Gian truân đường đến
Hai mươi năm trước, sau khi nghe những câu chuyện hấp dẫn từ các già làng Điểu K’Bá và K’Khen, các giám đốc của Sở Du lịch, Đài PT-TH và Bảo tàng Lâm Đồng cùng Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên quyết định thành lập đoàn để khảo sát nhằm khai mở tuyến du lịch hấp dẫn đến miền đất này. Lực lượng của đoàn khá hùng hậu với hơn 20 thành viên.
Chúng tôi đi xuồng ngược sông Đồng Nai. Gió lồng lộng mát rượi, những tia nắng mặt trời xuyên qua tán cây rậm rạp rừng nguyên sinh chiếu rọi xuống dòng nước trong xanh tạo thành những vệt sáng lấp lóa. Thảng hoặc những nhành phong lan mềm mại buông rủ qua những kẽ đá, hốc cây cổ thụ rêu phong đẹp như tranh.
Hai chiếc xuồng máy cập bến thôn 3, xã Phước Cát 2. Sau khi lội bộ 10 km xuyên rừng, ai nấy mệt mỏi bơ phờ và quân số dần rơi rụng gần một nửa. Đến con suối thuộc thôn 4, cô gái tên T. bỗng khóc nức nở bởi một tiểu đội vắt đã chui vào người, thi nhau hút máu. Đường càng lúc càng khó đi. Người dẫn đường liên tục vung xà gạc phát quang dây gai, bụi rậm. Nhiều lúc chúng tôi phải khom lưng bò trên sườn đồi bởi lối đi quá nhỏ và dốc.
Khi đang lội bộ trong Rừng Quýt, cách hang Thoát y chừng 2 km, người dẫn đường và cán bộ lâm nghiệp phát hiện một số dấu chân thú và bãi phân cực lớn. Các anh vui mừng cho rằng đó có thể là dấu vết của tê giác Java một sừng cực kỳ nguy cấp (có tên trong sách đỏ) chỉ còn tồn tại ở VQG Ujung Kulon (Indonesia) và Cát Tiên (Việt Nam).
Thông tin này khiến già K’Bá mừng đến chảy nước mắt và thổ lộ: Trước kia mình trót giết hại 2 con tê giác vì nghĩ rằng còn nhiều bầy thú một sừng trong rừng. Đến khi Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) thông báo quần thể tê giác ở Cát Tiên ước chỉ còn vài ba con, mình ân hận quá!
Kỳ bí hang Thoát y
Trở lại Cát Tiên lần này, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi bởi con tê giác cuối cùng đã bị giết chết (năm 2011, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên công bố loài tê giác Java đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam).
Bởi tin rằng sừng tê giác là một loại thần dược nên các tay thợ săn chuyên nghiệp đã săn lùng ráo riết loài thú này để lấy sừng bán với giá trên mây (hàng chục ngàn USD mỗi kg bột sừng). Trong khi đó khả năng sinh sản của loài thú này rất hạn chế: Thời gian mang thai khoảng 16-19 tháng và khoảng cách giữa các lần sinh con là 4-5 năm.
“Tuy không còn tê giác nhưng rừng Cát Tiên vẫn là nơi đáng khám phá bởi còn hàng trăm loài động - thực vật có tên trong sách đỏ, đặc biệt là quần thể bò tót (loài có nguy cơ tuyệt chủng cao) lớn bậc nhất thế giới với cả trăm con”- Bí thư huyện Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu tâm sự.
Chuyện vãn quên đường dài. Hàng chục km đường rừng rợp bóng các loài cây cổ thụ như gõ đỏ, giáng hương, căm xe hoặc ken kín lồ ô, tre nứa đã lùi lại phía sau. Chúng tôi dừng chân trước cửa hang đá thiên tạo dễ đến hàng ngàn năm tuổi lòa xòa những chùm dây leo song đá, mây đắng. Già K’Bá - người từng truyền lửa nhiệt tình cho chúng tôi đi tìm hang Thoát y ngày nào giờ không còn nữa nhưng truyền thuyết hấp dẫn mà già đã kể vẫn in hằn trong tâm trí.
Chuyện rằng xưa có anh chàng tốt bụng và dũng cảm tên là K’Pài. Vợ của K’Pài lẳng lơ, ngoại tình, còn em trai thì nhỏ dại, do đó quanh năm suốt tháng chàng lên rẫy trồng lúa, trỉa bắp hoặc mang dao và cung tên vào rừng săn thú. Đã thế còn phải làm hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Tiên nữ trong Hang Dơi biết chuyện nên thương tình mách nước cho K’Pài: Những khi mưa bão không kiếm ra thức ăn thì vào đây bắt dơi làm thịt. Tuy nhiên muốn vào trong hang và trở ra an toàn phải hoàn toàn khỏa thân; lòng không oán hận, thù hằn ai cả; ngoài ngọn đuốc bằng bùi nhùi của nứa hoặc tre, không được mang theo bất kỳ khí giới hoặc vật dụng gì.
K’Pài chỉ đường cho người trong buôn vào hang bắt dơi và dặn dò cẩn thận những điều phải kiêng cữ. Tuy nhiên, một lần do say rượu nên khi vào hang, K’Woài (buôn Jin Tơng) cởi hết khố, áo, dây buộc tóc nhưng lại quên tháo nhẫn và vòng đeo tay. Bởi thế, K’Woài bị kẹt trong hang 7 ngày 7 đêm.
Đến ngày thứ 8, anh ta bị trôi xuống vũng nước đen của suối Tời; da thịt gần như rã hết; chỉ còn lại bộ xương, mặt mũi và trái tim. K’Woài sống thêm được một tuần rồi chết. Trong quãng thời gian đó, anh dặn dò con cháu không được vi phạm điều cấm kỵ của thần để tránh bị trừng phạt như mình. Từ đó, trước khi vào hang, dân làng phải đánh chiêng để xin phép thần linh; tổ chức cúng trâu, dê, heo và lấy nước từ giếng thần trước cửa hang để thờ cúng và đổ vào chóe rượu cần…
Hang có 4 cửa ra vào, mỗi cửa cách nhau từ 3 - 5m. Cửa hang rộng 80cm và cao khoảng 70cm vừa đủ cho một người chui lọt. Dẫu được trấn an rằng không còn những con cá sấu vẩy mốc trắng, mắt sáng xanh hàng ngàn năm tuổi canh giữ cửa hang (như lời kể của già K’Bá) nhưng chúng tôi vẫn thấy rờn rợn khi một luồng không khí lạnh và khó chịu tỏa ra từ phía trong hang.
Đang men theo các gờ đá trơn trượt xuyên vào lòng đất bỗng cuồn cuộn đàn dơi dày đặc vụt bay ra, tới tấp đập vào người khiến ai nấy bàng hoàng, có người loạng choạng suýt ngã. Người dẫn đường nhắc nhở chúng tôi bám sát nhau để khỏi bị lạc bởi hang có nhiều ngõ ngách ăn thông với nhau; đồng thời phải cẩn thận kẻo ngã xuống vũng nước sâu trong hang.
Càng đi sâu vào hang không khí càng ngột ngạt bởi mùi phân dơi lâu ngày tích tụ. Hang khá hẹp và tối om bởi ánh sáng bên ngoài hầu như không thể lọt vào. Dưới ánh đèn pin nhập nhoạng, những hình ảnh thiên tạo trên vách đá thật huyền ảo; nhiều đàn dơi đang đu mình trên vách đá, những chú dơi con bám chặt vào bụng mẹ, chỉ cần huơ tay là bắt được.
Đôi bạn trẻ trên dưới 20 tuổi nắm chặt tay nhau cùng cầu nguyện. Chàng trai K’Hoàng với đôi mắt sáng và mái tóc xoăn bồng bềnh đặc trưng của tộc người Mạ cho biết đã lội rừng suốt nửa ngày trời từ xã Đồng Nai Thượng đến đây để cầu xin vị thần trong hang chứng giám tình yêu say đắm và phù hộ cho mối tình này luôn khăng khít, bền chặt như cá với nước.
Nép bên chàng trai với ngực trần vạm vỡ, nước da đen bóng là sơn nữ Ka Liên trong chiếc yếm mỏng bó sát người làm nổi bật bộ ngực căng tròn tràn đầy sức sống và vòng eo thon thả gợi cảm. Ka Liên rụt rè nói: Ông bà của em bảo rằng chỉ những đôi thực sự yêu thương nhau, cùng một niềm tin và cầu xin điều tốt lành mới được đưa nhau vào đây bởi nếu ngược lại thì cả hai sẽ làm mồi cho cá sấu chứ không thể tìm thấy đường ra khỏi hang.
“Còn ai thoát y khi vào hang không?” - tôi hỏi Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cát Tiên Điểu K’Giắc. Ông chủ tịch 45 tuổi tươi cười hóm hỉnh: Đó là chuyện của mấy chục năm về trước. Bây giờ mát mẻ nhất cũng chỉ ở mức con trai để ngực trần còn con gái mặc yếm mỏng thôi.
Tuy nhiên khi bắt gặp các đôi uyên ương âu yếm nhau trong hang thì đừng ngạc nhiên bởi người Mạ quan niệm tốt khoe, xấu che mà bộ ngực tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở sung túc tốt tươi. Được chiêm ngưỡng hoặc chạm vào sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Vài mươi phút sau, chúng tôi trở ra theo một cửa hang khác: Đi về phía hạ nguồn suối Tơi khoảng 50m thì nhìn thấy bàu nước trong vắt và bãi cát mịn màng lấp lánh ánh vàng. Theo truyền thuyết, bãi cát này, xưa là chốn để những tiên nữ giáng trần chọn nơi gặp gỡ, vui đùa nhảy múa.
Bên bờ suối từng đàn hươu, nai, tê giác nhởn nhơ gặm lá non, xa xa các chú chim công xòe đuôi nhảy múa… Khung cảnh thần tiên thơ mộng và địa danh Cát Tiên hình thành từ đấy.
Hiện đường đang được mở đến cửa rừng; các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan gùi cùng các lễ hội tiêu biểu của người bản địa như cồng chiêng, đâm trâu, cúng thần rừng, thần núi, thần lửa… sẽ được phục dựng để đưa danh lam thắng cảnh này vào khai thác du lịch.