn vất vả bèn bảo, khu nhà đại thể bệnh viện M đang cần người trông coi nhà xác, nếu không sợ và chịu được vất vả thì chú xin cho.
Suy đi, tính lại, anh Th. đã quyết định lên Hà Nội lập nghiệp trong... nhà xác bệnh viện giữa tiếng khóc nấc của người vợ. Trước khi đi, anh đã an ủi vợ: "Nghề nào cũng được, cốt là kiếm tiền một cách chân chính, anh đi kiếm thêm đồng ra đồng vào cho mấy mẹ con ở quê. Em không phải lo lắng...".
Trong 20 năm làm việc tại đây, nỗi sợ hãi dường như đã không còn trong người anh Th. và những người đồng nghiệp nữa, bởi hàng ngày họ được tiếp xúc với các xác chết từ hài nhi đến cao tuổi. Người chết vì bệnh tật, người chết vì tai nạn... Nhiều lúc những nhân viên ở đây trang điểm, sửa sang cho các thi hài như một quán tính, bởi họ quen quá rồi. Anh Th. cho biết, công việc của nhân viên nhà xáckhông chỉ đơn giản là đưa người chết xuống và trông nom họ trước khi làm lễ an táng.
Ngoài trông nom nhà xác ra, ông và các đồng nghiệp của mình còn phải phụ các bác sĩ giải phẫu tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết, rồi so sánh, đối chiếu với chẩn đoán ban đầu để từ đó nghiên cứu cách chữa trị và rút ra những kinh nghiệm quý giá cho y học.
Trong từng ấy năm làm việc ở nhà xác, chuyện anh Th. ngủ lại cùng với... những xác chết là chuyện bình thường. Vì thời gian đầu khi anh vào làm, còn một người nữa thay nhau trực ở đây, người làm ngày chẵn, người làm ngày lẻ. Khi nào có nhiều người muốn an táng trong ngày thì cả hai người phải cùng đến làm việc.
Đêm đêm, khi các âm thanh ồn ào của cuộc sống lắng xuống, một mình anh nằm trong khu nhà đại thể, bên trong là những ngăn lạnh bảo quản thi hài, nếu quả thật không phải là người dũng cảm thì chắc ai dám quay lại lần thứ hai.
Công việc thường ngày của những nhân viên bệnh viện.
Bị người yêu bỏ vì... làm ở nhà xác
Trong bốn người làm việc ở nhà đại thể, bệnh viện M, thì có Tr. D.P. là người trẻ nhất, năm nay mới có 24 tuổi và đã có 2 năm làm việc tại nhà xác. P. cho biết, quê cậu ở Kim Bảng, Hà Nam, học xong lớp 12 và không thi đỗ trường nào, P., được người quen giới thiệu vào làm tại đây, vì lúc đó nhà xác đang thiếu nhân viên trực.
Sự hăm hở của tuổi trẻ cùng với lúc đó đang chán vì thi trượt cao đẳng, P. khăn gói quả mướp lên Hà Nội làm việc. P. kể, hôm đầu tiên làm việc ở nhà xác, cậu không ngủ được, đêm toàn mơ ác mộng (lúc đó, có anh Th., ngủ cùng cho cậu đỡ sợ), cứ nhắm mắt là hình ảnh những tử thi lại ám ảnh cậu. Một tuần sau đó, cậu không dám ăn cơm, cứ gắp miếng thịt vào là lại bỏ ra...
Nhưng sang tuần thứ hai, thì cậu quen dần. Hàng ngày cậu cùng các chú, các bác tắm rửa, trang điểm cho những người chết được làm lễ tang tại nhà xác bệnh viện. Cậu bảo: "Hồi đó, lương thử việc của em cũng được 4 triệu đồng/tháng. Sau hai năm, em thấy mình dạn dĩ hơn rồi, giờ em đã có thể ngủ một mình ở nhà xác, buồn thì mở tivi, băng đĩa ra xem...".
P. bảo, ngoài những người bị bệnh, bị chết ngay tại bệnh viện và được chuyển xuống đây thì nhiều tử thi khác được người nhà ký dịch vụ với bệnh viện để đưa vào đây làm lễ tang. Lý do là ở Hà Nội, nhà cửa chật chội, không có không gian để tổ chức tang lễ, nên khi người thân của họ sắp mất, được con cháu ký hợp đồng với nhà xác bệnh viện để đến đây làm lễ.
Các trường hợp này thường rơi những nhà ở khu tập thể, hay người trong phố cổ, nhà cửa chật chội, đường đi ngắn và hẹp. Nhiều hôm "xấu ngày", có nhiều người bị mất, tổ bảo quản tử thi của P. phải làm việc liên tục để kịp hợp đồng. Thông thường một lễ tang được diễn ra trong 2 tiếng, vì thế chuyện tổ bảo quản tử thi "chạy xô" để kịp giờ cho các đám tiếp theo là điều không tránh khỏi.
P. tâm sự, thông thường những bác lớn tuổi như chú D., chú T., làm xong ca là họ về với vợ con, còn P.. thì cũng không biết đi đâu để chơi. Công việc ở đây căng thẳng và đặc thù nên mọi người ít giao lưu ở bên ngoài, chỉ người thân trong gia đình biết công việc cậu làm.
Những ngày tết, trong khi người ta đi đến nhà này nhà kia chúc xuân thì chúng em nằm lỳ ở nhà xem tivi bởi đầu năm mà người giữ nhà xác đến thăm nhà ai thì họ lo rằng điềm gở sẽ theo chân chúng em vào nhà... P. bảo, cậu cũng từng có bạn gái, là công nhân công ty may ở Khu công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội, hai người gặp nhau khi P. về quê ăn tết.
Thời gian đầu mới yêu, P. giấu không dám nói mình làm ở nhà xác bệnh viện, mấy tháng sau cậu mới can đảm nói cho người yêu biết công việc của mình. Sau đấy 2 tuần, cậu "được" bạn gái nói lời chia tay với lý do... không hợp nhau.
Cậu ngậm ngùi: "Chắc do cô ấy không chịu được việc có người yêu làm việc trong nhà xác bệnh viện chị ạ. Em cũng buồn nhưng nghĩ rằng, mình làm việc lương thiện, kiếm tiền lương thiện nên giúp những người xấu số được mồ yên mả đẹp nên em tin rằng, sẽ có người thông cảm với công việc và đến với em...".