Thông tin về việc 1000 thanh niên được huy động để đắp một đoạn đường mang tên Thanh Niên dài 700 mét ở địa bàn xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội diễn ra vào ngày 13/7 vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng việc làm này mang nặng tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Chiều 30/7, ông Trần Anh Tuấn – Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội đã lên tiếng về việc này. Ông Tuấn chia sẻ: “Thời gian vừa qua sau khi chúng tôi khởi công công trình đường Thanh Niên, có nhiều cơ quan báo chí đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau và chúng tôi đã nhận được đầy đủ các thông tin đó. Và chúng tôi đã báo cáo Thành uỷ Hà Nội về vấn đề này”.
Ông Trần Anh Tuấn nói tiếp: “Có cả một thời gian dài, thanh niên của chúng ta gắn với lao động cộng sản. Lao động và đi tình nguyện ngày nay không chỉ là cống hiến cho cộng đồng, xây dựng công trường thanh niên mà còn một nhiệm vụ quan trọng Đảng đã giao cho Đoàn Thanh niên là giáo dục Đoàn viên thanh niên. Và giáo dục bằng cách trải nghiệm thực tế chứ không phải là chỉ là đến công trường lao động một cách đơn thuần, các thanh niên phải trải nghiệm để thấy được giá trị của lao động như thế nào”.
So sánh với việc cần thiết phải cho các em nhỏ trải nghiệm qua lao động, ông Tuấn ví: “Vì sao các em nhỏ ở thành thị ngày nay trải nghiệm làm nông dân, vì sao các em nhỏ có trải nghiệm qua học kỳ quân đội? Rõ ràng các trẻ em thành thị chẳng bao giờ phải đi cấy và chắc chắn những em đó cũng không thể cấy bằng các em ở nông thôn được. Nhưng vì sao chúng ta phải có chương trình đó? Là vì để cho các em nhận thức được giá trị của lao động, giá trị của hạt gạo. Đó là cái chúng ta không cân đo, đong đếm được về mặt định lượng nhưng nó lại có giá trị lâu dài”.
Quay trở lại việc 1000 thanh niên lao động trên công trường xây dựng đoạn đường dài 700 mét ở Thạch Thất, ông Tuấn lý giải về việc huy động nhiều thanh niên: “Việc làm này không chỉ để tặng cho địa phương có con đường sạch sẽ hơn khi ra đồng mà qua đó có ý nghĩa giáo dục nữa.
Vì sao chúng tôi điều động 1000 thanh niên ở lễ khởi công? Tại buổi sáng lễ khởi công là 1000 người. Sau đó, 300 người được điều động ra vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ và đường làng ngõ xóm, 700 người còn lại được chia làm hai ca và lao động trong 3 ngày chứ không phải chứ không phải 1000 người này đứng “nhung nhúc” như vậy trong cả 3 ngày thi công.
Mục tiêu của việc này là để các bạn thanh niên thấy được giá trị của lao động và đồng thời hướng đến việc tình nguyện phải thiết thực, đạt được kết quả rõ ràng. Con đường gần 700 mét đã được hoàn thành. Còn giá trị sử dụng thì phải để bà con ở xã trong quá trình sử dụng đánh giá. Chúng ta cảm thấy mãn nguyện khi chúng ta làm được cho bà con con đường như vậy”.
Ông Tuấn khẳng định: “Đây là chủ trương của Thành Đoàn Hà Nội. Kinh phí thực hiện ước tính hết 1,5 tỷ đồng, với nguyên vật liệu và nhân công chuyên nghiệp hết 1,3 tỷ đồng. Còn 200 triệu đồng là các chi phí khác”.
“Giá trị của con đường không phải nằm ở các con số đó. Dùng từ phô trương thì hơi nặng nề nhưng tại lễ khởi công chúng tôi muốn có tiếng vang để hiệu triệu đoàn viên thanh niên hướng tới những hoạt động như vậy.
Thời gian tới, Thành Đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai phát động thanh niên tham gia việc làm con đường Thanh Niên tiếp theo ở huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết: Khi thực hiện công trường này sẽ tính toán số người. Sẽ không tập trung đông như công trường ở huyện Thạch Thất nhưng sẽ cho các thanh niên luân phiên lao động để các thanh niên đều có cơ hội trải nghiệm”, ông Tuấn nói.